Ngày 20/11/2014, chị Võ Thị Hương ở thôn Kim Ngọc, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, đã nhận được 35 triệu đồng, là tiền hỗ trợ GPMB khi chị giao đất cho Nhà nước để mở rộng, nâng cấp quốc lộ I.
Nhưng bức thư mà Bí thư Huyện ủy huyện Hàm Thuận Bắc Nguyễn Ngọc Chỉnh gửi chị, có nội dung xin lỗi gia đình chị và nhận trách nhiệm vì đã chậm chỉ đạo giải quyết việc trên, thì vẫn lan truyền rất nhanh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trở thành một “sự kiện”.
Số là gia đình chị Hương đã giao mặt bằng trước thời hạn, và đã được thưởng 15 triệu đồng. Trong khi chờ xây lại nhà mới, chị đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ 14 triệu tiền di dời nhà; 18 triệu thuê chỗ ở trong 6 tháng; 3 triệu di dời công tơ điện, nước. Tổng cộng 35 triệu. Xét thấy đề nghị của gia đình chị là hợp lý, UBND huyện đã chấp nhận.
Tuy nhiên từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2014, số tiền trên vẫn chưa đến tay chị Hương. Chị khiếu nại. Biết chuyện, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Ngọc Chỉnh đã có bức thư trên “Với trách nhiệm là Bí thư Huyện ủy, tôi thành thật xin lỗi gia đình chị về sự chậm trễ đáng tiếc này.
Để khắc phục tình trạng đó, tôi đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện khẩn trương triển khai các nội dung công việc được giao, sớm giải quyết thấu tình đạt lý những đề nghị của gia đình chị. Xin chị yên tâm”. Thư đề ngày 13/11. Sau khi nhận thư vài ngày, chị Hương đã nhận được tiền.
Người đứng đầu huyện có thư xin lỗi dân? Chuyện rất bình thường ở các nước khác. Nhưng là chuyện “độc”, “hiếm” ở nước ta. Thường thường, các “quan huyện”, “quan tỉnh” của chúng ta đều ngự ở thăm thẳm công đường. Dân muốn gặp được họ, còn khó hơn cả việc lên giời. Gửi đơn đến họ, kể cả gửi bằng thư bảo đảm, bưu điện đã trả cuống, ghi rõ “đã phát tận tay”, cũng đừng mong được hồi âm.
Trong năm, nếu có một vài dịp hiếm hoi được thấy mặt họ, như trong dịp tiếp xúc cử tri chẳng hạn, có chất vấn, thì cũng chỉ được nghe một câu đã thành công thức “Đơn chưa đến tay tôi. Để tôi kiểm tra lại chỗ văn phòng”. Còn chuyện muốn họ xin lỗi vì chậm giải quyết ư? Ông có mơ giữa ban ngày không đấy? Chính đó là nguyên nhân khiến đơn thư của dân dồn ứ lại, dẫn đến hàng vạn vụ khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện tập thể.
Mặc kệ người dân khản cổ kêu trời. Mặc kệ hàng ngàn người dân phải lặn lội từ miền Nam ra tận Hà Nội đưa đơn vượt cấp. 99,64% công chức của ta vẫn “hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Nền hành chính của ta vẫn tốt hơn của Mỹ, nếu xét theo tỷ lệ trên. 1 triệu công chức phải kê khai tài sản, chỉ có 1 người vi phạm. Tất cả đều “trên cả tuyệt vời”.
Trước thực trạng nền hành chính “trên cả tuyệt vời” ai cũng biết đó, việc ông Nguyễn Ngọc Chỉnh gửi thư xin lỗi một người dân, và quan trọng hơn là sau khi viết lá thư đó chỉ vài ngày, mọi quyền lợi của người dân được giải quyết thỏa đáng, đã trở thành một cú “lội ngược dòng”, rất đáng trân trọng.
Biết sai, biết nhận sai, biết sửa sai, là biết làm Người. Từ việc làm trên của ông Nguyễn Ngọc Chỉnh, nên chăng, hãy đưa thêm vào chương trình cải cách hành chính một nội dung là: Hãy học cách xin lỗi nhân dân.