| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 04/07/2021 , 16:53 (GMT+7)
Nguyễn Thị Phượng

Nguyễn Thị Phượng

16:53 - 04/07/2021

Hãy sống cuộc đời của người nông dân kiêu hãnh

Ẩn dưới những chiếc áo sờn vai của người kẻ chợ là tình người sâu đậm. Bao năm sinh sống trên đất thị thành, họ vẫn mang cốt cách của người nông dân chính hiệu.

Sinh ra và lớn lên tại đất Thủ đô, nhưng chưa bao giờ tôi tự nhận mình là Người Hà Nội. Hơn nửa thế kỷ sống ở thành phố, miền ký ức đong đầy kỷ niệm tuổi thơ của tôi là những chuyến tàu điện leng keng giữa hai Ga Bờ Hồ - Cầu Giấy.  

Còn nhớ ngày ấy, mỗi khi làm một việc tốt, mấy anh em sẽ được bố mẹ thưởng cho 1 đồng tiền, thường là đồng 2 xu hoặc 5 xu bỏ vào ống tiết kiệm (Một ống tre hoặc nứa, 2 đầu ống bưng kín). Thích nhất là ngày Tết, những đồng xu mừng tuổi trẻ con được xâu qua một chiếc dây, đeo trên cổ. Đứa nào được đeo vòng dây đồng xu càng dài, càng nặng thì càng khoái. Hết Tết sẽ tháo dây, tự tay bỏ tiền vào trong ống.

Thời gian chuẩn bị bước vào năm học mới là lúc được “bổ ống” lấy tiền mua quần áo mới và đồ dùng học tập. Nhưng niềm vui được háo hức mong chờ nhất là mỗi anh em được phép tự chi tiêu trong phạm vi “ngân sách” 2 hào cho chuyến “tour du lịch” Cầu Giấy - Bờ Hồ - Cầu Giấy.  

Bờ Hồ - tên gọi của khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm - là điểm đến không thể bỏ qua của bất kỳ đứa trẻ nào lần đầu đặt chân đến Thủ đô, cũng là điểm vui chơi số 1 của trẻ con Hà Nội.

Những năm 70 của thế kỷ XX, giá vé tàu điện tuyến Cầu Giấy - Bờ Hồ dành cho trẻ con là 5 xu/chuyến, 2 lượt đi về hết 1 hào, 1 hào còn lại đủ để mua 1 chiếc kem Tràng Tiền. Vị thơm ngọt mát của que kem Tràng Tiền không lẫn vào đâu được, luôn là món quà được mong đợi của những đứa trẻ trong dịp hè. 

Trên toa tàu điện hay gặp những người hát xẩm mù loà hoặc tàn tật, vừa hát vừa kéo đàn nhị, đôi khi có thêm một em bé đi cùng để gõ phách và dắt lối. Lạ nhất là hát xẩm trên toa tàu điện với tiếng ồn, rung lắc của tàu nhưng âm thanh, ca từ, giai điệu vẫn rất hay và sáng rõ, nghe thấm từng lời, từng chữ. Người hát rong đến gần, thấy mọi người lần tìm trong chiếc túi vải khâu tay chuyên để đựng tiền, rút ra 1 đồng xu khẽ khàng đặt vào chiếc nón.

Mấy đứa trẻ 6-8 tuổi chúng tôi sau một hồi đấu tranh tư tưởng đã quyết định không ăn kem nữa, dành chút tiền ít ỏi của mình giúp đỡ người khiếm thị. Những người lớn ngồi xung quanh thấy vậy chỉ khẽ cười, đầu gật gật. Ẩn dưới những chiếc áo sờn vai của người kẻ chợ trên mảnh đất 36 phố phường là tình người sâu đậm. Dẫu bao nhiêu năm sinh sống trên đất thị thành, họ vẫn mang cốt cách của người nông dân chính hiệu.

Giờ đây, tôi không biết trong số hàng chục triệu người đang sinh sống tại 2 thành phố lớn nhất cả nước, có bao nhiêu phần trăm là người “Hà Nội gốc” hay “Sài Gòn gốc", nhưng “gốc” thì sao và “không gốc” thì sao? Buồn thay là đâu đó đang xuất hiện tình trạng phân biệt giữa người thành thị và chốn thôn quê, người gốc Nam hay gốc Bắc.

Nghèo chữ quá nên trọng người hay chữ

Bóp bụng nuôi con thành ông Trạng, ông Nghè

Sáu mươi tuổi, mẹ còn cấy hái

Ông Trạng áo dài, ông Trạng sống ly quê

(Trích bài thơ Nông dânNguyễn Sỹ Đại)

Hơn 1.000 năm nay, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vẫn là vùng đất bao dung, thân thiện, nghĩa tình. Người ta nói về “văn hoá người Hà Nội” để cùng nhau xây dựng một Hà Nội đẹp hơn chứ không phải là sự phân biệt nhau bằng quê hương, gốc gác.  

Sài Gòn cũng vậy, một thành phố năng động, con người nghĩa hiệp và hào sảng. Họ hàng thân thuộc và nhiều bạn bè của tôi đang sinh sống tại đó. Dù không phải người “Sài Gòn gốc” nhưng họ vẫn đang ngày đêm làm việc miệt mài, chung tay xây dựng để thành phố này không ngừng phát triển cả về kinh tế và văn hoá.

Thế hệ các con phát âm chuẩn giọng người Sài Gòn, yêu thích món ăn Nam Bộ, thích nghe ca vọng cổ nhưng không bao giờ quên gốc gác quê cha đất tổ.

Thế hệ chúng tôi trước đây được dạy dỗ cặn kẽ về văn hoá truyền thống, tuy sống xa quê nhưng không ly quê; luôn trọng nghĩa, trọng tình, sống yêu thương, chia sẻ.  

Những ngày này, cả nước đang căng sức chống dịch Covid-19. Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… đã trải qua những ngày khó khăn nhất. Có địa phương nào không cần đến sự chi viện của tỉnh bạn, cho dù là vật lực, nhân lực hay ít nhất là kinh nghiệm chống dịch bùng phát trên diện rộng. Nhà có việc, lúng túng là điều không tránh khỏi.

Hãy dừng trách móc nhau, hãy làm tất cả những gì có thể để nhanh chóng kiểm soát tình hình, giảm thấp nhất số ca lây nhiễm.

Để phòng chống Covid-19 hiệu quả, văn hoá cộng đồng, sẻ chia, đùm bọc càng cần được phát huy, nhân rộng. Văn hoá thị thành và văn hoá thôn quê chưa bao giờ đối lập nhau, mà luôn là sự bổ sung cho nhau và dung nạp những nét đẹp nhất của nhau, làm phong phú thêm đời sống văn hoá của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng và toàn xã hội.

Gia đình tôi đã có thế hệ thứ 3 sinh ra tại Hà Nội. Đến lượt mình, tôi cũng đang nuôi dạy và trao truyền cho con cháu những nét văn hoá do cha mẹ tôi để lại: Hãy học để trở thành người hiểu biết và hãy sống cuộc đời của người nông dân kiêu hãnh.