Nhưng qua vụ việc này, lại có dấu hiệu đáng mừng: Đã có những người dân biết sử dụng quyền của mình- quyền của người tiêu dùng rất đúng cách, hiệu quả.
Khi sự thật này được phơi bày, ông Hoàng Khải đã phải thú nhận là đã làm việc đó từ cách đây... 30 năm. Ông cũng đưa ra lời xin lỗi và mong được tha thứ.
Có những lời xin lỗi có thể chấp nhận được nhưng có lẽ, lời xin lỗi của Khải "Silk" sẽ được rất ít người chấp nhận. Bởi sự lừa dối của ông đã kéo dài tới hàng thập kỷ và nó chỉ được đưa ra khi vụ việc đã bị phát hiện lúc mà công ty của ông đã không còn giấu nhẹm được nữa.
Với sự giận dữ của công chúng, cơ quan chức năng sẽ phải xem xét xử lý, thậm chí có thể khởi tố một vụ án về gian lận thương mại hay làm hàng giả nếu trong 30 năm đó, số lượng hàng giả nguồn gốc xuất xứ quá lớn, mức độ gây thiệt hại cho người tiêu dùng cao thì Khải "Silk" chắc khó tránh một hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Điều đáng mừng trong vụ việc này là ai cũng thấy ngạc nhiên là thực sự, KhaiSilk đã bị sụp đổ vì một khách hàng cá nhân là N.H.P, một người phụ nữ làm việc cho một Công ty quản lý sự kiện ở Hà Nội.
Người phụ nữ này khi mua số khăn lụa từ KhaiSilk đã phát hiện những chiếc khăn có cả 2 mác: "Made in China" và "Made in Vietnam", đã đánh giá được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, lập biên bản chi tiết và đấu tranh, buộc ông Hoàng Khải phải thừa nhận đã làm giả nguồn gốc xuất xứ của số hàng đã bán ra.
Đây có lẽ là một lần rất hiếm hoi khi có người tiêu dùng lại có thể biết cách sử dụng quyền của mình một cách hiệu quả đến thế. Chỉ với vài động tác rất bài bản: Ghi âm, quay clip, lập biên bản..., trong thời gian ngắn, người phụ nữ đó đã vén được bức màn bí mật trong 30 năm của một ông chủ thương hiệu nổi tiếng, vạch trần sự gian dối khủng khiếp của người này để bảo vệ quyền, lợi ích của mình và qua đó cũng bảo vệ được lợi ích của cộng đồng.
Kinh tế ngày càng phát triển, các hành vi xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng ngày càng đa dạng và phức tạp. Riêng những hành vi gian lận thương mại, làm giả xuất xứ hàng hóa như KhaiSilk cũng rất nhiều, phổ biến.
Nhưng không phải ai cũng biết cách phát hiện các hành vi gian dối đó, bảo vệ lợi ích cho mình trong khi hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý về đấu tranh, phát hiện các hành vi xâm hại lợi ích của người tiêu dùng chưa phải là cao.
Cho nên, những người tiêu dùng như công dân N.H.P đó hoàn toàn xứng đáng được cơ quan nhà nước biểu dương, khen thưởng để coi đó như một mẫu hình về cá nhân có ý thức cao và sử dụng hiệu quả quyền của người tiêu dùng để bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích cộng đồng.
Và đó cũng là lời cảnh báo cho bất cứ một doanh nhân nào khi không trung thực, làm hàng gian, hàng giả.. .thì nếu người đó vì kinh doanh gian dối mà giàu có, trở thành đại gia, doanh nhân nổi tiếng thì cũng rất dễ bị đào thải, sụp đổ khi ý thức của người tiêu dùng thức tỉnh.