| Hotline: 0983.970.780

HĐND TP HCM sẽ họp bất thường, chốt chính sách bồi thường ở Thủ Thiêm

Thứ Năm 18/10/2018 , 13:53 (GMT+7)

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong xin lỗi người dân Thủ Thiêm, đồng thời khẳng định sẽ họp HĐND bàn về chính sách bồi thường.

Trưa 18/10, buổi làm việc của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm và ông Nguyễn Hồng Điệp (Trưởng ban Tiếp công dân Thanh tra Chính phủ) với 30 hộ dân thuộc Khu phố 1, phường Bình An (quận 2) kết thúc sau hơn ba giờ đối thoại.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói rằng, cuộc gặp hôm nay để lấy ý kiến người dân ở khu 4,3 ha (Thanh tra Chính phủ đã kết luận nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm). Đầu tháng 11, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục gặp gỡ để lắng nghe các trường hợp khác.

"Thành phố không áp đặt gì cả, thành phố có đề xuất chủ trương như vậy. Cô chú anh chị cứ phát biểu đi, tôi sẵn sàng lắng nghe, trên cơ sở đó để đạt đồng thuận. Những công trình thành phố làm cũng chỉ vì chất lượng cuộc sống của người dân", ông Phong nói.

Người dân Thủ Thiêm nói về việc bị cưỡng chế khỏi nhà dù, khu vực này nằm ngoài ranh quy hoạch. Ảnh: Hữu Khoa.

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý hành chính cao nhất, ông Phong nhìn nhận nhiều cơ quan chưa giải quyết các kiến nghị đến nơi đến chốn, tạo tâm lý bất an, hoài nghi của người dân.

"Một lần nữa, từ tận đáy lòng mình tôi chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm ở khu 4,3 ha ngoài ranh. Tôi cũng xin chia sẻ về hy sinh của những gia đình, hộ dân đã phải rời bỏ nơi mình gắn bó từ bé để xây dựng khu đô thị", ông Phong nói và cho biết sau khi nhận kết luận Thanh tra, thành phố đã xây dựng kế hoạch giải quyết khiếu nại của người dân, tổ chức kiểm điểm những cá nhân, tổ chức sai phạm.

HĐND TP HCM sẽ họp bất thường về chính sách bồi thường

Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, UBND thành phố đã có kế hoạch triển khai, thành lập hai tổ công tác để giải quyết chính sách hỗ trợ bồi thường cho người dân. Có 11 vấn đề cần giải quyết, trong đó 10 vấn đề liên quan đến các hộ dân trong ranh, một vấn đề với các hộ ngoài ranh.

Theo ông Phong, các nội dung đang được gấp rút triển khai vì theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, các vấn đề phải thực hiện trước ngày 30/11.

Về thực hiện đo đạc, lập, thẩm định, ký duyệt bản đồ xác định ranh giới phần đất khoảng 4,3ha, UBND TP đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác do giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường đứng đầu. Sở này đã rà soát các tiêu chí xác định ranh và có văn bản xin ý kiến của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên - môi trường. Sau khi có bản đồ được duyệt, UBND quận 2 xác định cụ thể số hộ dân bị ảnh hưởng.

"Thành phố sẽ có phiên họp HĐND bất thường giải quyết chính sách cho người dân Thủ Thiêm", ông Phong khẳng định đã thống nhất vấn đề này với Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm.


Chủ tịch UBND TP HCM xin lỗi người dân Thủ Thiêm

Về phần mình, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay, vấn đề Thủ Thiêm, bà cũng như chủ tịch thành phố đã nghe mọi người trình bày nhiều năm nay. Vì vậy khi có kết luận Thanh tra, thành phố đã tập trung giải quyết.

"Bà con nhiều người ý kiến rằng giao việc giải quyết Thủ Thiêm cho một số đồng chí dính sai phạm ở đây sẽ không công bằng. Nhưng tôi khẳng định việc này được thành phố giải quyết đồng bộ dựa trên chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ, Ban thường vụ Thảnh uỷ. HĐND chúng tôi cũng sẽ lắng nghe, giám sát nữa nên bà con yên tâm", bà Tâm nói và xin nhận thiếu sót vì đã chậm trễ, để người dân chịu đựng lâu nay.

"Thành phố nhận thức vấn đề này đã làm sai rồi. Còn ai sai người đó sẽ chịu trách nhiệm. Việc giải quyết cho bà con chính quyền hiện tại phải có trách nhiệm và đang được lãnh đạo quyết tâm thực hiện", bà Tâm cho biết.

Ông Nguyễn Thành Phong và người dân sau buổi làm việc. Ảnh: Hữu Khoa.

TP HCM đề xuất phương án hoán đổi đất cho người dân

Theo Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng, sau khi Sở Tài nguyên - Môi trường cắm ranh chính thức mới, sẽ xác định những hộ nào nằm ngoài ranh quy hoạch. 30 hộ dân được mời làm việc hôm nay chỉ là dự kiến. Tiếp đó, thành phố tập trung rà từng trường hợp cụ thể.

Hiện tổ công tác mới chỉ xác định 3 loại chính là: nhà sở hữu tư nhân, nhà sở hữu nhà nước, sử dụng đất công (chia thành loại có hợp đồng và không có hợp đồng thuê).

"Sau khi xác định pháp lý, tổ công tác sẽ nghiên cứu các quy định của pháp luật và cơ bản sẽ là hoán đổi đất, sử dụng Điều 74 Luật đất đai 2013. Nhưng trước mắt chỉ xác định hoán đổi đất đúng diện tích mà người dân đang có ở vị trí di dời", ông Hưng nói.

Ba vị trí được lựa chọn hoán đổi cho người dân là đối diện tiếp giáp cầu Bình Khánh, rộng khoảng 18.000 m2. Quận 2 đã thuê đơn vị tư vấn thực hiện, sẽ tham khảo ý kiến bà con về giá thẩm định của hai bên.

Về hơn 300 trường hợp đã được bố trí tái định cư ở vị trí khác, nếu người dân vẫn muốn giữ vị trí đó quận sẽ thẩm định giá tại chỗ và nơi di dời để nhận phần chênh lệch, tránh xáo trộn cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Thạch. Ảnh: Hữu Khoa.

Người dân Thủ Thiêm muốn về nơi cũ

Trước đó, là người phát biểu đầu tiên, ông Nguyễn Văn Thạch cho biết là đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng ban điều hành khu phố 1, phường Bình An. Mang theo tấm bản đồ khu phố 1, ông Thạch chỉ từng lô, từng khu đất cho ông Nguyễn Thành Phong và Nguyễn Hồng Điệp xem.

Đã gắn bó với mảnh đất này nhiều năm, ông Thạch nói, toàn bộ người dân ở Khu phố 1 đều nằm trong 4,3 ha đất mà Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm. Giọng rành rọt, ông Thạch nói thêm: "Tôi đề nghị thành phố không làm tình hình căng thẳng thêm. Tại sao lãnh đạo không gặp hết người dân bị ảnh hưởng mà chỉ chọn một số người đại diện như thế này. Lãnh đạo đừng sợ dân, chúng tôi bảo đảm sẽ giữ trật tự".

Nhận mình là nạn nhân của việc cưỡng chế bất hợp pháp, bà Lê Thị Cẩm Vân chất vấn lãnh đạo thành phố: "Chồng tôi vì uất ức mà ngã bệnh. Ai sẽ chịu bồi thường tất cả những thiệt hại về tinh thần vật chất bao nhiêu năm qua cho gia đình tôi".

"Theo quy định, đất của dân không nằm trong quy hoạch thì không phải đi đâu cả. Vì nguyện vọng của chúng tôi là đất của ai ở đâu thì được về lại nơi đó. Nếu cần thiết phải lấy đất để làm dự án thì phải được Chính phủ cho phép, hủy các quyết định cũ và tính giá đất bồi thường theo mức giá hiện tại", bà Vân nói.

Trong gần 20 phút trình bày, bà Nguyễn Thị Kim Phượng nói về những bức xúc, khổ cực của gia đình; nguyện vọng của người chồng trước khi mất, cũng như của bà con Thủ Thiêm nói chung.

"Chúng tôi đi đấu tranh vì lẽ phải chứ không chống đối chính quyền. Thông báo của Thanh tra Chính phủ chỉ là báo cáo kiểm tra chứ hoàn toàn không phải là thanh tra toàn diện dự án đô thị mới Thủ Thiêm như nguyện vọng của chúng tôi. Chính quyền đừng áp đặt nữa, người dân chúng tôi không còn gì để mất", bà Phượng nói.

Ông Nguyễn Hồng Điệp. Ảnh: Hữu Khoa.

Tại cuộc gặp, ông Nguyễn Hồng Điệp cũng chia sẻ các khó khăn với người dân. Hôm nay, dù mời người dân lên nghe ý kiến nhưng TP HCM cũng chưa nhận định được đâu là trong ranh, ngoài ranh.

"Phần xử lý cán bộ vẫn còn đó. Nhưng dù xử nặng đến đâu cũng không chia sẻ nổi những mất mát của bà con. Tôi mong muốn bà con hãy cùng lãnh đạo thành phố bây giờ giải quyết vụ việc", ông Điệp phát biểu.

Sau 4 tháng vào cuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ kết luận TP HCM, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ có nhiều sai phạm trong quá trình quy hoạch Thủ Thiêm, phá vỡ quy hoạch Thủ tướng phê duyệt; thể hiện sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất. UBND TP HCM được yêu cầu làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân.

Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã thành lập Tổ công tác giải quyết các trường hợp khiếu nại liên quan công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện quy hoạch Khu ĐTTT. Đứng đầu tổ công tác là Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch phụ trách đô thị Trần Vĩnh Tuyến làm tổ phó.

Khu đô thị Thủ Thiêm được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á, nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 và chỉ cách 300 m đường chim bay. Đây là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP HCM, có các chức năng về tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí...

Hơn 20 năm sau quy hoạch, dự án đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại từ thành phố đến trung ương trong nhiều năm liền, cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sai quy định.

 

(vnexpress.net)

Xem thêm
Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.