Theo ghi nhận của phóng viên, trên các tuyến đường lớn của Thủ đô Hà Nội như Kim Mã, Ô Chợ Dừa, Lê Duẩn, Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt,... tồn tại rất nhiều tấm biển quảng cáo xuống cấp trên các công trình và nhà dân.
Điển hình ở ngã năm Ô Chợ Dừa. Đây là nơi phương tiện qua lại đông đúc, nhất là giờ cao điểm. Các loại biển hiệu, biển quảng cáo với nhiều kích thước, màu sắc “chen nhau” thu hút ánh nhìn của người dân.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là có vô vàn tấm biển quảng cáo không có nội dung, rách nát, trơ trọi khung sắt hoen gỉ tạo nên khung cảnh nhếch nhác.
Hay tại khu phố cổ sầm uất cũng xuất hiện một số biển quảng cáo hư hỏng, rơi rụng một vài bộ phận ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế.
Đa số các biển quảng cáo đã được lắp đặt từ lâu, chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết nên khi có giông lốc, mưa bão có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào. Chưa kể, nhiều biển quảng cáo được bố trí gần với đường dây điện ẩn chứa nguy cơ đổ sập, cháy nổ.
Thường xuyên đi qua khu vực Kim Mã, chị Phương Anh (quận Ba Đình) không khỏi lo lắng: “Những tấm biển quảng cáo gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt, tôi khá bất an khi nhìn thấy những khung quảng cáo trên cao đang hoen gỉ, bung gãy. Tôi hi vọng cơ quan chức năng sẽ sớm có biện pháp xử lý”.
Ẩn họa thường trực nhưng phần lớn chủ kinh doanh vẫn chưa có ý thức trong việc thực hiện các quy định pháp luật về việc in ấn, lắp đặt, sử dụng biển quảng cáo. Ngoài ra, công tác quản lý, xử lý sai phạm còn nhiều bất cập, chưa nghiêm dẫn đến tình trạng biển quảng cáo cũ nát vẫn ngang nhiên hoạt động.
Theo Luật Quảng cáo năm 2012, kích thước biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh được quy định cụ thể: “Đối với biển hiệu ngang thì có chiều cao tối đa là 2 mét, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1 mét, chiều cao tối đa là 4 mét nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu; biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa, không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng”.
Để giải quyết thực trạng trên, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ cơ sở kinh doanh và cơ quan chức năng. Về phía chủ cơ sở kinh doanh, cần tìm hiểu kỹ Luật quảng cáo, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, lắp đặt biển quảng cáo đúng quy định. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc kịp thời, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về lắp đặt biển quảng cáo, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.