| Hotline: 0983.970.780

Hiện đại hóa lực lượng kiểm ngư

Thứ Ba 29/11/2022 , 10:35 (GMT+7)

Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư với tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng từng bước hiện đại hóa, kiện toàn tổ chức bộ máy lực lượng kiểm ngư.

Chính sách đãi ngộ lực lượng kiểm ngư còn rất thấp

Hiện nay, Tổng cục Thủy sản đang xây dựng Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là đề án lớn nhằm xác định rõ phương hướng, mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể nhằm phát triển lực lượng kiểm ngư qua từng giai đoạn, gắn với những giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện và do Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Kiểm ngư về vấn đề này.

CUCKIEMNGU

Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Kiểm ngư trao đổi cùng phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Phạm Huy.

Xin ông chia sẻ những điểm nhấn trong công tác kiểm ngư thời gian vừa qua, góp phần thực thi pháp luật về thủy sản trên các vùng biển của Việt Nam?

Lực lượng kiểm ngư Việt Nam được thành lập theo Nghị định 102/2012/NĐ-CP và chính thức ra mắt tại Đà Nẵng năm 2014 với sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và ngư dân. Sau hơn 8 năm hoạt động, lực lượng kiểm ngư đã thực hiện tốt chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thực thi pháp luật thủy sản trên các vùng biển của Việt Nam.

Qua đó điều tra, xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản. Cùng với đó, lực lượng kiểm ngư cũng đã đồng hành, hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất trên biển, tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia trên biển.

Đồng thời, lực lượng kiểm ngư cũng phối hợp với các lực lượng khác trong công tác phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và các hoạt động liên quan đến phòng chống thiên tai, khai thác thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay vẫn còn những bất cập trong cơ chế, chính sách hỗ trợ lực lượng kiểm ngư. Thực tế thời gian vừa qua, tại một số đơn vị, tình trạng kiểm ngư viên xin nghỉ việc gia tăng. Vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Như tôi đã nhấn mạnh ở trên. Lực lượng kiểm ngư là một trong những lực lượng thực thi pháp luật trên biển cùng với các lực lượng khác. Tuy nhiên, chế độ chính sách cho lực lượng kiểm ngư, đặc biệt là cán bộ, thuyền viên thực thi pháp luật trên biển so với các lực lượng khác cùng hoạt động trên biển thì rất thấp.

kiem-ngu-kien-giang-1-150419_814

Lực lượng kiểm ngư tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản cho ngư dân. Ảnh: TL.

Trước đây lực lượng kiểm ngư được hưởng 4 chế độ chính sách gồm: phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực và phụ cấp trách nhiệm. Khi xây dựng Nghị định 26/2019/NĐ-CP triển khai Luật Thủy sản thì có bổ sung thêm 3 chính sách mới cho lực lượng kiểm ngư. Tuy nhiên, sau khi ban hành Nghị định 26, Chính phủ có Nghị quyết dừng tất cả các chế độ chính sách cho đến khi có chế độ, chính sách tiền lương mới.

Kể từ tháng 1/2020 đến nay, lực lượng kiểm ngư không được hưởng 4 chế độ chính sách cũ và 3 chế độ chính sách mới. Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT cũng đã làm việc và thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tư pháp để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép lực lượng kiểm ngư tiếp tục được hưởng 4 chế độ chính sách mà lực lượng kiểm ngư đã được hưởng trước đây theo Nghị định 204 và Nghị định 76 của Chính phủ.

Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang xem xét và hy vọng thời gian tới lực lượng kiểm ngư sẽ có hỗ trợ, qua đó động viên khích lệ anh em yên tâm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên biển.

Sẽ đề xuất kiện toàn bộ máy lực lượng kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương

Được biết, hiện nay Cục Kiểm ngư đang xây dựng Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030. Vậy những quan điểm, mục tiêu cũng như nội dung trọng tâm của Đề án này là như thế nào để chúng ta có thể chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa và hoàn thiện hệ thống tổ chức lực lượng kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương?

Đến nay, lực lượng kiểm ngư đã hoạt động hơn 8 năm và thực thi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu cũng như định hướng phát triển ngành thủy sản và tình hình trên Biển Đông trong giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ đã giao Tổng cục Thủy sản xây dựng Đề án tổng thể Phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là từng bước hiện đại hóa lực lượng kiểm ngư; kiện toàn tổ chức bộ máy từ Trung ương xuống địa phương để thực thi pháp luật về thủy sản trên tất cả các vùng biển (vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi). Đặc biệt, sẽ trang bị thiết bị hiện đại trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm ngư với tất cả lực lượng kiểm ngư vùng cũng như kiểm ngư tỉnh, thành phố có biển.

Chi cục kiểm ngư vùng I tổ chức lễ ra quân thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển đầu năm 2022. Ảnh: Tùng Đinh.

Chi cục kiểm ngư vùng I tổ chức lễ ra quân thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển đầu năm 2022. Ảnh: Tùng Đinh.

Lực lượng kiểm ngư cũng sẽ có Trung tâm chỉ huy để chỉ đạo thực thi pháp luật trên biển. Các tàu kiểm ngư khi hoạt động trên biển cũng sẽ được trang bị thiết bị hiện đại để bảo đảm thực hiện đầy đủ các chức năng được quy định tại Luật Thủy sản cũng như Nghị định 26.

Vậy trước chủ trương tinh giản biên chế của Chính phủ, ông thấy rằng chỉ tiêu biên chế dành cho lực lượng kiểm ngư Trung ương và địa phương đã đáp ứng được yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ về kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật thủy sản trên các vùng biển của Việt Nam hay chưa?

Phải nói rằng chủ trương tinh giản biên chế của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, đối với lực lượng kiểm ngư thì khi thực thi pháp luật trên biển, các tàu kiểm ngư đã có định biên các vị trí gồm thuyền trưởng, máy trưởng, các công chức, viên chức, thuyền viên phải đảm bảo đủ lực lượng để khi tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có thể thực hiện tốt chức năng.

Đến thời điểm hiện nay, lực lượng kiểm ngư số lượng biên chế rất ít và vẫn bị cắt hàng năm 10%. Hiện nay nhiều tàu khi hoạt động trên biển không đủ lực lượng nên chúng tôi phải có giải pháp kết hợp xen kẽ giữa các tàu với nhau để đủ lực lượng khi triển khai các nhiệm vụ trên biển.

Trong thời gian tới, với Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư, chúng tôi sẽ đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy cũng như đề xuất đủ biên chế và nhân sự cho các chi cục vùng hoạt động trong thời gian tới.

Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp biển. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 8 tỉnh thành lập lực lượng kiểm ngư chuyên trách. Vậy theo ông nguyên nhân là do đâu? Việc chưa xây dựng được lực lượng chuyên trách này gây khó khăn như thế nào trong công tác kiểm ngư?

Trong Luật Thủy sản 2017 có một nội dung đáng lưu ý, là lực lượng kiểm ngư Việt Nam bao gồm kiểm ngư Trung ương và kiểm ngư các tỉnh, thành phố ven biển trên cơ sở yêu cầu thực thi pháp luật cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có 8 tỉnh thành lập được lực lượng kiểm ngư địa phương trực thuộc Chi cục Thủy sản. Nguyên nhân chủ yếu là các địa phương vướng chỉ tiêu biên chế khi thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Chính phủ nên chưa bố trí được tổ chức biên chế để cho lực lượng kiểm ngư hoạt động.

Vì vậy, việc khẩn trương thành lập các lực lượng kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là rất quan trọng trong việc thực thi pháp luật ở vùng ven bờ và vung lộng để đảm bảo khai thác bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế cũng như chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ “thẻ vàng” của EC trong thời gian tới.

Thưa ông, hiện nay, Kiểm ngư Trung ương ngoài Cục Kiểm ngư còn có các Chi cục vùng trực thuộc. Vậy với hệ thống tổ chức bộ máy như vậy đã bao quát hết toàn bộ ngư trường biển khơi của Việt Nam trong hoạt động khai thác thủy hải sản hay không?

Hiện nay, nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng kiểm ngư Trung ương là tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các vùng biển khơi, và tập trung ở các vùng giáp ranh, chồng lấn với các nước trong khu vực Biển Đông để thực thi nhiệm vụ cũng như ngăn chặn, giảm thiểu các hành vi khai thác bất hợp pháp, đặc biệt là ngăn chặn tàu khai thác cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam và ngăn chặn tàu cá Việt Nam có dấu hiệu hoặc có ý định vi phạm vùng biển nước ngoài.

Và toàn bộ vùng biển khơi hiện nay lực lượng kiểm ngư Trung ương đang tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hàng ngày, duy trì với số lượng từ 15 - 20 tàu để chúng ta thực thi hoạt động pháp luật thủy sản trên biển.

Tăng cường xử phạt tàu cá vi phạm khai thác IUU để đảm bảo tính răn đe

Vừa qua, Đoàn Thanh tra của EC đã sang Việt Nam để kiểm tra các hoạt động chống khai thác IUU. Bên cạnh những nỗ lực rất đáng ghi nhận, thì có một thực tế rằng, tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính còn rất thấp so với số vụ việc được phát hiện thông qua hệ thống giám sát tàu cá (VMS). Vậy trong thời gian tới, lực lượng kiểm ngư sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Phải nói rằng lực lượng kiểm ngư là một trong những lực lượng chủ chốt thực thi pháp luật về thủy sản trên biển. Trong thời gian vừa qua, lực lượng kiểm ngư đã tăng cường tuần tra, kiểm soát các tàu cá để đảm bảo chống khai thác bất hợp pháp và tiến tới gỡ “thẻ vàng” IUU. Lực lượng kiểm ngư cũng phối hợp với lực lượng biên phòng, lực lượng cảnh sát biển, hải quân và các lực lượng khác trên biển để ngăn chặn các hành vi khai thác bất hợp pháp.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình đạt 96%. Tuy nhiên tỷ lệ mất kết nối cũng như không duy trì thiết bị giám sát hành trình rất lớn. Về việc này, trách nhiệm của các địa phương là phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, đặc biệt là trong quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, ngoài việc tuần tra, kiểm soát các tàu cá trên biển để đảm bảo bà con ngư dân bật thiết bị giám sát hành trình tàu cá 24/24 lực lượng kiểm ngư sẽ phối hợp với lực lượng biên phòng và các lực lượng quản lý thủy sản địa phương để kiểm tra, kiểm soát ngay từ các cảng cá, ngay từ lúc ngư dân xuất bến. Đảm bảo thiết bị giám sát hành trình được duy trì 24/24 khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Từ đó, chúng ta có thể quản lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm khai thác thủy sản.

CUCKIEMNGU2

Ông Nguyễn Quang Hùng cho rằng, việc khẩn trương thành lập các lực lượng kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là rất quan trọng. Ảnh: Phạm Huy.

Vậy trong thời gian tới, cần làm gì để xóa bỏ tình trạng tàu cá vi phạm nhiều nhưng số lượng xử phạt thì ít?

Phải nói rằng sau 5 năm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, Việt Nam có quyết tâm chính trị rất lớn, có sự vào cuộc rất mạnh mẽ từ cấp Chính phủ, các Bộ, ngành cũng như các cấp chính quyền địa phương.

Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Ví dụ như việc xác minh, điều tra, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp, nhiều địa phương làm tốt nhưng còn rất nhiều địa phương chưa làm tốt việc này.

Đặc biệt là tàu cá của chúng tá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa tiến hành điều tra, xác minh triệt để để xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 42, nhất là tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, số lượng xử phạt rất ít so với số vụ vi phạm của ngư dân.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo rất quyết liệt các địa phương. Chúng ta đã có 5 năm tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân. Hầu hết ngư dân đã hiểu và tuân thủ quy định về khai thác hải sản trên biển. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận ngư dân vi phạm. Chúng ta phải kiên quyết xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo tính răn đe cũng như đảm bảo tính thực thi pháp luật về thủy sản, sớm gỡ “thẻ vàng” IUU.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.