| Hotline: 0983.970.780

Hiến kế gỡ khó cho nông sản Việt trước hiểm họa Corona

Thứ Hai 03/02/2020 , 13:01 (GMT+7)

"Cần tìm thấy cơ hội bên trong những thách thức do dịch bệnh gây ra", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị Thúc đẩy thương mại, phát triển nông sản trước tác động dịch bệnh Corona diễn ra chiều 3/2.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị Thúc đẩy thương mại, phát triển nông sản trước tác động dịch bệnh Corona chiều 3/2.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ứng phó với Corona cần xác định cả ngắn hạn và dài hạn

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận, điều đáng hoan nghênh là các đơn vị đều lạc quan, tìm được hy vọng trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, để ứng phó được cần sự đồng hành của Chính phủ, Nhà nước, của doanh nghiệp và người dân để tìm ra nhóm giải pháp khắc phục khó khăn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, ứng phó với Corona cần xác định cả ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, cần tìm thấy cơ hội bên trong những thách thức do dịch bệnh gây ra. Để cần làm điều đó cần có những chuỗi giá trị sâu, chuỗi liên kết lớn để tìm hướng đi khác cho nông sản khi xảy ra sự cố.

Bộ trưởng Cường yêu cầu các tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT, Công thương và các doanh nghiệp rà soát nông sản trên địa bàn, trước hết là nông sản đi Trung Quốc, đặc biệt là thanh long và dưa hấu vốn có sản lượng rất lớn. Từ đó, đưa ra giải pháp theo từng địa phương.

Căn cứ vào tình hình dịch, các cơ quan chức năng phối hợp với các tỉnh biên giới để cung cấp thông tin kịp thời, sớm đưa ra giải pháp. Các doanh nghiệp trong nước cần lưu ý đến phương án phân phối các sản phẩm khó lưu trữ.

Các chủ vườn, nông dân cũng cần kiểm soát tốt việc kích thích ra hoa thanh long sớm, tránh thời điểm thông thương bị hạn chế như hiện nay.

Ông Cường cũng đề nghị các tỉnh lưu ý phát triển chuỗi liên kết nông sản, trở thành giải pháp chiến lược, lâu dài và bền vững chứ không thể lúc nào cũng giải cứu khi gặp sự cố.

Việc mở rộng các thị trường ngoài Trung Quốc cũng là một giải pháp tốt để tránh rủi ro trong tương lai, tránh "để trứng vào một giỏ". Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ và địa phương để ứng phó tình hình.

[clip] Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói về các hướng đi mới cho nông sản việt Nam trước hiểm họa Corona


Siêu thị BigC: Tình hình thanh long không đến nỗi quá tiêu cực

Nhu cầu nông sản là rất lớn trong chuỗi siêu thị của chúng tôi. Trong thời điểm này, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, song chúng tôi cam kết hỗ trợ tối đa trong khả năng của mình.

Những ngày qua, chúng tôi nhận được đề nghị của các Sở Công thương phía Nam về hỗ trợ thanh long. Chúng tôi cho rằng tình hình thanh long không đến nỗi quá tiêu cực.

Đại diện siêu thị BigC.

Đề nghị Bộ NN-PTNT cung cấp cho chúng tôi danh sách những mặt hàng nông sản có thể bị tồn đọng để lên chương trình marketing phù hợp.

Năm 2019, khi thanh long rớt giá, chúng tôi hỗ trợ nông dân rất nhiều. Nhưng khi được giá, nông dân lại bán thẳng cho phía Trung Quốc, dù chúng tôi vẫn mua theo giá thị trường, hỗ trợ 0% chiết khấu cho nông dân trong hợp tác xã. Nếu chúng ta vẫn làm ăn kiểu này thì không ổn.

Ngoài ra, thị trường trong nước hơn 90 triệu dân, sao chúng ta không tìm cách hướng vào ngay thị trường này.

“Tôi rất biểu dương BigC, nhất là thời gian vừa qua không chiết khấu với thịt lợn, góp phần làm giảm bão giá”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.


Hiệp hội Rau quả: Tính tới xúc tiến mạnh bán hàng online

Khi dịch bệnh xảy ra, các doanh nghiệp xuất hàng đi Trung Quốc gần như tê liệt. Một số doanh nghiệp chấp nhận bỏ cả tiền cọc 100-200 triệu vì không thể bán hàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp giữ uy tín, mua hàng cho nông dân.

Hiệp hội đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường nước khác. Song Chính phủ một số nước vẫn cảnh báo không tụ tập đông người, từ đó dẫn đến ít người đi chợ, sức mua giảm.

Hiệp hội cũng đang tính tới xúc tiến mạnh việc bán hàng online.

Đại diện của Hiệp hội rau quả.

Trái cây hiện nay bảo quản lâu nhất là dừa được 75 ngày. Thanh long đỏ được 15 ngày, thanh long trắng là 45 ngày. Cũng may đây là thời điểm trái vụ của nhiều loại trái cây, nếu không có biện pháp thì cây không ra trái.

Đây cũng là cơ hội cho ngành rau quả nhìn nhận lại. Xưa nay, rau quả xuất sang Trung Quốc chủ yếu là tiểu ngạch. Nay nông dân cần làm ăn với những doanh nghiệp uy tín, giảm thiểu rủi ro.

Thứ hai là cần quy hoạch lại vùng trồng, theo hướng bán đi khắp nơi, kể cả đi châu Âu.

Hiệp hội kiến nghị Bộ trưởng cho tiếp cận các thông tin chính xác về ngày thông quan giao thương hàng hóa. Mặt khác, khi mở cửa lại, liệu người dân Trung Quốc có ra đường mua sắm hay không, hay vẫn bị ám ảnh tâm lý.

Điều khác nữa là công nghệ bảo quản. Nếu công nghệ tốt thì có thể giữ được rau quả lâu hơn. Hiệp hội đề nghị Bộ hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh kho lạnh bảo quản. Đề nghị Bộ Công thương giảm giá điện với các doanh nghiệp này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: “Gót chân Asin của chúng ta chính là thanh long, 1,9 triệu tấn mỗi năm. Rất hoanh nghênh ý kiến của hiệp hội và chúng tôi sẽ thông tin kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp”.


Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam: Ngành gạo yên tâm trước dịch virus Corona

Bà Bùi Thị Thanh Tâm hoàn toàn nhất trí với đánh giá tình hình, nhóm giải pháp mà 2 Bộ đưa ra. Theo bà Tâm, thời điểm hiện tại, ngành gạo có lẽ là ngành lạc quan nhất trong các nhóm ngành hàng.

Kết thúc 2019 với kết quả đáng mừng là hơn 6,2 triệu tấn gạo xuất khẩu với kim ngạch 2,7 tỷ USD, giảm 300.000 USD do giảm về giá.

Cách đây 5-6 năm, khi nói đến gạo thì thị trường Trung Quốc là cái gì đó khổng lồ. Nhưng hiện giờ, chúng ta đã tăng chất lượng, tìm được thị phần mới. Dịch virus Corona không ảnh hưởng nặng đến ngành gạo.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam.

Chỉ có điều đáng lo ngại là dịch bệnh sẽ khiến Trung Quốc không nhập được số lượng hàng như cam kết, ví dụ như đậu nành...

Vụ đông xuân năm nay sớm hơn mọi năm, giá lúa từ 4.400-4.700 đ/kg. Giá nhìn chung là tốt, không để Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phải “xuất hành” đến các địa phương tìm cách tháo gỡ như năm ngoái.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận: "Dịch châu chấu châu Phi đang hoành hành cực kỳ nguy hiểm. Các doanh nghiệp cần củng cố thế trận, cuối năm có thể thắng lớn".


Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội VASEP: Cơ hội cho thực phẩm đóng hộp

Một số doanh nghiệp cá tra, cá ngừ, tôm đang bị chậm hợp đồng do ngân hàng phía Trung Quốc chưa mở cửa. Dự kiến 16/2 phía bạn mới có thể thanh toán các đơn hàng vận chuyển theo đường biển. Đây là điều chúng tôi lo ngại nhất.

Thứ hai là một số hãng tàu biển lớn đã ngưng nhận hàng đi Trung Quốc.

Thứ ba là các khách hàng lớn về thủy sản như Nhật Bản đã đề nghị không đi qua ngả Trung Quốc. Thị trường châu Âu, Mỹ: Đầu năm họ sẽ sang đánh giá, xem xét hàng hóa. Tuy nhiên, năm nay họ không sang, có thể do virus Corona.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội VASEP.

Một số khách hàng chuyển sang giám sát từ xa. Chúng tôi tiên lượng rằng hợp đồng mới có thể nhận được, song số lượng sẽ giảm.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc đang bị tồn kho. Chi phí bảo quản đông lạnh không hề nhỏ, dù kho của doanh nghiệp hay đi thuê. Ước tính ít nhất 0,9 đến 1 USD cho một đơn vị hàng.

Khi các hệ thống nhà hàng Trung Quốc ngừng tiêu thụ hoặc giảm tiêu thụ cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Hiệp hội VASEP đang tích cực tìm hiểu thông tin, động viên doanh nghiệp. Chúng tôi thấy có 2 cơ hội: Một là những nhà nhập khẩu ở Trung Quốc cho biết Việt Nam nên chuẩn bị hàng đông lạnh, hàng đồ hộp. Với những dịch như corona lần này, văn hóa ăn uống sẽ thay đổi. Khách hàng sẽ chuyển sang đồ hộp thay vì ăn hàng tươi sống như trước.

Cơ hội thứ hai là một số ngành đang cạnh tranh với Việt Nam như cá ngừ Trung Quốc đang bị giảm sâu. Đây là lúc doanh nghiệp Việt Nam cần tranh thủ thị phần, nhất là ở châu Âu, châu Mỹ. Lãnh đạo hiệp hội sẽ cập nhật theo tuần, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương.

"Lạc quan là có cơ sở. Đương nhiên chúng ta cần có thêm chính sách. Đây chắc chắn là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận.


Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh: Đề nghị chuyển sang xuất khẩu chính ngạch ngay khi có thể, đặc biệt là lô hàng sợi

Ngành du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, logistic cũng bị ảnh hưởng. Chắc chắn hoạt động xuất nhập khẩu không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian ngắn hạn và trung hạn có thể từ 6 đến 8 tháng trong trường hợp xấu.

Hoạt động xuất nhập khẩu chịu tác động xấu vì một số lý do theo đánh giá của chúng tôi như sau:

Một là nhu cầu tiêu thụ giảm, ví dụ như chuỗi Starbucks ở Trung Quốc, đã đóng cửa rất nhiều cửa hàng dẫn đến nhu cầu về café giảm. Bên cạnh đó là những chuỗi cửa hàng như McDonald, KFC đặc biệt là ở Vũ Hán ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ cá file trắng. Hoặc các nhà hàng khác Trung Quốc cũng vắng khách dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung giảm.

Lý do thứ hai là do chợ biên giới mở cửa chậm hơn thường lệ, như đã biết, phía Trung Quốc sẽ đóng cửa đến ngày 9/2. Việc đóng cửa chợ biên giới khiến việc trao đổi cư dân gián đoạn, đây là hình thức trao đổi quan trọng, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Lý do thứ ba là do khách mua Trung Quốc không thể sang được Việt Nam dẫn đến không có những đơn hàng mới mặc dù một số loại trái cây đã vào vụ. Mọi năm giờ này họ đã sang rất tấp nập để chuẩn bị mua trái cây, hoa quả cho thị trường Trung Quốc.

Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh.

Đặc biệt, có một yếu tố như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chỉ rõ, việc đàm phán mở cửa thị trường cho một số mặt hàng như sầu riêng, khoai lang và một số mặt hàng nông sản khác đang diễn biến thuận lợi thì bị đình trệ do các quan chức Trung Quốc không thể sang được Việt Nam.

Phạm vi ảnh hưởng là tương đối rộng, đến các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phân tích sâu thêm về vấn đề này. Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu qua đường bộ, tạm gọi là thương mại biên giới có giá trị 7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu qua đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, riêng xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD.

Trước tình hình xuất khẩu bị ảnh hưởng như vậy, ngay từ ngày mùng 5 Tết, Bộ Công thương đã có văn bản ghi nhận tình hình và đưa ra cảnh báo gửi đến Bộ NN&PTNT, các tỉnh biên giới,…

Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo các thương vụ tại nước ngoài tổ chức các hoạt động tìm kiếm và kết nối với các khách hàng mới để góp phần chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị một số doanh nghiệp logistic hỗ trợ bảo quản nông sản trong thời gian tìm kiếm thị trường
Các chi nhánh thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam cũng đã và đang tích cực trao đổi với các tỉnh biên giới nhằm thúc đẩy thời gian mở cửa các chợ biên giới.

Chúng tôi cũng đã vận động một số chủ hàng chuyển sang xuất khẩu chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ. Tuy nhiên, kết quả thu được là chưa nhiều do xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, đặc biệt là xuất khẩu trái cây được ưu đãi thuế VAT khi nhập khẩu vào Trung Quốc nên chiếm một tỉ trọng khá lớn. Mặc dù Bộ Công thương đã khuyến khích các doanh nghiệp chuyển qua xuất khẩu chính ngạch suốt 2 năm qua.

Với hình thức xuất khẩu trao đổi cư dân như trên thì chỉ còn cách đợi các chợ biên giới mở cửa trở lại. Do đó, gần đây đã xuất hiện tình trạng ùn ứ cục bộ. Lý do thứ 2 là các chủ hàng tương đối ngại ngần khi chuyển sang xuất khẩu chính ngạch vì sẽ mất thêm chi phí. Bên cạnh đó, còn phải đáp ứng thêm một số tiêu chuẩn về bao bì, nhãn mác.

Những sản phẩm có thể chuyển sang xuất khẩu chính ngạch chúng tôi đã đề nghị chuyển ngay, đặc biệt là lô hàng sợi. Nhưng những mặt hàng như vậy không có nhiều.

Mặt hàng trái cây còn phải chịu một số áp lực về mặt thời vụ, bảo quản nên rất khó để xoay chuyển tình thế trong một thời gian ngắn. Và lý do cuối cùng, nông sản nói chung và trái cây nói riêng rất khó chuyển hướng thị trường do chưa đáp ứng được một số tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác,…

Trước tình hình đó, chúng tôi có một số kiến nghị, đầu tiên, chúng ta cần tiếp tục triển khai các giải pháp. Về phía Bộ Công thương, chúng tôi tiếp tục yêu cầu các thương vụ vào cuộc, nhiều thương vụ đã có lịch làm việc với khách hàng trong tuần này. Đồng thời tiếp tục theo dõi tiến độ xuất khẩu cho đến khi các cửa khẩu chính thức mở cửa trở lại để kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh.

Ngoài ra, chúng tôi để nghị bà con thay đổi tiến độ sản xuất vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và có khả năng còn kéo dài. Bên cạnh đó, cần tổ chức kết nối chuỗi cung ứng với một số vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An,…

Biện pháp tiếp theo là động viên, hướng dẫn các chủ hàng xuất khẩu theo đường chính ngạch đối với các lô hàng có đủ điều kiện. Đồng thời khuyến nghị người bán, đóng gói, gắn tem nhãn phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc. Đối với những lô hàng không đủ điều kiện cần ưu tiên giải phóng hàng trong ngày 9/2 khi chợ biên giới mở cửa trở lại.

Đồng thời khuyến nghị các tỉnh biên giới tổ chức hỗ trợ bảo quản đối với các container đến ngày 9/2. Trước ảnh hưởng của bệnh dịch, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã vào cuộc thông qua cắt giảm lãi suất cho vay và nội các Thái Lan cũng sẽ tổ chức các giải pháp hỗ trợ cho các công ty lữ hành.

Ví dụ như cho vay ưu đãi, hoãn trả lãi vay và vốn vay, tạm hoãn đóng thuế thu nhập, giảm một số loại thuế, phí. Chúng tôi đề nghị Bộ NN&PTNT tổng hợp các nhu cầu của ngành nông nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp hỗ trợ tương tự.

Tôi cũng đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính rà soát lại các loại thuế, phí để xem xét giảm trong thời gian hiện nay.


Long An đề nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp nông sản

Lãnh đạo tỉnh Long An cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch Lạng Sơn đã rất tích cực, quan tâm đến vấn đề xuất khẩu nông sản.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy trồng thanh long có truy xuất nguồn gốc. Hiện ở Long An có nhà máy kéo dài "thời gian ngủ đông" của thanh long để bảo quản tốt hơn. Đề nghị Bộ NN-PTNT và Chính phủ tiếp tục hỗ trợ tỉnh", ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết.

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An.

Đến cuối tháng 1/2020, Long An còn tồn 20 nghìn tấn thanh long, trong khi cuối tháng 2 này dự kiến sẽ thu hoạch 28.000 tấn. Các kho lạnh ở tỉnh này có thể chứa được 7.500 tấn. Một số doanh nghiệp đang chế biến, xuất khẩu thẳng sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị Long An với 300.000 ha thanh long, hàng trăm doanh nghiệp, cần họp lại để "tự cứu mình trước khi chờ người cứu". "154 nhà máy chế biến, hai cơ sở chế biến lớn cần chủ động vào cuộc. Chợ lớn nhất Việt Nam là chợ Sài Gòn, với 11 triệu dân, vì sao chúng ta không tính tới. Tôi đề nghị làm sớm, Bộ trưởng cũng sẽ vào cùng", ông Cường nói.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh rằng hơn ai hết, lãnh đạo địa phương là người nắm rõ nhất, có tác dụng lớn nhất trong việc xoay chuyển tình thế trong khó khăn.


Phó Chủ tịch Lạng Sơn: "Vẫn có vùng đệm được kiểm soát chặt"

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết các huyện, xã ở Trung Quốc giáp với Việt Nam đang được kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ.

"Chúng tôi đang thấy khá yên tâm vì phía bạn kiểm soát tốt dịch bệnh. Một số huyện, xã ở phía bạn giáp với Lạng Sơn chưa có trường hợp nào dương tính với virus Corona. Chúng ta đang có vùng đệm khá an toàn", ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND Lạng Sơn, cho biết.

Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND Lạng Sơn.

Ông Trưởng cho biết đã giao công an Lạng Sơn triệu tập một đối tượng phao tin "người Trung Quốc ùn ùn sang Việt Nam". Đối tượng này thừa nhận đây là tin giả, bị cơ quan chức năng phạt 20 triệu đồng.

Từ sáng 3/2, chỉ có 10 người Việt Nam nhập cảnh qua cửa khẩu ở Lạng Sơn, tất cả đều được cách ly theo dõi.

Về hơn 190 xe thanh long đang tồn ở cửa khẩu, ông Trưởng cho biết nguyên nhân có thể do ngày mùng 1 là ngày tốt, nhiều doanh nghiệp muốn xuất hàng. Giới chức Lạng Sơn đang tích cực đàm phán với phía Trung Quốc để xử lý các xe này.

"Tạm thời một số chợ đầu mối ở Trung Quốc chưa mở cửa, nên nếu xe thanh long có sang thì cũng nằm chờ bán, chịu phí bến bãi. Một số xe thanh long đã có hợp đồng với phía bạn thì chúng tôi đang cố gắng giải quyết cho hàng đi", ông Trưởng nói.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết đã giao Sở Công thương tỉnh này thông tin đến các địa phương trên cả nước để hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu trong giai đoạn này. "Đến 15 tháng Giêng, nếu phía bạn xác nhận không có dịch ở biên giới, thì chúng ta sẽ mở cửa cho hàng hóa đi".

Hiện Lạng Sơn đã tạm dừng cấp giấy thông hành mới. Dự kiến khi các cửa khẩu thông quan, hàng hóa được qua lại, việc cấp giấy thông hành sẽ được cấp lại như trước.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương Lạng Sơn đã tích cực tìm cách tháo gỡ vấn đề, hỗ trợ lái xe, qua đó giúp tình hình xuất khẩu nông sản "dễ thở" hơn.

Dự kiến sáng 4/2, Lạng Sơn tổ chức họp tìm cách tháo gỡ nông sản ùn ứ ở biên giới. "Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn chưa xác nhận liệu có mở cửa các chợ vào 15 tháng Giêng âm lịch, nên doanh nghiệp vẫn cần thận trọng", ông Trưởng cho biết. Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu các bến bãi không được phép thu quá quy định, chỉ thu 1/3 thời gian xe lưu bến. Các bến bãi "nói chung sẽ miễn phí" với việc ăn uống, tắm rửa của các tài xế.


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: 'Biến thách thức từ virus Corona thành cơ hội'

"Viêm phổi cấp đang trở thành loại bệnh cực kỳ nguy hiểm với tính mạng con người và kinh tế toàn cầu. Năm Canh Tý nhuận hai tháng 4, rét và mưa chậm hết, phù hợp cho virus phát triển. Do đó, đây là tương lai ảm đạm cho kinh tế toàn cầu. Nhưng đồng thời, nó cũng là dịp để chúng ta tìm hướng đi mới, tái cấu trúc ngành nông nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định "không có virus Corona thì sẽ có vấn đề khác", do đó, cần tỉnh táo, không sợ hãi trước dịch bệnh. "Thực tế này đặt ra cho chúng ta những thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh để đối phó.Trước tình hình này Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị, yêu cầu các cấp ngành vào cuộc một cách quyết liệt", Bộ trưởng Cường nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đây là cơ hội để tái cấu trúc ngành, tìm các hướng đi mới.

Theo ông Cường, ngành nông nghiệp sẽ chịu tổn thương nhất. Ví dụ như nhiều mặt hàng thanh long, dưa hấu. Mặt khác, virus corona cũng tổn thương đến đầu tư. "Tất cả các nội dung thương thảo giữa hai bên tạm dừng lại, ví dụ, sản phẩm sầu riêng, khoai lang, yến, thạch chuẩn bị ký nghị định thư để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng hiện tại giờ chưa biết thế nào", ông Cường thông tin.

Vì vậy, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị, xin ý kiến của các bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội để nhận dạng đúng, chính xác tác động trực tiếp của bệnh này, trước hết là thị trường Trung Quốc với nông sản Việt Nam, từ đó xác định giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để doanh nghiệp, nông dân vượt qua.
"Biến thách thức thành thời cơ, bàn giải pháp xây chợ mới, từ đó tái cơ cấu ngành nông nghiệp xa hơn dài hơn với một tinh thần khẩn trương nhưng không hoang mang", ông Cường cho biết.

Trung Quốc hiện là thị trường nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24-25% trong xuất khẩu trị giá 85 tỷ USD.

Chiều 3/2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo Bộ Công thương chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, lãnh đạo 6 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc và hiệp hội ngành hàng để bàn các giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản Việt  - Trung ứng phó với dịch Coronna.

Với diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp và những động thái của Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông người, dự báo sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước.

Đối với mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên Đán và lễ sau Tết.

Đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị Thúc đẩy thương mại, phát triển nông sản trước tác động dịch bệnh Corona chiều 3/2.

Qua rà soát, từ nay đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8/2-28/2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn.v.v... Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến.

Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, lịch nghỉ Tết Nguyên Đán của Trung Quốc kéo dài và các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch được triển khai từ cả hai phía (đến tối ngày 2/2/2020, theo cập nhật có khoảng 175 xe thanh long loại 20 tấn/xe tại Lạng Sơn).

Với các sản phẩm từ chăn nuôi được xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10/2019, việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh Corona.

Nông sản Việt xuất đi Trung Quốc dự báo sẽ gặp nhiều thách thức do dịch Corona.

Trong khi đó, dù xuất khẩu thủy sản đang có xu hướng tăng, tuy nhiên trong Quý I/2020, do Trung Quốc đã thông báo tạm dừng khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn về thời điểm giao hàng.

Cụ thể, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, giao thông hạn chế sẽ cản trở hoạt động giao dịch, trao đổi, làm việc giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai bên trong lĩnh vực thương mại nông sản. Việc tạm dừng đường bay, khó khăn trong giao thông giữa hai nước trước mắt sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động giao dịch, làm việc trao đổi của doanh nghiệp hai nước, đặc biệt đối với các hoạt động vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường hàng không, đường thủy, đường bộ.

Ngoài ra, điều này cũng ảnh hưởng đến công tác thu xếp, bố trí của Bộ NN-PTNT đối với 3 đoàn công tác quan trọng của chuyên gia Tổng cục Hải quan Trung Quốc sang Việt Nam (dự kiến trong tháng 3/2020) khảo sát thực tế, làm việc trao đổi với phía Việt Nam.

Xem thêm
Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.