Tiếp tục duy trì chương trình MTQG về ATTP
Kinh nghiệm của Long An cho thấy, công tác tuyên truyền có vai trò rất quan trọng. Đối với quản lý chất cấm trong chăn nuôi, chúng tôi cho rà soát, mời các trang trại chăn nuôi lớn, các chủ lò mổ và thương lái về dự hội nghị, có cả lực lượng công an đứng ra tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về hành vi buôn bán, tàng trữ và sử dụng chất cấm.
Sau đó, Sở NN-PTNT chỉ đạo lực lượng thú y, cho mời cả công an có kết hợp với hệ thống truyền thanh lưu động, cứ thỉnh thoảng lại về các vùng chăn nuôi có nguy cơ sử dụng chất cấm cao để tuyên truyền, thấy có lực lượng công an hiện diện tới từng thôn xã, dân chăn nuôi rất nể sợ. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thanh cơ sở tại các vùng chăn nuôi tập trung cũng được chỉ đạo định kỳ hàng ngày, rỉ rả thông tin cảnh báo nếu hộ nào sử dụng chất cấm thì sẽ bị xử lý ra sao, tác hại của hành vi này thế nào.
Khó khăn nhất đối với công tác quản lý ATTP hiện nay có lẽ là nguồn lực, kinh phí. Hiện nay Chương trình MTQG về ATTP đã chấm dứt nên kinh phí để triển khai nhiều công tác về vấn đề này rất khó khăn, như Long An hiện kinh phí để rà soát, kiểm tra phân loại cơ sở SX-KD vật tư nông nghiệp và thực phẩm đã hết.
Theo tôi, Quốc hội cần phải bố trí nguồn kinh phí để tiếp tục duy trì Chương trình MTQG về ATTP, nếu không thì ít nhất cũng phải lồng ghép vào một chương trình MTQG nào đó để bố trí kinh phí cho hoạt động này.
(Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó GĐ Sở NN-PTNT, Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An)
Phải “nắm đằng cán” cơ sở, DN kinh doanh liên quan
Kinh nghiệm của Bình Dương cho thấy việc “nắm đằng cán” đối với các cơ sở, DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có liên quan đến vệ sinh ATTP là rất cần thiết.
Trước đây theo quy định, bên Sở KH-ĐT là đơn vị cấp phép SX-KD, nhiều khi ngay cả đến DN nào hoạt động trên địa bàn tỉnh có liên quan tới vệ sinh ATTP cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp cũng không nắm được để quản lý. Tuy nhiên về sau, Bình Dương quy định những DN hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến vệ sinh ATTP là lĩnh vực phải có điều kiện.
Vì vậy trước khi Sở KH-ĐT cấp giấy phép kinh doanh, DN buộc phải có trước các loại giấy phép của các ngành chuyên môn khác như y tế, nông nghiệp. Thực tế cho thấy do áp dụng cơ chế này, hiện nay tỉ lệ các cơ sở, DN xếp loại C của Bình Dương rất ít, kết quả kiểm tra phân loại vừa qua toàn tỉnh chỉ có 1 trường hợp xếp loại C. Đối với cơ sở còn xếp loại B, Bình Dương sẽ áp dụng cơ chế chỉ kiểm tra 2 lần mà không nâng được lên loại A thì kiên quyết đóng cửa, tước giấy phép kinh doanh ngay.
Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh hàng nông sản an toàn, hiện Bình Dương bố trí hẳn một chợ đầu mối hoạt động theo phiên, miễn thuế - phí 100% cho các đơn vị mua bán ở đây. Phiên chợ khai mạc do chính Chủ tịch UBND tỉnh phát động, các đơn vị cung ứng hàng nông sản sạch, an toàn được các đơn vị chức năng như thú y, trồng trọt, Quản lí Chất lượng... giới thiệu xác nhận đạt tiêu chuẩn. Hàng hóa ở chợ này bán vèo một cái là hết, được các Cty lớn đưa đi phân phối.
(Ông Đinh Thiên Thuận, Chi cục trưởng Chi cục QLCL Nông lâm thủy sản Bình Dương)
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ NN-PTNT sẽ sớm công bố đường dây nóng tố giác về hành vi sử dụng, buôn bán, tàng trữ chất cấm trong chăn nuôi. Tiền thưởng cho các trường hợp tố giác tạm thời sẽ do chính lương của Bộ trưởng trao thưởng, mức thưởng tạm thời là 5 triệu đồng/vụ việc được phát hiện xử lí. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương sớm lập đường dây nóng và trao thưởng theo hình thức tương tự. |