| Hotline: 0983.970.780

Hiệp định Thương mại tự do EU-Canada (CETA) 'thua' chính quyền vùng Walloon?

Thứ Sáu 28/10/2016 , 13:25 (GMT+7)

Hiệp định Thương mại tự do EU-Canada (CETA), sau cuộc đàm phán suốt 7 năm ròng với rất nhiều khó khăn và nhượng bộ của cả 2 bên, đã không được ký kết như đã định vào ngày 27/10/2016...

Lễ ký CETA sẽ phải dời lại do sự phản đối của chính quyền vùng Walloon thuộc Bỉ.
 

Vì sao vùng Walloon có quyền phản đối?

Walloon (hay Wallonie, Wallonia), khu vực với dân số 3,5 triệu người (trong tổng số 11,5 triệu toàn quốc), chủ yếu nói tiếng Pháp ở miền nam nước Bỉ, có chính quyền riêng, đã “trái ý” EU- cộng đồng có hơn 500 triệu dân.

EU chỉ có thể thông qua CETA khi cả 28 nước thành viên đồng thuận, trong đó có chính phủ Bỉ. Còn chính phủ Bỉ chỉ có thể thông qua CETA khi nhận được sự đồng ý của tất cả các cơ quan lập pháp cấp liên bang, vùng và các cộng đồng ngôn ngữ tại nước này. Trong đó, 3 cộng đồng ngôn ngữ ở Bỉ bao gồm: Flemish (nói tiếng Hà Lan); cộng đồng Pháp (nói tiếng Pháp) và cộng đồng nói tiếng Đức. Ba vùng ở Bỉ bao gồm: Flemish; Walloon và thủ đô Brussels.


Người dân Bỉ phản đối Hiệp định CETA ở thủ đô Brussels
 

Nhưng vì sự chồng lấn giữa các vùng và các cộng đồng nên tạo ra 2 điều khá đặc biệt. Thứ nhất, là lãnh thổ vùng thủ đô Brussels (được thành lập sau các vùng khác khoảng gần một thập kỷ) thì lại nằm trong cộng đồng Flemish, là nơi mọi người nói cả hai ngôn ngữ là Hà Lan và Pháp. Và thứ hai là lãnh thổ cộng đồng nói tiếng Đức nằm toàn bộ bên trong vùng Walloon. Điều này khiến hệ thống chính trị của Bỉ tương đối “lằng nhằng”.

Trong cách mạng Công nghiệp hồi thế kỷ 19, Walloon chỉ theo sau Anh quốc trong công nghiệp hóa, lợi dụng được các trầm tích than đá và quặng sắt. Điều này mang đến cho vùng sự hưng thịnh từ thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Khi đó, Walloon là một nửa thịnh vượng hơn của Bỉ.

Từ sau Thế chiến II, tầm quan trọng của công nghiệp nặng đã giảm mạnh, và vùng Flemish đã vượt qua Walloon về mặt giàu có. Walloon ngày nay đang có tỷ lệ thất nghiệp cao với GDP đầu người thấp hơn đáng kể so vùng Flemish. Sự khác biệt về kinh tế và ngôn ngữ giữa hai vùng là nguyên nhân chính gây ra mâu thuẫn chính trị tại Bỉ.

Walloon có quyền hạn của mình và không liên quan với các cộng đồng hay vùng khác. Cùng với các thực thể liên bang khác của Bỉ, vùng được quyền theo đuổi các chính sách đối ngoại riêng bao gồm ký kết các hiệp ước. Nhà nước Bỉ không thể tham gia ký kết các hiệp ước quốc tế mà không có sự đồng ý của Nghị viện Walloon. Cũng không có một hệ thống cấp bậc pháp lý trong cấu trúc của hệ thống liên bang tại Bỉ và không có hệ thống cấp bậc giữa liên bang và quyền lực vùng. Vì lý do này, Bỉ mang diện mạo của một liên minh.

Trong bài bình luận trên L’Echo, một tờ báo của cộng đồng Pháp vùng Walloon thuộc Bỉ, đưa ra 8 vấn đề cần cân nhắc trước ký hiệp định CETA. Trong đó, mất việc làm, thực phẩm bẩn và sự yếu thế của chính phủ trong các quan hệ kinh tế là những điều mà tờ này lo ngại.
 

Quả bóng đang ở phía sân EU

Trên The Star, một tờ báo lớn ở Canada, các tin tức dường như chỉ tập trung vào phía châu Âu vì người Canada dù sao cũng đã làm hết sức có thể cho hiệp định này. Động thái gần đây của chính phủ Canada là miễn thị thực cho người dân Bulgaria tới quốc gia Bắc Mỹ này với mục đích công việc và du lịch kể từ ngày 1/12/2017cho thấy sự “xuống nước” từ phía Canada. Bởi vì trên thực tế người Canada không còn muốn phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ với nhiều ràng buộc từ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).


 

Còn Hiệp định CETA dự kiến sẽ loại bỏ khoảng 98% thuế quan giữa hai bên. Với chỉ 36,3 triệu dân, Canada sẽ có lợi thế lớn khi được tiếp cận với một thị trường trên 500 triệu dân EU. Nhưng về phía EU, hiện xuất hiện 2 luồng dư luận. Những người ủng hộ nói rằng nếu hiệp định được thông qua, nó sẽ khiến thương mại giữa hai bên tăng 20%, và khiến thuế quan giảm tới 500 triệu euro. Trong khi, bên phản đối thì cho rằng thỏa thuận sẽ khiến các sản phẩm tiêu dùng bị giảm chất lượng và bảo vệ các doanh nghiệp lớn vì nó cho phép các công ty này khởi kiện chính phủ.

Chẳng hạn như gia súc ở Canada có thể được sử dụng hormone, trong khi ở EU thì không. Điều đó, dẫn đến việc người châu Âu lo ngại rằng những lô thịt bò không an toàn từ Canada khi được bán trên thị trường châu Âu sẽ khiến thực phẩm không còn được sạch như trước.

Bộ trưởng Thương mại Canada, Chrystia Freeland nói: "Chúng tôi đã thực hiện công việc của chúng tôi. Chúng tôi đã hoàn tất đàm phán về một thỏa thuận rất tốt. Bây giờ ‘quả bóng’ đang nằm trong phần sân của châu Âu”, bà nói sau khi gặp Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, trước khi về nước.

Trước đó, EU đã đưa ra đề xuất mới và kèm theo "tối hậu thư" yêu cầu Bỉ sẽ phải đưa ra quyết định rõ ràng đối với việc ký kết CETA.

Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết Chính phủ liên bang, cộng đồng nói tiếng Đức và vùng Flanders nói tiếng Hà Lan đã nhất trí với hiệp định trên, song vùng Walloon, chính quyền thành phố Brussels, và cộng đồng nói tiếng Pháp đã nói "không" với hiệp định.

Thủ hiến vùng Walloon, Paul Magnette đã bác bỏ "tối hậu thư" và chỉ trích việc khối này gây sức ép yêu cầu Bỉ phải thông qua thỏa thuận CETA trước đêm ngày 24/10 là phi dân chủ.
Trước sự dùng dằng từ phía Bỉ, Canada không biết làm gì khác ngoài việc chờ đợi và hy vọng.

Chia rẽ thời hậu Brexit

Sau khi sự kiện Brexit đã tạo ra một cơn địa chấn với EU thì giờ đây, những hiệp định thương mại nhằm thúc đẩy nền kinh tế EU lại đang gặp phải những rào cản. 

Còn nhớ vài tháng trước, khi EU thương thảo với Mỹ về Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), thì EU cũng gặp phải sự “bàn lùi” của Pháp. Mặc dù, TTIP được kỳ vọng sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng và chiếm 30% thương mại toàn cầu.

Nếu EU không thể có một sự thống nhất trong đường lối kinh tế đối với Canada thì câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể có một sự nhất trí trong các cuộc đàm phán về thương mại với nước Anh trong tiến trình nước này rút khỏi liên minh?

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.