Virus cúm gia cầm đã lây lan ở các đàn bò sữa tại Mỹ kể từ tháng 3/2024, ảnh hưởng đến ít nhất 16 tiểu bang. Mặc dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ báo cáo cho đến nay chưa ghi nhận được ca bệnh nào lây nhiễm từ người sang người, ít nhất 61 người nhiễm cúm gia cầm đã được ghi nhận trên toàn nước Mỹ, trong đó có 34 trường hợp ở California.
"Tuyên bố này là một động thái nhằm đảm bảo rằng các cơ quan chính phủ có đủ nguồn lực và sự linh hoạt cần thiết để phản ứng nhanh chóng với đợt bùng phát dịch này. Mặc dù rủi ro đối với cộng đồng vẫn thấp, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các bước cần thiết để ngăn chặn virus này lây lan", ông Newsom cho biết hôm 18/12.
Virus cúm A/H5N1 được coi là virus đặc biệt nguy hiểm trong số các bệnh truyền nhiễm ở người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận hơn 860 trường hợp kể từ năm 2003, với khoảng 53% ca bệnh tử vong.
Mỹ hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào trong đợt bùng phát hiện tại, tuy nhiên, hơn 100 triệu con gia cầm đã bị tiêu hủy trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. California là tiểu bang đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp, mặc dù Colorado đã ban hành cảnh báo "thảm họa" hồi tháng 7.
Tuyên bố của ông Newsom được đưa ra sau khi phát hiện các ca nhiễm mới tại các trang trại bò sữa ở miền nam California. Tiểu bang đã thực hiện các biện pháp phòng chống cúm gia cầm bằng cách làm việc với các trang trại bò sữa và gia cầm để giảm thiểu nguy cơ nhân viên mắc bệnh, vì hầu hết các trường hợp có liên quan đến nhân viên làm trong trang trại nuôi bò sữa và gia cầm.
CDC đã xác nhận ca bệnh cúm gia cầm nghiêm trọng đầu tiên ở Louisiana hôm 18/12. Bệnh nhân được cho là đã tiếp xúc gần với những con chim bị bệnh và chết ở sân sau nhà.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã đảm bảo với người tiêu dùng rằng thịt bò và các sản phẩm từ sữa trên kệ hàng tạp hóa là an toàn để tiêu thụ nhưng khuyến cáo người dân không nên uống sữa tươi.