Xã Hiệp Đức có 1.946 hộ với 6.649 nhân khẩu, trong đó hơn 70% hộ làm nông nghiệp. Xã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018, rồi NTM nâng cao năm 2021. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất. Năm 2024, Hiệp Đức tiếp tục xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu với nhiều thành quả nổi trội.
Nổi bật nhất là cảnh quan môi trường sạch từ nhà ra ngõ, hoa nở thắm tươi hai bên đường. Hệ thống giao thông gồm 27 tuyến đường dài trên 36,5km được cứng hóa, không bị ngập, lầy lội, (đạt 100%). Trong đó, có 11/24 tuyến dài trên 14,7km được trồng hoa, cây xanh toàn tuyến (đạt 57%).
Sự vào cuộc của hội phụ nữ thu hút trên 66% gia đình hưởng ứng phân loại rác tại nguồn và nhiều hộ trồng, chăm sóc cây xanh. Chợ Hiệp Đức cũng được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, có nhà vệ sinh và hệ thống thoát nước gây ô nhiễm. Trạm y tế, trường học, trụ sở cơ quan, các tuyến đường đảm bảo vệ sinh sạch, đẹp.
Gia đình bà Trần Thị Hiếu là tấm gương điển hình về hưởng ứng phong trào xây dựng NTM. Bà tự nguyện hiến đất mở rộng đường, bên cạnh đó đóng góp kinh phí xây cầu, điện thắp sáng đèn đường…
“Ngày trước, xã Hiệp Đức là vùng sâu vùng xa của huyện, đi lại rất khó khăn. Qua mỗi lần xây dựng NTM, rồi NTM nâng cao, nay lên NTM kiểu mẫu, tôi thấy xã nhà ngày càng phát triển, có thể nói đã ngang bằng với các địa phương khác”, bà Hiếu không giấu niềm tự hào.
Kinh phí xây dựng NTM kiểu mẫu trên 131 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh chiếm 37,8%, huyện chiếm 13,5%, nhân dân đóng góp 44,6%. Ngày 15/11/2024, diễn ra lễ công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang công nhận xã Hiệp Đức đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Ông Lê Văn Bảy (83 tuổi) rất phấn khởi khi con lộ trải đá rộng 2m trước nhà đang được đầu tư nâng cấp lên 3m và lót đan sạch đẹp hơn. Theo ông, không chỉ riêng giao thông được mở rộng thông thoáng mà hệ thống thủy lợi cũng được khép kín nên bà con mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây sầu riêng có giá trị kinh tế cao.
“Nhà tôi có 3 đất vườn tạp nay đã trồng sầu riêng. Năm ngoái, 1.000m2 cho thu hoạch, bán được giá 140.000 đồng/kg, thu về hơn 300 triệu đồng. Tôi lấy đó làm vốn đầu tư chăm sóc 2.000m2 mới trồng sau này”, ông Bảy nói.
Theo UBND xã Hiệp Đức, sầu riêng là cây trồng chủ lực với diện tích gần 600ha, chiếm khoảng 70%. Mô hình “sản xuất theo quy trình VietGAP, với diện tích 10,7 ha trên cây sầu riêng”, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm được bình chọn là mô hình xây dựng NTM tiêu biểu.
Từ khi được thành lập đến nay đã 7 năm, HTX DVNN Hiệp Đức thu hút được 111 thành viên với diện tích sầu riêng đạt 53ha. HTX cung ứng 25 tấn phân bón và tiêu thụ hơn 1.060 tấn sầu riêng mỗi năm. Thành viên tăng thêm thu nhập trung bình 200 triệu đồng/ha nhờ tham gia chuỗi giá trị.
“Cây sầu riêng đã đóng góp cho thu nhập bình quân đầu người đạt 80,1 triệu đồng/người/năm, vượt gần 1 triệu đồng so với quy định; toàn xã chỉ còn 10 hộ nghèo, trong đó 9 hộ bảo trợ xã hội”, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Chủ tịch UBND xã Hiệp Đức, cho biết.
Về kinh nghiệm xây dựng NTM, Chủ tịch UBND xã Hiệp Đức cũng chia sẻ thêm, để thành công phải làm tốt công tác tuyên truyền, làm sao cho nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ mục đích và ý nghĩa để từ đó có sự đồng thuận và tham gia. Đồng thời, đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ, người đứng đầu quyết liệt trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện thì việc xây dựng NTM mới đạt kết quả cao.
TIỀN GIANG CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI