Huyện Tân Phước nằm trong vùng Ðồng Tháp Mười thuộc tỉnh Tiền Giang. Nơi đây từng được mệnh danh là vùng “đất chết”. Bởi, những ngày đầu thành lập huyện có đến 15.000ha đất bỏ hoang, chiếm 48% diện tích tự nhiên. Nguồn nước nhiễm phèn nặng, mùa khô thiếu nước ngọt, mùa mưa lũ lụt ngập sâu và kéo dài, rủi ro mất mùa luôn canh cánh trong nỗi lo âu của người dân.
Trong công cuộc khai khẩn đất hoang, địa phương vừa tranh thủ nguồn lực đầu tư của Trung ương, vừa huy động các nguồn lực tại chỗ để đào mới và nạo vét kênh và hệ thống thủy lợi nội đồng, xây dựng ô bao chống lũ phục vụ sản xuất. Hàng chục nghìn thanh niên xung phong, người dân dồn sức đắp đường Nguyễn Văn Tiếp, đào kênh Trương Văn Sanh, lên liếp trồng khóm, bạch đàn tại các nông trường.
Đến nay, huyện đã đầu tư, nâng cấp 134 ô bao, xử lý, gia cố 718,9km đê, nâng công suất 172 trạm bơm điện với 293 máy bơm. Bên cạnh đó, xây dựng 190 cống các loại, thông dòng chảy hệ thống kênh các cấp (I, II, III) với tổng chiều dài khoảng 688km và hơn 1.100km kênh nội đồng.
Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn 11 xã là hơn 38.400ha. Các dự án thủy lợi quan trọng của cấp trên được đầu tư đã cơ bản hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, từng bước hình thành các vùng sản xuất lớn, với tỷ lệ diện tích tưới tiêu chủ động trên 99%.
Các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước kịp thời, kết hợp tinh thần lao động cần cù, lam lũ của người dân đến nay, vùng đất này phát triển ngành nông nghiệp ổn định, theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng cơ giới hóa, số hóa. Từ đó, hình thành “vương quốc khóm” lớn nhất nước với diện tích hơn 15.700ha. Đồng thời cải tạo 6.200ha đất lúa từ một vụ bấp bênh thành 3 vụ ăn chắc, và hơn 1.200ha mít, 600ha chanh, khoảng 500ha khoai mỡ giá trị kinh tế cao.
Ông Bùi Hữu Thiện ở xã Phú Mỹ cũng như bao người nông dân ở đây không ngờ có được cuộc sống sung túc của hôm nay. Từ không có đất sản xuất, qua tích góp trong lao động, sang nhượng, đến nay người nông dân này đã nhân rộng ra 20ha khóm chuyên canh, có thu nhập quanh năm.
“Ở đây, mấy năm nay đa số người dân trồng khóm rất hiệu quả. Tôi thu hoạch mỗi tháng từ 50-70 tấn. Giá khóm bây giờ đến 11.000 đồng/kg, tôi có doanh thu mỗi năm từ 6-7 tỷ đồng. Vùng đất này đã đổi mới, đường sá làm mới ngon lành”, ông Thiện chia sẻ.
Nói về diện mạo của Tân Phước hôm nay, ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết, chính sản xuất nông nghiệp đã góp phần rất lớn làm thay đổi diện mạo nơi đây mà chủ lực vẫn là cây khóm, cây lúa.
Ông Phong nói: “Đặc điểm của Tân Phước là khai phá, muốn khai phá thì phải khám phá, bà con đã trồng thử nghiệm cây này, cây kia nhưng cuối cùng bền vững với huyện Tân Phước là cây lúa và cây khóm. Đặc biệt, bà con nông dân trồng lúa áp dụng cơ giới hóa, số hóa tuyệt đối”.
Vùng đất hoang sơ ngày nào, dưới kênh chỉ có vài loài cá đặc trưng như: cá lia thia, bảy trầu, trên mặt đất toàn cây tràm, cây năng, cây bàng mọc um tùm, qua 30 năm cải tạo đã từng bước đổi thay, nước phèn chua được đẩy lùi, những dòng phù sa từ sông Tiền chảy vào bồi bổ cho vùng đất này ngày càng màu mỡ.
Đến nay, huyện Tân Phước nâng cấp 250 công trình thủy lợi, với kinh phí trên 139,7 tỷ đồng, so với năm 2011 tăng 197 công trình. 11/11 xã đạt chuẩn tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.