| Hotline: 0983.970.780

'Vương quốc' sầu riêng về đích nông thôn mới

Thứ Hai 15/05/2023 , 08:36 (GMT+7)

TIỀN GIANG UBND tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Cai Lậy đạt chuẩn nông thôn mới.

Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh trao Quyết định của Thủ tướng công nhận huyện Cai Lậy đạt chuẩn nông thôn mới cho địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh trao Quyết định của Thủ tướng công nhận huyện Cai Lậy đạt chuẩn nông thôn mới cho địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Huyện thứ 2 của cả nước được công nhận theo “chuẩn” mới

Ông Trần Quốc Bình, Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết: Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, đến nay, diện mạo nông thôn của huyện từng bước đổi mới. Cảnh quan môi trường được làm mới theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ngày càng phát triển. Đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn đã đảm bảo ô tô đi đến trung tâm tất cả các xã và thị trấn. Thủy lợi được đầu tư ngày càng hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Nhiều mô hình sản xuất đem lại lợi nhuận cao cho nông dân.

Thu nhập người dân từng bước được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 63 triệu đồng/năm, tăng trên 38 triệu đồng so với khi bắt đầu thực hiện chương trình (năm 2011). Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn khoảng 1,2%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế và số hộ dân sử dụng nước sạch đạt trên 95%...

Sửa chữa đường giao thông nông thôn tại huyện Cai Lậy. Ảnh: Hữu Đức.

Sửa chữa đường giao thông nông thôn tại huyện Cai Lậy. Ảnh: Hữu Đức.

Đánh giá về những nỗ lực của địa phương, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, Cai Lậy làm NTM trong điều kiện còn nhiều khó khăn và nguồn lực hạn chế. Tuy nhiên với sự quyết tâm nỗ lực, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đặc biệt là người dân nông thôn đã nhận thức sâu sắc vai trò chủ thể của mình, tích cực đóng góp công sức, tiền của, đất đai để đầu tư xây dựng NTM.

Hơn 10 năm xây dựng NTM, huyện Cai Lậy đã huy động trên 2.778 tỷ đồng để thực hiện chương trình (trong đó, huy động từ nhân dân và các tổ chức tín dụng chiếm hơn 26%). Từ đó, đã làm cho diện mạo nông thôn của huyện thực sự khởi sắc với các tuyến đường giao thông nông thôn đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa…

Cai Lậy có 9.000ha Sầu riêng và là sản phẩm trái cây chủ lực mang đến thu nhập cao cho người dân. Ảnh: Minh Đảm

Cai Lậy có 9.000ha Sầu riêng và là sản phẩm trái cây chủ lực mang đến thu nhập cao cho người dân. Ảnh: Minh Đảm

Với những kết quả trên, ngày 24/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận huyện Cai Lậy đạt chuẩn huyện NTM năm 2022. Đây là đơn vị huyện đầu tiên của tỉnh và là đơn vị thứ 2 của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM theo bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM giai đoạn 2021-2025.

Phấn đấu tỉnh nông thôn mới vào năm 2025

Thông tin thêm về chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Đến nay, tỉnh đã có 137 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, có 39 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 huyện đạt chuẩn NTM, 3 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Các địa phương còn lại cũng đang tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện để phấn đấu về đích trong năm 2023 và 2024.

Đặc biệt là phấn đấu có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2024 và tỉnh đang phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2025. Đạt được các kết quả như trên là thành quả của sự phấn đấu quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, khẳng định phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa rộng khắp, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Đường sá sạch đẹp tại huyện Cai Lậy ngày công nhận nông thôn mới. Ảnh: Minh Đảm.

Đường sá sạch đẹp tại huyện Cai Lậy ngày công nhận nông thôn mới. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng cần tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án cơ cấu lại Ngành Nông nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, chủ động triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm để phát huy lợi thế của địa phương, tăng thu nhập cho người dân.

Đối với huyện Cai Lậy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng địa phương cần phải sớm có kế hoạch, lộ trình và giải pháp thật cụ thể nâng cao chất lượng, mức độ đạt được các tiêu chí theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM các cấp giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, tập trung cho các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân như: chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo cảnh quan môi trường luôn xanh - sạch - đẹp…

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.