Nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, những năm qua, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng theo hướng phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của từng địa phương.
Về các xã ven sông Hồng của huyện Yên Lạc, tại đây nhiều nông dân có xu hướng tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị thấp sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, Liên Châu là địa phương có diện tích trồng bưởi lớn nhất của huyện.
Đến thăm vườn bưởi nhà ông Nguyễn Hữu Hồng, thôn Nhật Chiêu 5, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc mới thấy được sự thay đổi lớn về tư duy sản xuất của người dân nơi đây.
Cùng trò chuyện với phóng viên, ông Hồng cho biết: Trước đây, diện tích đất bãi này chủ yếu trồng cây ngô nhưng do đất trũng thường xuyên bị ngập úng nên hiệu quả không cao.
Nắm bắt nhu cầu của thị trường và sự hỗ trợ tích cực của địa phương, gia đình ông đã quyết định đổi phần diện tích trồng lúa của gia đình để lấy đất bãi của các hộ trồng hoa màu kém hiệu quả để cải tạo, quy hoạch thành trang trại trồng cây ăn quả gồm: bưởi Diễn, chuối tiêu hồng, mít thái, bưởi da xanh. Do đất bãi ven sông Hồng tốt lại phù hợp với thổ nhưỡng nên cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, cho giá trị kinh tế cao.
Hiện tại gia đình ông Hồng đang trồng được 1.300 cây bưởi đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch, bình quân mỗi cây cho khoảng 70 quả và 2.000 cây chuối tiêu hồng đang được thu hoạch với giá thương lái đến mua là 12.000 đồng/quả bưởi và 80.000đ/buồng chuối; ngoài ra ông còn trồng thêm 300 cây mít thái, 100 cây bưởi da xanh đang cho bói quả. Bình quân thu nhập sau khi trừ các khoản chi phí mỗi năm cho thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Ông Hồng chia sẻ thêm: trồng bưởi Diễn chỉ sau 4-5 năm là cho thu hoạch, để trồng bưởi Diễn đem lại hiệu quả cao, người trồng bưởi phải chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật cả trước và sau thu hoạch, đặc biệt là kỹ thuật hãm lộc, kích thích đậu quả khi bưởi ra hoa.
Đồng thời, để bảo quản bưởi được lâu, lại giữ nguyên hương vị thơm ngon, tinh khiết thì khi bưởi vào độ chín, chọn lúc nắng đẹp để thu hoạch.
Để nâng cao chất lượng quả, thời gian qua gia đình đã áp dụng trồng bưởi theo quy trình VietGAP, do đó quả bưởi bóng, đẹp, vị ngọt, bán được giá cao. Bưởi Diễn được các thương lái đến thu mua ngay tại vườn và được tiêu thụ tại các tỉnh, thành lân cận, đặc biệt là thị trường Hà Nội.
Rời Liên Châu, chúng tôi tiếp tục đến thăm hộ gia đình ông Đàm Đình Lương tại Thôn Tam Kỳ 1, xã Đại Tự, huyện Yên Lạc. Tại đây hộ ông Lương đang trồng cây chuối với diện tích 1ha cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, gia đình thường sản xuất nông nghiệp theo hướng truyền thống với cây lúa và cây ngô, tuy nhiên do đặc điểm vùng đất trũng nên hiệu quả kinh tế không cao. Ông Lương bắt đầu chia sẻ.
Nhận thấy cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hướng có hiệu quả, năm 2018, ông bắt đầu đi mua giống chuối từ Hưng Yên về trồng thử, đồng thời thuê lại ruộng đất xung quanh để tạo vùng trồng chuối, hiện tại ông đã trồng được 1 ha với khoảng 3.000 gốc chuối gồm chuối tiêu hồng và chuối sứ, với giá bán hiện tại từ 80.000đ – 85.000đ/buồng chuối, sau khi từ các chi phí cũng cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng, giúp cải thiện đáng kể đời sống của gia đình.
Cùng với sự thành công từ các mô hình trồng cây ăn quả ở huyện Yên Lạc, hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn với các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Lúa chất lượng cao: gạo Long Trì (Tam Dương); gạo Phú Xuân (Bình Xuyên); Rau an toàn: Rau an toàn Vân Hội xanh, Rau an toàn Vĩnh Phúc (Tam Dương) ; su su Tam Đảo; Cây ăn quả: thanh long ruột đỏ (Lập Thạch).
Cây dược liệu: trà hoa vàng (Tam Đảo); ba kích (Tam Đảo)... Cùng với đó, tỉnh đã hỗ trợ sản xuất rau quả hàng hoá an toàn theo hướng VietGAP, với tổng diện tích hơn 2.200 ha, gồm: Bí đỏ, dưa chuột, cà chua, ớt, khoai tây, cây rau ăn lá ở các vùng thích ứng về thời tiết, thổ nhưỡng.
Các tiến bộ kĩ thuật, cơ giới hoá được đưa vào các khâu của quá trình sản xuất đã nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần tạo sự thay đổi trong kĩ thuật canh tác, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, ngày càng đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm và cho thu nhập cao.
Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương góp phần thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của người nông dân.
Thời gian tới cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích hộ sản xuất nhỏ lẻ hình thành các vùng sản xuất tập trung áp dụng theo quy trình VietGAP để tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng tốt đáp ứng với nhu cầu thị trường.
Đó cũng là một trong những giải pháp để thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững