Dùng chính sách để thu hút đầu tư
Nghị quyết số 87/2019/NQ-HĐND về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành nhằm tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, đã và đang tạo ra cú hích lớn trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người dân.
Cụ thể, trong cùng một thời gian, nếu DN có dự án đầu tư được hưởng nhiều mức hỗ trợ, đầu tư khác nhau thì DN được lựa chọn áp dụng mức hỗ trợ, đầu tư có lợi nhất. Các dự án đã sử dụng vốn tín dụng ưu đãi, vốn bảo lãnh tín dụng của Nhà nước không thuộc đối tượng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách quy định tại Nghị quyết này.
Đối với nhà đầu tư có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, thường xuyên tối thiểu 500 con lợn thịt hoặc 300 con lợn nái sinh sản hoặc từ 500 con trở lên bao gồm lợn nái và lợn thịt. Đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo các quy định về thú y, bảo vệ môi trường thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí nhưng tối đa không quá 3 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, chuồng trại, đồng cỏ và mua thiết bị.
Nhà đầu tư có dự án đầu tư vùng sản xuất rau, củ, quả, hoa an toàn các loại theo quy trình VietGap, có quy mô sản xuất tối thiểu 01ha trở lên trồng ngoài trời hoặc 0,5ha trồng trong nhà lưới hoặc tối thiểu 0,5ha đối với trồng nấm thông thường và 0,3ha đối với trồng nấm công nghệ cao trong nhà lạnh. Đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% chi phí nhưng tối đa không quá 2 tỷ đồng/dự án để xây dựng hệ thống giao thông, điện, hệ thống tưới, tiêu, xây dựng nhà lưới, hệ thống thu gom và xử lý chất thải…
Đối với cây trồng dược liệu, nhà đầu tư có dự án đầu tư trồng cây dược liệu thuộc danh mục sản phẩm chủ lực cấp tỉnh được quy định tại Quyết định số 2075/QĐ-UBND hoặc theo danh mục cây dược liệu quy định tại Quyết định 206/QĐ-BYT của Bộ Y tế, có quy mô từ 2ha trở lên trồng tập trung hoặc 3ha trở lên đối với cây trồng dưới tán rừng thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/ha đối với cây trồng tập trung và không quá 25 triệu đồng/ha đối với cây trồng dưới tán rừng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xét hồ sơ hỗ trợ và không quá 1 tỷ đồng trong toàn thời gian hỗ trợ.
Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án. Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại và không quá 5 năm.
Cùng doanh nghiệp bước qua đại dịch
Mới đây nhất, trước bối cảnh các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngày 15/9/2020, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 7048 /UBND-NN2 về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương tăng cường phổ biến, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của của Trung ương, của tỉnh về tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khẩn trương rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh.
Thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm, tích cực tìm kiếm đối tác, tham gia đàm phán và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đẩy mạnh xuất khẩu các nông sản có lợi thế của tỉnh như: Thịt lợn; thịt và trứng gia cầm; rau quả, chuối, thanh long ruột đỏ…; xây dựng chính sách về cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn trên cơ sở cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ thị trường, giao dịch vay vốn mới, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.