Nhiều công trình xuống cấp
Để ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa lũ năm nay, Yên Bái đặc biệt chú trọng công tác bảo đảm an toàn hồ, đập trên địa bàn tỉnh.
Các hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái chủ yếu được xây dựng cách đây hàng chục năm, kết cấu bằng đất, nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho công trình và vùng hạ du. Chính vì vậy, việc chủ động đánh giá và xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó, bảo vệ an toàn công trình hồ, đập được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng hiện nay.
Toàn tỉnh hiện hơn 2.300 công trình và cụm công trình thủy lợi vừa và nhỏ với diện tích tưới tiêu hơn 25.600 ha; trong đó có 133 hồ chứa có dung tích từ 50.000 m3 trở lên và 24 đập thủy điện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn các hồ chứa này được xây dựng cách đây trên 30 năm, kết cấu bằng đất, chịu tác động của nhiều trận mưa, lũ nên đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước bị xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng.
Bên cạnh đó, ngoài hồ chứa thủy điện Thác Bà được vận hành theo quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, các hồ chứa còn lại đều có dung tích nhỏ, đập tràn tự do nên không có chức năng điều tiết lũ.
Theo kết quả kiểm tra, quan trắc năm 2023, hiện chỉ có 27 hồ thực hiện kê khai, đăng ký an toàn; 16 hồ lập quy trình bảo trì công trình; 18 hồ thực kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước; 16 hồ thực hiện bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa đập, hồ chứa nước.
Cũng qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, các hồ, đập trên địa bàn tỉnh hiện nay đều chưa lắp đặt thiết bị và quan trắc công trình, hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập, bản đồ ngập lụt hạ du cũng như mới đang trong quá trình lập các phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước,...
Xây dựng phương án gia cố, đảm bảo an toàn
Trước thực trạng trên, tỉnh Yên Bái chủ động đánh giá và xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó, bảo vệ an toàn công trình hồ, đập. Để tiêu úng, thoát lũ khi có mưa lớn xảy ra, các hồ chứa thường xuyên vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, thiết bị phục vụ xả lũ, nạo vét khơi thông hệ thống kênh tiêu; đồng thời bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong các trường hợp có sự cố khẩn cấp. 100% hồ, đập có hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân ở hạ du khi xả lũ và sự cố từ các hồ chứa.
Ngoài ra, Chi cục Thủy lợi tỉnh chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi chủ động phát quang bụi rậm, chặt cây trên mái đập, đỉnh đập, tràn xả lũ, cống lấy nước và nạo vét rãnh tiêu, thoát nước mái hạ lưu đập nhằm thuận lợi cho công tác quan trắc, kiểm tra trong mùa mưa lũ. Thực hiện kiểm tra, vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ cho công tác điều tiết lũ, bố trí thiết bị dự phòng, đảm bảo công trình điều tiết lũ vận hành bình thường trong mọi điều kiện.
Hiện nay, đã bước vào mùa mưa bão, tỉnh Yên Bái đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ các hồ chứa, phát hiện kịp thời các hư hỏng, sự cố báo cáo chính quyền để xử lý kịp thời. Thực hiện rà soát, đánh giá khả năng thoát lũ sau tràn, hạ du các hồ chứa nước; lập danh mục các công trình bị hư hỏng, xuống cấp để có phương án gia cố, khắc phục đảm bảo an toàn.
Ông Phạm Quốc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái cho biết: Nhằm bảo đảm an toàn đập hồ chứa trong mọi tình huống, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị quản lý tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất các công trình. Tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa, đề xuất phương án tích nước trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.