| Hotline: 0983.970.780

Hồ tiêu tăng giá, nông dân Tây Nguyên 'ghim' hàng

Thứ Năm 18/03/2021 , 11:00 (GMT+7)

Ngay từ đầu vụ thu hoạch này, giá hồ tiêu liên tục tăng mạnh. Theo đó, người trồng tiêu ở Tây Nguyên đang có tâm lý “ghim” hàng, chờ giá tăng thêm mới đem bán.

Nông dân xã Ia Blang, huyện Chư Sê thu hoạch tiêu. 

Nông dân xã Ia Blang, huyện Chư Sê thu hoạch tiêu. 

Giá tiêu rục rịch tăng cao

Tính đến thời điểm trưa ngày 17- 3, giá hồ tiêu bán ra tại “Vương quốc hồ tiêu” Chư Sê đã đạt ngưỡng 75.000 đồng/kg (giá tiêu đầu giá, bao gồm 3 chỉ tiêu: Thủy phần, tạp chất và dung cọng).

Nói về nguyên nhân giá hồ tiêu năm nay bắt đầu tăng, thậm chí là tăng cao, ông Hoàng Phước Bính- Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê khẳng định: “Đó là do nguồn cung thiếu hụt!”. Nguyên nhân thiếu nguồn cung là do liên tiếp những năm gần đây, giá hồ tiêu đã xuống đến chạm đáy, theo đó hầu hết nhà vườn không còn sức đầu tư, vườn tiêu bị bỏ bê. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của thời tiết, cụ thể là vào đầu mùa mưa năm 2020 nhuận hai tháng tư âm lịch nên mưa muộn, ngay vào thời điểm cây tiêu bắt đầu ra dé thì gặp hạn dẫn đến không thụ phấn được, theo đó lượng trái đậu rất thấp, không ra được đợt hai. “Cả hai nguyên nhân trên đã làm cho sản lượng hồ tiêu sụt giảm mạnh, và theo chu kỳ, giá tiêu năm nay lên cao là chuyện đượng nhiên”- ông Bính cho biết.

Cũng theo ông Hoàng Phước Bính thì giá tiêu lên cao, đã có tác động nhất định đến cả người trồng tiêu lẫn thị trường. Trước tiên, người trồng tiêu đã bắt đầu có nguồn thu từ vườn tiêu, tuy chưa thật sự cao nhưng nhà vườn nhìn về tương lai, hy vọng những năm sau giá tiêu sẽ còn tăng nữa.

Hy vọng về giá hồ tiêu vẫn còn tăng nên các chủ vườn có ý “ghim” hàng, chờ giá lên cao nữa mới bán. Bà Lê Thị Tâm ở xã Ia H’la (huyện Chư Pưh, Gia Lai) có 1.500 trụ tiêu già cỗi. Từ mấy năm qua, gia đình bà ít đầu tư cho vườn tiêu này. Mỗi năm cũng chỉ dám “rón rén” trồng mới khoảng 50 trụ. Năm nay, vườn tiêu nhà bà thu được 4 tấn hạt. Với giá hiện tại, nếu bán thì gia đình bà có được khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, “Tôi chưa vội bán, vì tôi nghĩ giá tiêu chắc chắn sẽ còn lên cao nữa”- bà Tâm khẳng định.

Bà Tâm “chưa vội bán” mà đợi giá cao hơn, vì bà không thực sự cần tiền. Còn với những hộ khó khăn hơn, họ cũng chỉ bán một phần nhỏ, đủ để trả công thu hoạch, trang trải cuộc sống hàng ngày. Còn thì… đợi giá!

Sản lượng tiêu hạt năm nay không được nhiều (chỉ khoảng 20- 30% so với năm đạt năng suất cao nhất là niên vụ hồ tiêu 2017- 2018). Thêm vào đó, việc “ghim” hàng chờ giá của nhà vườn đã làm cho không ít doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu gặp khó. Một chủ đại lý thu mua hồ tiêu (dấu tên) ở huyện Chư Sê (Gia Lai), cho biết: Giá tiêu liên tục tăng từ đầu vụ, nhưng lượng thu mua của đại lý lại rất thấp, do không có người bán. Theo đó, khan hiếm nguồn hàng là tình trạng chung của hầu hết các đại lý thu mua hồ tiêu ở đây.

Các đại lý gặp khó trong việc thu mua, trong khi một số người có tiền nhàn rỗi, thay vì đầu tư vào lĩnh vực khác hoặc mua vàng, lại lấy tiền thu gom hồ tiêu tích trữ, chờ giá lên cao đem bán để hưởng chênh lệch. Theo đó, lượng hàng đến tay các doanh nghiệp xuất khẩu sụt giảm đáng kể, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó trong việc cung ứng hàng theo hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài.

Cẩn trọng 

Hồ tiêu tăng giá ngay từ đầu vụ, thậm chí tăng nhanh khiến người trồng tiêu hết sức phấn khởi. Theo đó, tâm lý muốn hồi phục lại vườn tiêu cũ từng bị bỏ bê, thậm chí mở rộng diện tích bằng việc trồng mới là có thật trong dân. Tuy nhiên, trồng như thế nào để tránh sự rủi ro là điều đáng quan tâm.

Kiểm tra chất lượng vườn hồ tiêu.

Kiểm tra chất lượng vườn hồ tiêu.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 13.673 ha tiêu, trong đó 12.582 ha đang kinh doanh. Riêng thủ phủ hồ tiêu Chư Sê có 2.900 ha, diện tích kinh doanh là 2.500 ha. Năng suất ước đạt năm nay khoảng 3,5 tấn/ha, giảm so với năm ngoái do có nhiều yếu tố bất thuận, cá biệt có những chủ vườn do có điều kiện về tài chính, vẫn duy trì chăm sóc vườn cây đều đặn thì năng suất có cao hơn.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Hợp- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Chư Sê, cho biết: Về lâu dài, những hộ có điều kiện về tài chính, về đất đai, còn giữ lại được trụ gỗ… có thể sẽ tổ chức trồng mới.

Hiện thời tiết đang khá khắc nghiệt và có những diễn biến khó lường, theo đó bên cạnh việc đầu tư chăm sóc diện tích có sẵn theo hướng hữu cơ bền vững, bà con không nên mở rộng diện tích trồng mới. Bên cạnh việc chăm sóc tốt vườn tiêu đã có sẵn, bà con nên tổ chức trồng các loại cây ngắn ngày, cây ăn quả. Hiện tại, huyện đang hình thành vùng tập trung chuyên canh về cây hồ tiêu, trên cơ sở bản đồ thổ nhưỡng đã được thông qua. Từ đó, huyện sẽ định hướng cho nhân dân trồng mới, tuy nhiên sẽ khống chế về diện tích, tránh việc trồng tràn lan dẫn đến rủi ro cao như đã từng xảy ra trên địa bàn.

Với việc trồng mới hồ tiêu, ông Hoàng Phước Bính- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cà phê Chư Sê cũng như nhiều chuyên gia về cây hồ tiêu đã đưa ra nhiều khuyến cáo cho bà con nông dân. Trước tiên, bà con không nên tái canh trong những vườn tiêu đã bị chết do bệnh trước đó; cần phải chọn vùng đất thích hợp cho cây hồ tiêu có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt. Khi trồng, không nên trồng thuần mà phải trồng xen, nhằm tránh rủi ro trong việc sản xuất độc canh. Giống cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng: Bà con nên tỉnh táo chọn giống có nguồn gốc, tránh mua giống trôi nổi trên thị trường để không phải “rước bệnh vào thân”. Khi trồng, phải trồng trên trụ sống, hạn chế cho dây tiêu bám vào trụ gỗ hoặc trụ bê tông. Với kỹ thuật trồng, bà con lưu ý tránh tạo bồn mà phải đắp mô, bởi nếu tạo bồn sẽ bị giữ nước vào mùa mưa, theo đó mầm bệnh có điều kiện sinh sôi nảy nở và tấn công vào bộ rễ.

Ông Hoàng Phước Bính: “Tây Nguyên mới chỉ bước vào đầu vụ thu hoạch hồ . Năm nay, người trồng tiêu vui vì hồ tiêu được giá, dẫu năng suất có giảm hơn niên vụ trước. Dự báo giá hồ tiêu vẫn còn tiếp tục lên nữa, có khả năng lên đến một trăm, thậm chí trên một trăm ngàn đồng mỗi cân”.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.