| Hotline: 0983.970.780

Chuyện những người bám trụ với hồ tiêu ở Chư Sê

Thứ Ba 02/02/2021 , 12:21 (GMT+7)

Không quay lưng nản chí trước thất bại, nhiều hộ nông dân đã quyết bám trụ với cây tiêu, trong bối cảnh hồ tiêu chết hàng loạt ở ngay “Vương quốc hồ tiêu” Gia Lai.

Vườn tiêu trên 20 tuổi của ông Lan vẫn cho thu hoạch tốt, nhờ chăm sóc theo đúng khuyến cáo. Ảnh: Trần Đăng Lâm.

Vườn tiêu trên 20 tuổi của ông Lan vẫn cho thu hoạch tốt, nhờ chăm sóc theo đúng khuyến cáo. Ảnh: Trần Đăng Lâm.

Duyên nợ với hồ tiêu

Năm 1984, ông Huỳnh Bá Lan rời quê hương Phù Cát (Bình Định), lên làm công nhân ở Công ty Cao su Chư Sê. Hồi đó, thấy nhiều người ở đây trồng tiêu cho thu nhập cao nên những lúc rảnh, ông hay đến những vườn tiêu để học hỏi kinh nghiệm. “Mãi tới năm 1997 tôi mới giành dụm được ít vốn, trồng được gần 300 trụ tiêu ở thôn Ia Sa, xã H’bông, huyện Chư Sê”, ông Lan nói.

Thời đó đất mới nên rất tốt, dây tiêu cắm xuống cứ đua nhau lên vùn vụt. Năng suất cao, giá mỗi năm một lên nên chả mấy chốc, ông Lan cũng như bao người trồng tiêu khác ở Chư Sê có của ăn của để. Từ tiền bán tiêu hạt mỗi năm, ông giành dụm và mua thêm đất, mở rộng dần vườn tiêu. Đến năm 2000, vợ chồng ông đã có khoảng 2.000 trụ tiêu (gần 1,5 ha).

Mỗi ngày, ngoài thời gian làm công nhân cao su, vợ chồng ông Lan lại ra vườn tiêu với bón phân, làm cỏ, tưới nước… Không phụ lòng người nên vườn tiêu mỗi ngày một tốt, mỗi năm đều cho năng suất cao hơn. Từ đây, vườn tiêu 2.000 trụ đã giúp gia đình ông có của ăn của để, nuôi hai con học đại học, còn xây được căn nhà khang trang ngay giữa vườn hồ tiêu.

Ở Chư Sê, Chư Pưh thời đó, những người có của ăn của để, thậm chí giàu có nhờ hồ tiêu là rất nhiều. Những năm này, huyện Chư Sê được nhiều người biết đến với mỹ danh “Vương quốc hồ tiêu”, bởi diện tích hồ tiêu ở đây lớn, chất lượng hạt cao… Có thể nói, đây là thời hoàng kim của hồ tiêu cả nước nói chung và của “Vương quốc hồ tiêu” Chư Sê nói riêng.

Ngày đó, ngoài thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê), thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh, mới tách từ huyện Chư Sê), có không ít thị tứ, khu dân cư sầm uất thay nhau mọc lên với nhà hàng, quán nhậu, karaoke… Có không ít ông “Vua hồ tiêu” ở Chư Sê, Chư Pưh với vườn cây lên đến hàng chục ha, thu nhập mỗi năm dăm bảy tỷ đến cả chục tỷ đồng. Hàng trăm ngôi biệt thự trị giá đôi ba tỷ đồng mọc lên và những chủ vườn lái ô tô xịn ra thăm vườn tiêu là chuyện hết sức bình thường…

Và rồi, niềm vui chỉ thoáng qua, còn nỗi buồn ở lại khi mà ở thời điểm giá hồ tiêu cao nhất (trên 200 ngàn đồng/kg), những vườn tiêu nơi đây bắt đầu bị nhiễm bệnh và chết dần. Cao điểm là vào những năm 2017- 2018, bạt ngàn màu xanh ngằn ngặt chỉ còn trơ lại những dây tiêu khô khốc đã rụng hết lá, buồn bã bám quanh thân trụ đầy hối tiếc.

Những thị tứ một thời sầm uất giờ đã thưa người, quán nhậu, nhà hàng karaoke vắng khách. Ô tô xịn bán gần hết. Không ít những vườn tiêu, những ngôi biệt thự một thời người ta nhìn vào đầy ngưỡng mộ, giờ chỉ còn lại tấm biển với mấy con chữ buồn bã “Bán đất”, “Bán nhà”.

Không ít người một thời phất lên nhờ hồ tiêu, vay tiền ngân hàng tiếp tục đầu tư mở rộng vườn cây phải bỏ đi làm ăn xứ người (cũng là để… trốn nợ). Nhiều em bé phải rơi nước mắt khi cất đi cặp sách, ở nhà phụ giúp cha mẹ kiếm tiền trả nợ chỉ vì cơn sốt hồ tiêu.

Mặc cho nhiều vườn khác bị chết do bệnh, vườn tiêu anh Huấn vẫn phát triển tốt.

Mặc cho nhiều vườn khác bị chết do bệnh, vườn tiêu anh Huấn vẫn phát triển tốt.

Ấy vậy mà, ở ngay cái thời điểm bi đát nhất của hồ tiêu, ông Lan lại “liều lĩnh” trồng thêm 1.000 trụ tiêu nữa vào năm 2018. Ai cũng nói ông liều, có người còn nói ông là “thằng điên”, khi mà xung quanh tiêu chết, cả vùng tiêu chết, ông lại đi trồng mới cả ngàn gốc tiêu.

Biết tôi cũng thắc mắc như mọi người, ông giải thích: Năm 2017- 2018, tiêu chết hàng loạt là do thời tiết, nấm bệnh, do nông dân không dám mạnh dạn đầu tư mà chỉ chăm cầm chừng để giữ vườn… Còn vườn của ông nằm riêng trên một quả đồi cách biệt. Đặc biệt, vườn tiêu được ông chăm sóc theo hướng hữu cơ, không lạm dụngphân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên không bị chết cây nào.

“Gần ba mươi năm gắn bó với hồ tiêu, cây tiêu đã cho gia đình tôi được như ngày hôm nay, vậy nên không có lý do gì tôi lại bỏ cây tiêu. Tôi mở rộng vườn tiêu ngày trong thời điểm khó khăn nhất, bởi tôi có niềm tin: Tôi lấy chính đồng tiền mà vườn tiêu mang lại trước đó để đầu tư vườn mới chứ không vay mượn. Tôi trồng tiêu theo khuyến cáo của ngành chức năng, sạch từ giống, đất đến khâu chăm sóc… Hình như, tôi có “duyên nợ” với cây hồ tiêu!”- ông Lan bộc bạch.

Bài bản, khóa học mới có "cửa" tồn tại

Đó là quan niệm của anh Lê Hùng Huấn (42 tuổi, trú thôn 7, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai). Năm 2003, anh Huấn rời quê Thanh Hóa vào Bình Phước, bỏ vốn trồng được 1ha tiêu. Theo tìm hiểu từ người thân, anh biết ở Chư Sê đất rẻ, trồng tiêu lại tốt nên đến năm 2008, anh bán 1ha tiêu ở Bình Phước, gom toàn bộ gia sản, lên Chư Sê mua được… 17,7 ha đất.

Ngoài trồng cây rừng, cây ăn quả và nhiều loại cây trồng khác, anh Huấn để lại 5ha trồng tiêu. Có tiền đến đâu, trồng tiêu đến đấy để đến năm 2012, anh đã có được 5ha hồ tiêu xanh tốt.

Rất nhiều vườn tiêu đã bị chết do canh tác theo kiểu 'bóc lột đất'. Ảnh: Trần Đăng Lâm.

Rất nhiều vườn tiêu đã bị chết do canh tác theo kiểu “bóc lột đất”. Ảnh: Trần Đăng Lâm.

Những năm 2014- 2015 là đỉnh điểm của hồ tiêu, kể cả về giá lẫn năng suất, theo đó, anh Huấn đã trở thành một trong những tỷ phú hồ tiêu ở vùng này. Năm 2017- 2018, tiêu chết hàng loạt, nhưng 5ha của anh chỉ chết đúng 300 cây. Anh Huấn lý giải, do cách ly tốt nên vườn của anh không bị lây bệnh từ vườn xung quanh. Hơn nữa vườn của anh không bị úng nước như nhiều vườn khác.

“Nhưng quyết định vẫn là do phương pháp canh tác khoa học” anh Huấn chia sẻ. Thông thường, những vườn khác tưới nước tiết kiệm theo cách chôn chìm đường ống dưới đất hoặc tưới phun sương trên mặt đất. Duy chỉ có vườn tiêu của anh, ngoài việc tưới dưới gốc, anh còn làm hệ thống tưới phun mưa trên ngọn tiêu. Anh giải thích: “Tưới dưới gốc là để giữ độ ẩm cho cây tiêu, còn tưới trên ngọn có tác dụng làm mát cả trụ trong mùa khô Tây Nguyên, kích thích ra hoa, đậu quả, rửa sương muối… Theo đó, vườn cây của tôi mới trụ được trong cơn đại dịch”.

Cũng theo anh Huấn, đầu tư hệ thống tưới dưới gốc mất 20.000 đồng mỗi trụ, anh đầu tư cho mỗi trụ thêm 20.000 đồng nữa để làm hệ thống tưới phun mưa trên ngọn tiêu. Theo đó, mặc cho những vườn tiêu trong vùng bị chết do dịch bệnh, do kém đầu tư (không dám đầu tư do vườn cây bị chết, giá lại xuống thấp nên nhiều nhà chỉ đầu tư cầm chừng, chỉ để giữ vườn tiêu), vườn tiêu của anh Huấn vẫn cứ xanh tốt.

“Đã làm là phải bài bản!”, anh Huấn khẳng định. Cái gọi là “bài bản” của anh, đó là chăm sóc vườn tiêu không được phép “bóc lột đất”. Anh Huấn bài bản từ khâu chọn giống đến chăm sóc, thu hái. Một thời hồ tiêu được giá cao, rất nhiều chủ vườn phát triển vườn cây bằng cách mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Chăm sóc thì đổ phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật vào vườn cây, với mục đích vườn cây cho năng suất cao nhất để rồi sau đó không lâu, đất bị “ngộ độc”, vườn cây theo đó cũng chết dần.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, người sâu sát đến từng vườn hồ tiêu của cả vùng, người am hiểu hồ tiêu như hiểu chính mình, nhận xét về vườn tiêu của anh Huấn: “Đây được xem là điển hình trong cách chăm sóc vườn tiêu của cả vùng, bởi vườn tiêu của anh Huấn được chăm sóc trên nền hữu nề, hoàn toàn khoa học, không hề có bất cứ một tác động tiêu cực nào đến vườn cây. Do đó, vườn tiêu của anh trụ được qua cơn đại dịch là tất yếu. Đây là một sự đền đáp của đất đối với con người”.

Kiểm tra vườn cây. Ảnh: Trần Đăng Lâm.

Kiểm tra vườn cây. Ảnh: Trần Đăng Lâm.

Những năm 2015- 2016, vườn tiêu của anh Huấn thu được 30 tấn tiêu hạt. Vụ tiêu 2019- 2020, vườn tiêu của anh thu được 17 tấn. Không cao, do tình hình mất mùa chung của cả nước, và do anh không tham về năng suất mà chỉ chú trọng đến chất lượng hạt tiêu, đến sự bền vững của vườn tiêu. Năm nay có hai tháng nhuận ngay vào đầu mùa mưa Tây Nguyên (tháng tư), trong khi đầu mùa mưa là thời điểm thụ phấn, ra hoa nên cần ẩm độ khoảng 80% kèm mưa nhẹ. Theo đó, dự kiến vụ hồ tiêu 2020- 2021 sẽ giảm năng suất đáng kể.

“Bây giờ bắt đầu thu lai rai đến sau Tết. Vụ này, vườn tiêu của tôi ước chỉ được khoảng 10 tấn. Nhưng không sao, làm nông nghiệp mà, năm được năm mất là chuyện thường, miễn mình thủy chung gắn bó và có tâm với vườn cây, rồi đâu sẽ vào đấy”, anh Huấn tin tưởng tâm sự.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê: “Thị trường hồ tiêu đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc, giá bắt đầu tăng một cách bền vững. Bà con không nên ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu vào lúc này, cũng không nên quá lo lắng mà quay lưng với cây hồ tiêu. Hãy canh tác theo đúng các biện pháp khoa học. Tôi tin rằng, ngành hồ tiêu của chúng ta sẽ sớm được hồi phục”.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.