| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị khắc phục hồ tiêu bị hư hại do ngập úng

Thứ Tư 23/12/2020 , 17:35 (GMT+7)

Sau các trận mưa lũ liên tiếp trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có hơn 200 ha hồ tiêu bị hư hại do ngập úng.

Quang cảnh buổi tọa đàm 'Giải pháp phục hồi sản xuất cây hồ tiêu sau bão, lụt'. Ảnh: Công Điền.

Quang cảnh buổi tọa đàm "Giải pháp phục hồi sản xuất cây hồ tiêu sau bão, lụt". Ảnh: Công Điền.

Nhằm giúp người trồng tiêu giải quyết những vấn đề cấp bách trong việc khôi phục diện tích hồ tiêu bị ảnh hưởng do bão, lũ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN - PTNT tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Giải pháp phục hồi sản xuất cây hồ tiêu sau bão, lụt".

Theo thống kê của Sở NN- PTNT tỉnh Quảng Trị, sau các trận mưa lũ liên tiếp vừa qua, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 ha hồ tiêu bị hư hại do ngập úng. Hiện nay tình hình mưa rét kéo dài nên tại các vườn tiêu bị ngập úng tiếp tục xảy ra tình trạng rụng lá, rụng đốt, gây chết với tỉ lệ từ 15 - 20%, nơi cao lên đến 30 - 50%.

Nhiều diện tích hồ tiêu của người dân Quảng Trị bị hư hại sau mưa lũ. Ảnh: Công Điền.

Nhiều diện tích hồ tiêu của người dân Quảng Trị bị hư hại sau mưa lũ. Ảnh: Công Điền.

Ông Hoàng Hữu Chung ở thôn Cu Hoan, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cho biết, trong những đợt mưa lũ vừa qua 300 gốc hồ tiêu của gia đình ông đã bị ngập nước lâu ngày dẫn đến hiện tượng vàng lá, rụng lá. Một số diện tích hồ tiêu khác thì bị khô cành và thối rễ. Đây đều là những diện tích hồ tiêu được trồng lâu năm và đang ở giai đoạn sung sức nhất nên ảnh hưởng rất lớn về kinh tế của gia đình. Ngoài những diện bị chết do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều diện tích khác cũng đang có nguy cơ khi thời tiết nắng lên.

Theo ông Chung, không riêng gì gia đình ông mà nhiều diện tích hồ tiêu của người dân cùng địa phương đều gặp phải tình cảnh như trên. Ông Chung mong muốn các cơ quan chức năng cần  sớm có giải pháp xử lý, hỗ trợ khôi phục lại vườn hồ tiêu để người dân ổn định sản xuất.

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại xảy ra, tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đến từ Trường Đại học Nông lâm Huế, Viện Bảo vệ thực vật, Sở NN- PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Khuyến nông đã tập trung đi sâu phân tích, hướng dẫn biện pháp khắc phục các hiện tượng trên cây hồ tiêu mà lãnh đạo các địa phương và người trồng tiêu phản ánh như vàng lá, rụng lá, thối rễ, nấm bệnh...

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các chuyên gia kiểm tra tình hình hồ tiêu bị hư hại do mưa lũ ở tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Công Điền.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các chuyên gia kiểm tra tình hình hồ tiêu bị hư hại do mưa lũ ở tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Công Điền.

Đưa ra các giải pháp cấp bách trước mắt đó là khi trời tạnh ráo cần xử lý thuốc hóa học để ngăn ngừa các loại bệnh; thu gom, tiêu hủy tàn dư cây bị bệnh; vệ sinh vườn cây sạch sẽ; đào rãnh, khơi thông dòng chảy, không để nước đọng trong vườn.

Khi cây đã phục hồi, kiểm tra thấy ra rễ tơ trắng thì tiến hành bón phân; lưu ý bón cân đối các loại phân, tăng lượng phân chuồng hoai mục và các chế phẩm sinh học.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi vườn cây, nếu phát hiện có sâu bệnh cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun lên toàn bộ cây và tưới vào gốc với liều lượng và cách sử dụng theo khuyến cáo ghi trên bao bì.

Về lâu dài cần tổ chức sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, chọn giống tốt; tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học; phòng trừ sâu bệnh cũng như lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt.

Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 2.500 ha hồ tiêu, trong đó, diện tích khai thác khoảng 2100 ha. Hồ tiêu là một trong những loại cây trồng chủ lực ở địa phương này và một thời mang lại thu nhập cao.

Tuy nhiên do giá cả biến động xuống thấp và nhiều loại dịch bệnh phát sinh gây hại, không ít vườn tiêu bị chết, đặc biệt là do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ vừa qua khiến người trồng hồ tiêu càng thêm chồng chất khó khăn.

Trước thực trạng đó trong thời gian tới tỉnh Quảng Trị có chủ trương vận động người dân mạnh dạn phá bỏ những vườn tiêu lâu năm già cỗi, thực hiện các chính sách hỗ trợ để xây dựng và nhân rộng mô hình trồng và chăm sóc hồ tiêu theo quy trình hữu cơ, an toàn sinh học, phát triển bền vững.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.