Ngày 13/5, bên lề chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ NN-PTNT phối hợp với Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tổ chức Tọa đàm kết nối doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ.
Tại sự kiện, đại diện Quỹ Pepsi Foundation, Văn phòng Đối tác Phát triển Bền vững Nông nghiệp Việt Nam (PSAV), Cơ quan Khuyến nông Quốc gia (NAEC) và Tổ chức CARE đã ký Biên bản Ghi nhớ (MOU), mở đường cho việc triển khai dự án "Tôi vui gieo – She Feeds The World" tại Việt Nam (SFtW Việt Nam).
Dự án hướng tới đảm bảo nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại 3 tỉnh Tây Nguyên là Đắk lắk, Gia Lai và Lâm Đồng, trong thời gian ba năm kể từ 2022. Các hoạt động của dự án nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề về đất, nước và đa dạng sinh học để giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái tự nhiên trong sản xuất nông nghiệp tại khu vực Tây Nguyên.
Đối tượng chính của dự án là phụ nữ và người dân tộc thiểu số; giúp họ phát triển sinh kế an toàn và bền vững, đảm bảo lương thực, dinh dưỡng. Dự án đặt mục tiêu hỗ trợ và mang lại những tác động tích cực cho cuộc sống của khoảng 160.000 người.
Nhận xét về dự án, bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết: "SFtW sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành nông nghiệp. Dự án thể hiện cam kết của CARE và PepsiCo với quan hệ đối tác công tư, vì sự phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam".
Hồi cuối tháng 2/2022, Thủ tướng vừa phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030. Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. SFtW Việt Nam được thiết kế để phù hợp với những chính sách này.
Bà Gloria Steele, Giám đốc Điều hành CARE Hoa Kỳ nói thêm: "Chúng tôi đánh giá cao sự tham gia của Bộ NN-PTNT Việt Nam với chương trình. Sự đồng hành và hợp tác của các đối tác chính phủ là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và quy mô tác động của các chương trình”.
Tây Nguyên là trung tâm nông nghiệp lớn, sản xuất cây lương thực chủ lực tại Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống sản xuất đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, kinh tế và xã hội, bao gồm các hoạt động nông nghiệp không bền vững và liên kết thị trường yếu.
Việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón và nguồn nước tại khu vực này làm giảm năng suất của đất. Ngoài ra, nông dân ít có điều kiện tiếp cận với thông tin thị trường, cũng như khả năng thương lượng còn hạn chế khiến họ chưa cải thiện được thu nhập. Những điều này đặc biệt ảnh hưởng đến cuộc sống của phụ nữ và người dân tộc thiểu số.
SFtW Việt Nam giải quyết vấn đề bằng cách nâng cao năng lực của nông dân, nhất là phụ nữ, trong việc áp dụng các thực hành nông nghiệp bền vững, cải thiện năng suất và sản lượng. Các hoạt động của dự án đồng thời hướng đến việc chuyển đổi nhận thức về các khuôn mẫu giới trong xã hội, giải quyết tình trạng phân biệt đối xử và tạo điều kiện giúp phụ nữ tiếp cận thị trường nhiều hơn.