Họa sĩ Bùi Chát triển lãm cá nhân lần thứ 5 khá đặc biệt vào chủ nhật 8/10. Họa sĩ Bùi Chát đặt tên “Được rồi, được rồi” cho 31 bức tranh sơn dầu trên toan, trong hình thức những chiếc giường bố, được sắp đặt ngổn ngang ở không gian được tận dụng từ một quán café sân vườn. Nghĩa là “Được rồi, được rồi” có cả yếu tố nghệ thuật sắp đặt.
Lấy những khung giường được sản xuất để phục vụ điều trị Covid-19, mà chưa kịp dùng, họa sĩ Bùi Chát bọc toan mới và vẽ lên. Nếu tạm chấp nhập thời điểm TP.HCM chấm dứt giãn cách xã hội ngày 1/10/2021, thì triển lãm “Được rồi, được rồi” là câu chuyện của 2 năm nhìn lại.
Triển lãm “Được rồi, được rồi” chỉ kéo dài từ 10 giờ sáng đến hết ngày 8/10, tại Lele Atelier, 419 Lã Xuân Oai, phường Trường Thạnh, Thủ Đức, TP.HCM. Họa sĩ Bùi Chát thu gom các khung giường cũ từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả từ các bệnh viện dã chiến, để tạo nên những bức tranh có hình thức khác biệt. Họa sĩ Hà Hùng cho rằng: “Làm nghệ thuật quan trọng nhất là hướng đi phải phù hợp với thời đại, và đúng theo tâm cảm của mình. Về tổng thể thì Bùi Chát đã làm được điều này”.
Theo họa sĩ Bùi Chát, “Được rồi, được rồi” là cách phản ứng của ông, như một cơ chế tự động trước những khó khăn, căng thẳng, những ràng buộc, bế tắc, những ký ức chồng chéo, và cả những lo âu đời thường, những ám ảnh vô hình... thường xuyên ùa về và đeo bám mình suốt năm tháng chống chọi đại dịch toàn cầu.
“Được rồi, được rồi” cũng là cách họa sĩ Bùi Chát tự trấn an, nhằm đưa bản thân trở lại trạng thái thăng bằng trong cuộc sống hàng ngày sau khi “bình thường mới”. Họa sĩ Bùi Chát chia sẻ: “Vẽ là cách thích hợp để lấp đầy sự trống rỗng trong tâm trí hơn là dùng màu để bôi kín mặt toan”.
Trước khi bước sang mỹ thuật, Bùi Chát theo học và tốt nghiệp cử nhân văn chương, rồi cử nhân luật. Bùi Chát cầm cọ lại một cách chuyên tâm vào năm 2019, và chủ trương một lối hội họa riêng có tên gọi là hội họa tình huống.
Với hội họa tình huống mà họa sĩ Bùi Chát đang theo đuổi, tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy nhận xét: “Hội họa của Bùi Chát quả thực đặt người xem trước một sự xóa bỏ ý tưởng. Gần như không thể nhìn thấy những ý tưởng cố định có thể được gợi ý từ các bức tranh. Và người ta cũng không thấy quá trình chuẩn bị cho mỗi tác phẩm... không theo một cấu trúc tạo nghĩa nào. Điểm nhấn chính của tác giả là trải nghiệm tự do cả trong công việc sáng tạo lẫn trong hoạt động thưởng thức tác phẩm”.
Còn nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng đánh giá: “Ý niệm “tình huống” Bùi Chát đưa ra, gợi cho tôi vài suy nghĩ khác có ý nghĩa tổng quát hơn khi đối diện với các tác phẩm “trừu tượng.” Nói như nhà thơ, nhà phê bình mỹ thuật Anh quốc Sir Herbert Read: “Ý niệm về phẩm chất chính là ý niệm về cái đẹp, và rốt cuộc, ý niệm về cái đẹp mang ý chí sống còn. Không có nó, chúng ta không là gì”. Trong nghệ thuật trừu tượng, ý niệm về phẩm chất bộc lộ qua sự ứng biến liên tục trước những tình huống nghệ thuật không ngừng biến hoá trên bề mặt tác phẩm, và ý niệm về phẩm chất, bởi vậy, cũng chính là ý niệm về sức sống, về cái “khí vận sinh động” nơi tác phẩm.
Trừu tượng của Bùi Chát, bằng thứ “ngôn ngữ tự trị” thuần khiết của hình và màu, thực sự là một thứ hiện thực tâm cảnh. Mỗi bức tranh đều bộc lộ một trạng thái tinh thần, biểu hiện cho một sự thật nào đó trong góc khuất tâm hồn”.