Họa sĩ Hồng Quân từng có 3 cuộc triển lãm cá nhân “Sông nước miền Tây”, “Những gì yêu thương nhất” và “Ngày nắng”. Bây giờ, họa sĩ Hồng Quân khai trương phòng tranh Hawaii Art Space (5A/2 Trần Phú, phường 4, quận 5, TP.HCM) bằng cuộc triển lãm thứ 4 với những tác phẩm tranh màu nước sở trường của mình.
Họa sĩ Hồng Quân là con trai của nhạc sĩ Phan Nhân và Nghệ sĩ Ưu tú Phi Điểu. Họa sĩ Hồng Quân có nhiều năm làm thiết kế sân khấu cho Đoàn văn công Đồng Tháp nên những vẻ đẹp đồng bằng sông Cửu Long đã ngấm vào máu thịt ông. Vì vậy, với cuộc triển lãm kéo dài từ ngày 5/8 đến ngày 15/8, họa sĩ Hồng Quân tiếp tục mang đến cho công chúng những cảnh sắc đặc trưng miền Tây Nam bộ.
Vẻ đẹp trong tranh màu nước của Hồng Quân là sự hiền hòa và tinh tế. Cuộc sống vốn nhiều biến động, nhiều lo toan và mất mát, giữ được cái nhìn này không hề đơn giản. Họa sĩ Nguyễn Trung Tín (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) nhận định: “Giữa một không khí sáng tác sôi động của các trào lưu nghệ thuật mới, nhiều cách biểu đạt mang tính cách tân và ngôn ngữ hậu hiện đại, tranh của Hồng Quân lại đưa người xem trở về những giá trị xưa kia, với cái nhìn chân thành về vẻ đẹp bình dị.
Lối vẽ đi ngược trào lưu này tạo ra điểm khác biệt cho tác phẩm, tạo sự chú ý cho công chúng. Tranh anh có nét hiền hòa, dễ mến như chính con người anh, đơn giản, chân chất của người miền Tây, không chạy theo những biến động của hình thức đương đại. Bằng lòng với thế giới xung quanh, miễn là đủ các chất liệu yêu thương, gắn bó với mình. Tranh của Hồng Quân thu hút người xem bằng sự trải lòng, giãi bày tình cảm, với lối vẽ giản dị nhưng chuyên sâu, mạch lạc trong chi tiết, phải xem lâu mới mến, nhìn kĩ mới thương”.
Nhìn lại cả mấy triển lãm cá nhân, với hàng trăm tác phẩm, họa sĩ Hồng Quân luôn giữ được sự hiền hòa, tình cảm trong cách nhìn. Phong cảnh, con người, sự vật… hiện ra tĩnh tại, ngơi nghỉ, bình yên. Dường như các giông tố, các giận hờn, lo toan được gác qua một bên, hoặc đó là chuyện không cần phải đề cập đến.
Họa sĩ Hồng Quân chăm chú tìm kiếm những khoảnh khắc thường nhật ở miền Tây Nam bộ, mà nếu không chú ý, thì có thể lướt qua, hoặc không thể nhận ra. Ví dụ bức tranh “Nhà và ghe trên sông Hậu” thể hiện giây phút nghỉ trưa, con người đi vắng, chỉ còn lại cái bến bình yên.
Họa sĩ Hồng Quân vốn được đào tạo bài bản về sơn dầu, khi chuyển qua màu nước, ông cũng chọn sự chậm rãi. Tác phẩm của ông tinh tế về hình họa. Có những bức giản dị như “Mùa mận chín” hay “Ngày nắng lên” chỉ là nắm bắt một hiện thực, nhưng nhờ sự tinh tế về hình họa mà diễn tả được các cảm xúc, các ấn tượng sâu lắng. Vẽ những điều đơn giản cho bật được thần thái là rất khó, vì không thể bấu víu vào những điều khác để khỏa lấp, hoặc che đậy.
Cũng chính sự tinh tế về hình họa nên họa sĩ Hồng Quân xóa nhòa được ranh giới giữa trực họa hoặc vẽ tại phòng tranh. Thậm chí xóa nhòa được ranh giới giữa tranh vẽ theo ký họa, phác thảo hoặc theo hình chụp. Với những bức hình đã chụp, anh không “sao chép” nó lên tranh, mà lọc khung bố cục, để đưa mắt nhìn thay thế cho ống kính, nên khi bức tranh hoàn thiện, hoàn toàn phai mờ chất nhiếp ảnh. Hội họa và nhiếp ảnh là hai cách nhìn, hai tạo hình khác nhau, nếu không vững vàng về hình họa, khó mà tách bạch được điều này trong tác phẩm.
Với tranh màu nước, họa sĩ Hồng Quân còn chia sẻ quan điểm thẩm mỹ lạc quan và tinh thần thuận hòa của con người miền Tây Nam bộ. Đến với thế giới màu sắc của họa si Hồng Quân là đến với những điều được thanh lọc để trở về với quê nhà trong lành.