Họa sĩ Bùi Quang Ngọc sinh năm 1934 tại Quảng Bình, tốt nghiệp khóa đầu tiên 1955-1959 của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông từng có thời gian làm công nhân mỏ rồi công tác trong ngành văn hóa tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Từ năm 1978, họa sĩ Bùi Quang Ngọc định cư tại TP.HCM và miệt mài vẽ cho đến khi vĩnh biệt dương gian.
Mặc dù số phận chìm nổi, nhưng họa sĩ Bùi Quang Ngọc vẫn luôn là một cá tính thẩm mỹ. Ông quan niệm: “Nghệ thuật không còn làm nhiệm vụ phản ánh thế giới nữa. Trung tâm của sáng tạo nghệ thuật đương đại là sự bí ẩn khôn cùng trong đời sống tâm linh của người nghệ sĩ. Lộ trình lãng mạn và đại tự sự đã trở thành quá khứ”.
Vì vậy, người bạn đồng niên của họa sĩ Bùi Quang Ngọc là nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân (1934-1999) bày tỏ sự trân trọng qua mấy câu nhận xét ngắn gọn: “Trên con đường hội họa, Bùi Quang Ngọc đi một mạch, cắm đầu về phía trước từ khi vào cuộc, không bao giờ ngoái trở lại tiếc rẻ những bến bờ đã dừng chân, anh đi từng bước gian nan, nhưng chính cái gian nan ấy là phẩm giá nghệ thuật của anh”.
Sáng tác của họa sĩ Bùi Quang Ngọc bao gồm rất nhiều đề tài, thể loại, chất liệu. Với khả năng tư duy cùng những hiểu biết sâu sắc về hình họa, ông có hứng thú đặc biệt trong mảng đề tài tranh chân dung. Với bút pháp hiện đại phóng khoáng, tranh chân dung của họa sĩ Bùi Quang Ngọc mang đậm cảm xúc riêng tư ấm áp. Ông truyền vào bức tranh một tình cảm đặc biệt, làm hiện lên những đặc điểm nhân vật nổi trội rất dễ nhận ra.
Theo tâm sự của họa sĩ Bùi Quang Ngọc lúc sinh thời, ông thường vẽ những người quen biết, những người mà ông tin mình đã đủ hiểu một cách sâu sắc. Khi vẽ, ông xác tín họ là những người có nhân cách đẹp và bản thân họ cũng mang vẻ đẹp của hội hoạ. Ví dụ, chân dung họa sĩ Nguyễn Gia Trí có vẻ đẹp ung dung, hơi trầm buồn nhưng vẫn giữ được nét hồn nhiên, còn chân dung họa sĩ Nguyễn Sáng nổi bật nhất vẫn là đôi mắt to như mắt cá, vừa nhìn đời đau đáu mãnh liệt nhưng cũng đầy vẻ ngơ ngác, ngây thơ.
Qua nét vẽ Bùi Quang Ngọc, chân dung họa sĩ Bùi Xuân Phái thì toát ra cái gì đó thật thánh thiện, thanh thoát, còn chân dung nhà văn Nguyễn Tuân thì lại phóng khoáng, hóm hỉnh. Chân dung nhà thơ Đoàn Phú Tứ tình cảm dịu dàng, còn chân dung họa sĩ Thái Tuấn già dặn, uyên bác nhưng rất nhẹ nhàng…
Ở bất kì thể loại nào từ vẽ kí họa đến tranh sinh hoạt, chân dung, khỏa thân, trừu tượng… thì tác phẩm của họa sĩ Bùi Quang Ngọc cũng đều tạo ấn tượng với công chúng. Phong cách nghệ thuật của ông không đứng yên một chỗ mà luôn vận động, bởi ông cho rằng cuộc sống luôn đổi mới không ngừng nên người họa sĩ cũng phải đổi mới chính mình, trong sáng tác không nên lặp lại.
Những tác phẩm của họa sĩ Bùi Quang Ngọc thể hiện bút pháp mạnh mẽ. Nét vẽ khỏe khoắn dứt khoát, sắc độ đậm nhạt dứt khoát. Cũng có lúc ông làm nhòe hình, buông lỏng nét để tạo nên sự mềm mại.
Xem tranh Bùi Quang Ngọc, giới mộ điệu nhận ra màu sắc kết hợp hài hoà, phối hợp giữa bút và bay tạo nên những mảng màu chỗ dày, chỗ mỏng tạo thành những vết hằn trên mặt tranh. Trong đó, những vết nổi dày của sơn được thể hiện theo cảm xúc dâng trào ào ạt của họa sĩ.
Đánh giá về thể loại tranh chân dung của họa sĩ Bùi Quang Ngọc, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân khẳng định: “Những gương mặt danh nhân hiện lên trong vẻ thanh cao thẩm mỹ do họa sĩ áp đặt, trong cái tiều tụy đời thường mà họa sĩ nhìn thấy và trên hết trong sự cô đơn hiển nhiên mà họa sĩ chia sẻ một cách chân thực. Ai chưa từng gặp các nhân vật trong các chân dung sẽ muốn làm quen với những người kỳ lạ ấy. Ai đã từng gặp họ sẽ tin rằng hồn nghệ thuật của họ vẫn vương vấn đâu đây”.