Họa sĩ Lê Phổ (1907-2001) tiếp tục tạo ra kỷ lục mới về giá tranh Việt trên thị trường quốc tế. Tác phẩm “Gia đình ở ngoài vườn” (La famille dans le Jardin) được họa sĩ Lê Phổ vẽ trên lụa vào năm 1938, có kích thước 91,3cm x 61,5cm vừa được chốt giao dịch với số tiền hơn 2,3 triệu USD tại phiên đấu giá của nhà Sotheby’s Hồng Kong diễn ra chiều tối 5/4.
Đây là một phiên đấu giá đặc biệt để kỷ niệm 50 năm thành lập nhà Sotheby’s ở Hồng Kong. Ngoài họa sĩ Lê Phổ còn có hai họa sĩ Việt Nam là Vũ Cao Đàm và Mai Trung Thứ, bên cạnh các tên tuổi hội họa châu Á cùng thời như Chu Đức Quần, Triệu Vô Cực, Trương Lệ Anh, Lưu Quốc Tùng, Léonard Tsuguharu Foujita, Sanyu, Cheong Soo Pieng...
Tác phẩm “Gia đình ở ngoài vườn” đấu giá thành công, thêm một lần khẳng định đẳng cấp của họa sĩ Lê Phổ trong đời sống mỹ thuật. Khoảng 6 năm gần đây, tranh của họa sĩ Lê Phổ đã vượt qua mốc 1 triệu USD tại các phiên đấu giá.
Tháng 4/2017, tác phẩm “Đời sống gia đình” của họa sĩ Lê Phổ được mua với giá 1,1 triệu USD. Tháng 5/2019, tác phẩm “Khỏa thân” của họa sĩ Lê Phổ được mua với giá 1,4 triệu USD. Tháng 5/2021, tác phẩm “Thiếu nữ choàng khăn” của họa sĩ được mua với giá 1,1 triệu USD. Tháng 4/2022, tác phẩm “Dáng hình trong vườn” của họa sĩ Lê Phổ được mua với giá 2,28 triệu USD. Và bây giờ, tác phẩm ““Gia đình ở ngoài vườn” được mua với giá hơn 2,3 triệu USD.
Họa sĩ Lê Phổ sinh ngày 2/8/1907 tại Hà Đông. Ông là con trai của quan khâm sứ Lê Hoan. Năm 1928, họa sĩ Lê Phổ cùng họa sĩ Vũ Cao Đàm và họa sĩ Mai Trung Thứ tổ chức triển lãm chung tại Hà Nội. Sau đó cả ba người theo học khóa đào tạo đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương mở vào năm 1930.
Họa sĩ Lê Phổ cũng được ghi nhận là người có công cùng họa sĩ Nguyễn Cát Tường thiết kế mẫu ái dài Việt Nam.
Năm 1937, họa sĩ Lê Phổ định cư tại Pháp. Năm 1947, họa sĩ Lê Phổ kết hôn với nữ ký giả Paulette Vaux và có hai người con là nhiếp ảnh gia Lê Kim và họa sĩ Lê Tân.
Tranh của họa sĩ Lê Phổ nhận được nhiều đánh giá khác nhau từ giới chuyên môn. Trong cuốn sách “cuốn Những tác phẩm hội họa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại” xuất bản tại Pháp, nhà nghiên cứu Corinne de Menonville nhận định: “Ở giai đoạn đầu, người phụ nữ trong tranh Lê Phổ thường mỏng manh, e ấp, khuôn mặt trái xoan, có ánh sáng tạo hiệu ứng cho hồn tranh. Họ đều toát nên sự trang nhã, nhẹ nhàng, duyên dáng, lịch thiệp. Với tranh lụa, màu sắc nguyên chất và đậm sắc thái tạo nên khung cảnh lãng mạn.
Giai đoạn tiếp theo, tranh sơn dầu vẫn đặt phụ nữ là tâm điểm, nhưng có thêm những cảm giác về tự do qua cử chỉ và màu sắc. Tranh lụa, người vẽ mất nhiều thời gian, cần sự tinh tế và tỉ mỉ, trong khi tranh sơn dầu, người nghệ sĩ được phép sáng tạo hơn với nhiều cử động và mức độ của màu sắc. Ảnh hưởng bởi trường phái ấn tượng, các tác phẩm thời gian này thể hiện sự tự do, tính hoa mỹ, hân hoan trong ánh sáng, nhịp nhàng trong nét cọ”.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng tranh của họa sĩ Lê Phổ không có nhiều đột phá sáng tạo. Lúc sinh thời, họa sĩ Lê Phổ nhất quán quan niệm riêng ông: “Tôi vẽ làm sao cho người ta thích và treo lên tường”.
Họa sĩ Lê Phổ qua đời ngày 12/12/2001 tại Paris. Hiện tại, tác phẩm của họa sĩ Lê Phổ cũng đã có mặt trong nhiều bộ sưu tập của các đại gia chơi tranh tại Việt Nam, với những cái giá cao ngất ngưởng như thể là “cuộc hồi hương nhọc nhằn và tốn kém”.