Họa sĩ Trần Thế Vĩnh năm nay 34 tuổi. Sinh ta tại Quảng Trị, họa sĩ Trần Thế Vĩnh từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế, rồi vào TPHCM lập nghiệp. Được đồng nghiệp đánh giá cao về khả năng vẽ phong cảnh và vẽ trừu tượng, nhưng họa sĩ Trần Thế Vĩnh muốn có dấu ấn riêng ở thể loại tranh chân dung. Trong hai năm 2018-2019, họa sĩ Trần Thế Vĩnh đã nhốt mình trong phòng tranh để tìm hiểu và vẽ chân dung những nhân vật mà anh hâm mộ.
Cuốn sách “Vọng” do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa ấn hành, cho thấy tấm lòng của họa sĩ Trần Thế Vĩnh với 51 bậc tiền bối. Bởi lẽ, hầu hết những người được vẽ chân dung trong “Vọng” đều có khoảng cách về không gian và thời gian với họa sĩ Trần Thế Vĩnh. Không chỉ không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nhiều “người mẫu”, mà họa sĩ Trần Thế Vĩnh còn cố gắng mường tượng những “người mẫu” đã rời khởi dương gian trước khi mình có mặt trên đời. Đó cũng là lý do họa sĩ Trần Thế Vĩnh đặt tên “Vọng” cho bộ sưu tập độc đáo này.
Mở cuốn sách “Vọng”, công chúng dễ dàng nhận ra chân dung của những người nổi tiếng như học giả Nguyễn Hiến Lê, triết gia Trần Đức Thảo, nhà thơ Hàn Mặc Tử, nhà thơ Nguyễn Bính, nhà văn Phan khôi, nhà văn Phùng Quán, nhà thơ Hữu Loan, nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà thơ Bùi Giáng, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, nhạc sĩ Phạm Đình Chương…
Họa sĩ Trần Thế Vĩnh dùng cách “vọng” để vẽ chân dung, nên anh cũng có những cảm nhận riêng về các nhân vật. Những dòng “phụ đề”, không chỉ giúp người xem tranh hiểu thêm “người mẫu”, mà còn chứng minh họa sĩ Trần Thế Vĩnh không phải dùng sắc màu để múa cọ ngẫu hứng. Nói cụ thể hơn, họa sĩ Trần Thế Vĩnh có nguyên cớ để tôn thờ và tái hiện “người mẫu” theo cách của anh.
Ví dụ, bên cạnh chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Trần Thế Vĩnh có phần ghi chú: Trong dòng tân nhạc Việt Nam, Trịnh Công Sơn nổi lên như một hiện tượng. Ông đã sống trọn một cuộc đời cho âm nhạc, cô đơn với những lý tưởng tình yêu mà chính ông đã đắm chìm vào đó. Với tôi, Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ nhạy cảm và mong manh. Mong manh đến mức yếu đuối , nhạy cảm đến mức mơ hồ. Nỗi sợ hãi của thời cuộc đã ám ảnh ông, 30/4 năm ấy, nếu như ông có thể chiến đấu với nỗi sợ hãi của chính mình thì chắc chắn sẽ trọn vẹn một cuộc đời đẹp của một người nhạc sĩ tài hoa. Quá khứ đã qua, đúng hay sai cũng đã thành dĩ vãng. Phải công nhận rằng: âm nhạc của Trịnh đã đi vào lòng người và có sức ảnh hưởng thực sự trong lòng người yêu nhạc Việt Nam.