Nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils (1862 - 1937) là một trong những người Pháp dày công nghiên cứu về văn hóa Việt Nam từ cuối thế kỷ 19. Pierre Dieulefils đã đến Việt Nam năm 1885, và say mê khám phá mảnh đất lẫn con người Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils đã thu vào ống kính của mình những cảnh đẹp và những sinh hoạt của người Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ. Năm 1909, Pierre Dieulefils xuất bản cuốn sách ảnh “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ: Trung Kỳ - Bắc Kỳ” (Indo-chine Pittoresque & Monumentale: Annam - Tonkin) và được trao Huy chương Vàng tại cuộc Đấu xảo quốc tế ở Bruxelles. Sau đó, Pierre Dieulefils tiếp tục cho ra mắt cuốn “Nam Kỳ - Sài Gòn và vùng phụ cận” (Cochinchine - Saïgon et ses environs).
Với di sản của nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils, Nhà xuất bản Dân Trí phối hợp Công ty Đông A in lại hai cuốn “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ: Trung Kỳ - Bắc Kỳ” và “Nam Kỳ - Sài Gòn và vùng phụ cận” thành một cuốn có tên chung “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ”.
261 bức ảnh của Pierre Dieulefils trong cuốn sách “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ” không khác gì một bảo tàng thu nhỏ về Việt Nam. Qua những tác phẩm của mình, Pierre Dieulefils có tư cách như một người viết sử.
Mở từng trang “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ”, người Việt Nam không thể không xao xuyến khi nhìn thấy các công trình văn hóa và cuộc sống con người của đất nước mình thời xa xưa. Đó là hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội hoặc nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn cách đây hơn 100 năm. Đó là những cư dân sông Hồng lầm lũi hoặc những quan lại trong triều đình Huế.
Dịch giả Lưu Đình Tuân là người đã chuyển ngữ “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ” từ nguyên bản tiếng Pháp, đồng thời tham khảo thêm phần chú chữ Hán – Nôm của ông Claude Maitre (từng là giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội). Ngoài ra, dịch giả Ngụy Hữu Tâm góp sức hiệu đính phần chú thích tiếng Đức.
Có thể nói “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ” không chỉ là một tác phẩm nhiếp ảnh, mà còn là một tác phẩm lịch sử.