| Hotline: 0983.970.780

Hoang mang “bọ lạ” tấn công cây hồi

Thứ Ba 17/07/2012 , 10:17 (GMT+7)

Một loại “bọ lạ”, không có tên trong danh mục sâu hại tại Việt Nam đang ồ ạt tấn công trên cây hồi ở Lạng Sơn khiến hàng trăm hecta hồi có nguy cơ mất trắng. Người dân thì hết sức hoang mang vì loại bọ này rất “cứng đầu”, không thể phun trừ bằng các loại thuốc trừ sâu thông thường.

Một loại “bọ lạ”, không có tên trong danh mục sâu hại tại Việt Nam đang ồ ạt tấn công trên cây hồi ở Lạng Sơn khiến hàng trăm hecta hồi có nguy cơ mất trắng. Người dân thì hết sức hoang mang vì loại bọ này rất “cứng đầu”, không thể phun trừ bằng các loại thuốc trừ sâu thông thường. 

Mặc dù đang là mùa thu hoạch quả hồi, nhưng về vựa trồng hồi tại xã Xuất Lễ (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) thời điểm này, không còn thấy cảnh nông dân tấp nập phơi hái như mọi năm. Nguyên nhân bởi từ đầu năm 2012 đến nay, một loại “bọ lạ” đã xuất hiện và ào ạt cắn trụi trọc nhiều rừng hồi ở đây khiến nhiều nông dân trắng tay.

Anh Hoàng Văn Hảo (thôn Co Cuông, xã Xuất Lễ) buồn rười rượi cho biết, gia đình có 500 gốc hồi được trồng từ những năm 1995 – 1996, mãi tới năm 2011 mới bắt đầu cho thu hoạch quả. Năm nay, cứ theo độ tuổi thì rừng hồi của anh Hảo sẽ cho thu hoạch quả sung sức nhất. Với năng suất trung bình mỗi gốc hồi chỉ cần 5 – 7 kg quả tươi, anh Hảo chắc mẩm năm nay sẽ cho thu hoạch không dưới 2 tấn quả. Thế nhưng dự tính ấy của anh đã tan tành vì đến nay, toàn bộ rừng hồi đã bị một loại bọ lạ tàn phá trụi trọc, không cho thu hoạch nổi một cân quả.

Theo anh Hảo thì từ cuối năm 2011, loại bọ này đã bắt đầu xuất hiện rải rác trên một số rừng hồi ở xã Xuất Lễ từ cuối năm 2011. Tuy nhiên, chỉ từ khoảng tháng 3/2012 đến nay, chúng bắt đầu sinh sôi nảy nở nhanh chóng mặt và càn quét các diện tích hồi ở đây. Theo quan sát của PV cũng như miêu tả của người dân, ở giai đoạn nhộng, loại bọ này xuất hiện và làm tổ ở dưới mặt đất ẩm ướt dưới các tán rừng hồi, sau đó leo lên cây hồi và ăn lá hồi hoặc cắn đứt cuống lá rất khỏe. Khi hồi ra hoa và kết quả, chúng “vặt trụi” cả hoa và cắn đứt cuống quả chỉ trong một thời gian ngắn khiến cây hồi chỉ còn trơ cành. Ở giai đoạn nhộng, “bọ lạ” to cỡ bằng đầu móng tay, màu sắc đặc trưng là xanh đậm, có ánh kim lấp lánh. Vì vậy người dân ở đây quen gọi chúng là “bọ ánh kim” (sau đây gọi là bọ ánh kim).


"Bọ lạ" giai đoạn nhộng

Sau giai đoạn nhộng, màu sắc của bọ ánh kim chuyển dần từ xanh đậm sang màu vàng thẫm, sau đó chuyển sang giai đoạn trưởng thành và mọc thêm cánh. Ở giai đoạn có cánh, màu sắc bọ ánh kim chuyển dần sang màu đỏ, thân và cánh có các chấm trắng. Chúng bay rất khỏe nên tốc độ lây lan các vùng hồi bị hại tăng rất nhanh.

Một đặc điểm đặc trưng khác đó là loại bọ này chỉ ăn và phá hoại trên cây hồi, và chỉ bắt đầu phá hoại ở các diện tích ở đồi núi cao, sau đó mới lan dần xuống các diện tích phía dưới. Chính vì vậy, việc kiểm tra và phun trừ hết sức khó khăn. “Nhiều hộ dân trong xã thời gian qua cũng đã ra các hiệu thuốc BVTV mua đủ các loại thuốc trừ sâu bán trên thị trường về phun, nhưng bọ ánh kim vẫn không hề hấn gì mà vẫn phát triển như thường. Hiện tại, chúng tôi cũng không biết dùng thuốc trừ sâu nào để phun trừ loại bọ này, vì thế dân đang rất hoang mang. Nếu cứ để chúng sinh sôi mãi thì chắc chỉ một năm nữa thôi sẽ phá sạch các rừng hồi ở đây” – anh Hoàng Văn Hảo lo lắng.

+ Có một điều lạ là trong khi “bọ lạ” hoành hành khiến người dân hết sức hoang mang thì thay vì triển khai các giải pháp phòng trừ khẩn cấp, lãnh đạo Chi cục BVTV tỉnh Lạng Sơn lại cho biết mới chỉ đang dự định trình để xin Sở KH-CN của tỉnh này một đề tài nghiên cứu về vòng đời sinh trưởng của “bọ ánh kim”! 

+ Những người cao tuổi ở xã Xuất Lễ (huyện Cao Lộc) nhớ lại, loại “bọ lạ” này đã từng xuất hiện trên cây hồi ở địa phương từ cách đây rất lâu, khoảng 25 – 30 năm về trước. Tuy nhiên lúc đó chúng chỉ xuất hiện rất ít, gây hại không đáng kể và sau đó “mất tích” cho tới tận đầu năm 2012 mới xuất hiện trở lại.

Theo UBND xã Xuất Lễ, cây hồi hiện là cây công nghiệp chủ lực, đem lại thu nhập chính cho nông dân trong xã thế nhưng chỉ sau hơn nửa năm xuất hiện, đến nay bọ ánh kim đã lan rộng ra khoảng 113 hecta hồi của xã, trong đó, diện tích hồi bị phá hoại nghiêm trọng, có khả năng không cho thu hoạch ước chiếm khoảng 20 – 30% tổng diện tích hồi toàn xã. Cũng theo UBND xã cho biết, sau khi xuất hiện bọ ánh kim, Trạm BVTV huyện Cao Lộc đã về địa phương kiểm tra, nhưng đến nay vẫn chưa xác định và có khuyến cáo về cách phòng trừ loại bọ quái ác này. Điều này đang khiến nông dân và chính quyền vô cùng hoang mang.

Đáng lo ngại hơn, không chỉ có ở xã Xuất Lễ, bọ ánh kim không hiểu bắt đầu bùng phát từ đâu nhưng hiện cũng đang nhanh chóng lan rộng ra toàn tỉnh. Theo báo cáo của Chi cục BVTV tỉnh Lạng Sơn, đến nay bọ ánh kim đã lan rộng và phá hoại nghiêm trọng cây hồi ở khắp ba huyện gồm Văn Quan, Cao Lộc và Lộc Bình với tổng diện tích lên tới hơn 423 hecta, trong đó huyện Văn Quan có diện tích bị hại nặng nhất với trên 215 hecta, tiếp đến là huyện Cao Lộc với diện tích hơn 174 hecta. Các xã bị bọ cánh kim tàn phá nặng nề nhất ở huyện Văn Quan gồm có Khánh Khê, Tân Đoàn, Tràng Sơn và Tràng Cát. Trong khi đó tại huyện Cao Lộc, ngoài xã Xuất Lễ bị phá hoại nặng nhất còn có các xã Công Sơn, Mẫu Sơn…


Một khoảng rừng hồi bị “bọ lạ” tàn phá trụi trọc

Trao đổi với PV, ông Sầm Ngọc Thanh – Phó chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện vẫn chưa xác định được chính xác tên khoa học cũng như đặc tính, vòng đời sinh trưởng của “bọ lạ” hại cây hồi trên địa bàn tỉnh là gì. Vì vậy, Chi cục BVTV chưa xác định được loại thuốc diệt trừ hiệu quả. Trước tình hình này, thời gian qua Chi cục BVTV Lạng Sơn mới chỉ cho phun thử nghiệm loại thuốc sinh học An Huy (thuốc dạng bột) tại xã Khánh Khê (huyện Văn Quan), nhưng hiệu quả diệt trừ rất hạn chế, với chỉ khoảng trên 40% “bọ lạ” bị chết sau khi phun trừ.

Cũng theo ông Thanh, khó khăn nhất đó là đa số diện tích hồi bị hại đều ở trên núi cao, cây hồi lại là cây gỗ cao trên 5m nên việc tiếp cận để phun trừ cũng như sử dụng các loại thuốc trừ sâu dạng nước. Đồng thời, Chi cục BVTV cũng khuyến cáo người dân không tự động phun các loại thuốc trừ sâu dạng nước, bởi hầu hết diện tích hồi bị hại đều ở núi cao, đa số người dân lại sử dụng nguồn nước suối nên nếu phun thuốc dạng nước sẽ ảnh hưởng nặng nề tới nguồn nước sinh hoạt.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Gia Lai: Học sinh tử vong khi băng qua đường

Khi băng qua đường, em Đ.V.T (học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (xã Đông, huyện Kbang) bị xe khách tông và tử vong tại chỗ.