Trong giai đoạn 2018 - 2022, công tác chọn tạo và chuyển giao giống lúa vào sản xuất của Viện Lúa ĐBSCL đạt được nhiều thành công nhất định.
Có thể kể đến, 16 giống lúa đã được công nhận chính thức hoặc công nhận lưu hành; 28 giống lúa được công nhận là giống bảo hộ. Riêng với các giống lúa OM do Viện Lúa ĐBSCL lai tạo đã và đang được trồng phổ biến và chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu gạo xuất khẩu. Chủ lực là giống OM5451 và OM18, với diện tích gieo trồng hàng năm mỗi giống từ 750.000 - 850.000 ha, đóng góp từ 65 - 70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Viện Lúa ĐBSCL cũng đi đầu trong việc phát triển các tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến ứng dụng rộng rãi trong sản xuất ở ĐBSCL. Thời gian qua, Viện đã xây dựng được quy trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ trong hệ thống canh tác lúa tôm vùng ven biển Tây, mô hình ứng dụng máy cấy tích hợp bón phân trên quy mô 10 ha/mô hình ở các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Hay xây dựng cơ sở dữ liệu về các mô hình phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu cho các tiểu vùng sinh thái ĐBSCL.
Đặc biệt trong giai đoạn 2018 - 2022, Viện đã ký kết với nhiều đối tác là các doanh nghiệp, HTX, Trung tâm giống các tỉnh vùng ĐBSCL để khai thác quyền sử dụng giống lúa OM trong sản xuất và kinh doanh. Từ đó, đã chuyển giao quyền sử dụng chung các giống lúa OM cho 6 đơn vị, ủy quyền cho 2 đơn vị để phát triển, 3 đơn vị được khai thác quyền sử dụng giống lúa.
Định hướng trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Viện Lúa ĐBSCL sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm theo định hướng chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Đồng thời, Viện sẽ tập trung nghiên cứu, chọn tạo giống lúa theo hướng chất lượng cao, phù hợp với biến đổi khí hậu phục vụ cho Đề án xây dựng và phát triển bền vững 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Song song đó là việc phục tráng các giống lúa mùa đặc sản của địa phương và xây dựng vùng sản xuất gạo đặc sản chuyên canh có giá trị hàng hóa cao, gắn liền với xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm gạo.
Theo TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, các giống lúa mùa địa phương có giá trị văn hóa, ẩm thực nhất định cho từng khu vực và nhu cầu sử dụng của người dân vẫn rất cao. Tuy nhiên, thời gian qua do quy trình canh tác không phù hợp, các giống lúa đã bị thoái hóa.
Với tiềm lực công nghệ và kỹ thuật canh tác, Viện Lúa ĐBSCL mong muốn, thông qua việc phục tráng các giống lúa mùa sẽ khai thác tối đa lợi thế của các giống lúa, tạo ra các giống lúa mùa mang thương hiệu đặc trưng của vùng và góp phần nâng cao giá trị sản phẩm làm ra, cải thiện đời sống của bà con nông dân.
Việc phục tráng các giống lúa mùa đặc sản của địa phương đã và đang được Viện Lúa ĐBSCL triển khai tại một số địa phương ở Sóc Trăng, Bạc Liêu. Đặc biệt, tại huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng đã phục tráng trên 6.000 ha giống lúa Tài Nguyên Đục và xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận cho giống lúa này.
Với những nỗ lực đã đạt được, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý Viện Lúa ĐBSCL trong thời gian tới cần tập trung sâu vào hai vấn đề trọng tâm là công tác quản lý và xu thế thị trường.
Hiện nay, Viện Lúa ĐBSCL với đội ngũ cán bộ viên chức được đào tạo chuyên sâu là 134 người, trong đó có 30 tiến sĩ và 5 nghiên cứu sinh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác nghiên cứu của Viện. Thứ trưởng mong muốn Viện tiếp tục giữ vững truyền thống đó và hướng tới tự chủ trong hoạt động nghiệp vụ, tổ chức và tài chính.
Để thực hiện được mục tiêu này, Viện Lúa ĐBSCL cần tiếp cận nhanh thị trường để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sản xuất lúa gạo và các sản phẩm từ lúa gạo gắn với du lịch. Với nền tảng về nguyên liệu di truyền, đội ngũ nhân lực và điều kiện đất đai, Viện sẽ bắt nhịp được thị trường, dựa vào phân khúc thị trường gắn kết với doanh nghiệp để nghiên cứu, lai tạo ra các giống lúa chất lượng ổn định, năng suất cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác truyền thông đặc biệt quan trọng. Viện Lúa ĐBSCL cần phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL để đẩy mạnh truyền thông các kết quả nghiên cứu, thường xuyên tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo đầu bờ, các đoàn tham quan… để phổ biến, nhân rộng các kết quả nghiên cứu.