Ở ĐBSCL, tiếp sau sự kiện quốc tế Agritechnica Asia Live 2022 - “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững” vào cuối tháng 8/2022 vừa qua, các mô hình áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa tại Viện Lúa ĐBSCL đã cho thấy nhiều kết quả khả quan.
Theo Bộ phận kỹ thuật cơ điện của Viện Lúa ĐBSCL, chương trình thực nghiệm trên ruộng lúa có các mô hình áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật đồng bộ, nhất là về máy sạ. Vụ hè thu 2022, Viện Lúa ĐBSCL đã thực hiện mô hình tiên tiến cấy vùi phân bằng liên hợp máy sạ hàng khí động APV, khoảng cách giữa các hàng 25cm, lượng giống 50kg/ha, giống lúa sử dụng trong mô hình là OM18, lúa nứt nanh trước khi đưa vào máy.
Liên hợp máy sạ hàng khí động APV với bộ phận gieo hạt của Công ty Công ty APV (APV - Technische Produkte GmbH) sản xuất tại Áo, được Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và Viện Lúa ĐBSCL cải tiến để phù hợp với gieo lúa nước tại ĐBSCL. Liên hợp máy sạ hàng khí động APV điều chỉnh lượng giống gieo từ 30 - 80kg/ha thông qua bộ điều khiển điện tử và cảm biến vận tốc vận chuyển của máy trên đồng.
Máy có khoảng cách hàng cách hàng 25cm (có thể điều chỉnh). Công suất gieo sạ đối với máy nhỏ 6 hàng đạt 3 - 4ha/ngày; máy lớn 12 hàng đạt 6 - 8ha/ngày. IRRI và Viện Lúa ĐBSCL thiết kế thêm bộ phận trang đất kết hợp tạo luống, hạt giống nằm trên từng luống nên hạn chế bị ngập úng hạt. Sạ hàng với hỗ trợ khí động nên không bị nghẽn hạt và nhờ áp lực gió, hạt bám chặt trên luống nên tỉ lệ nảy mầm cao và không bị trôi hạt khi bị mưa.
So với các phương pháp sạ lan, sạ hàng khác thì sạ lúa bằng liên hợp máy sạ hàng khí động APV có tỉ lệ nảy mầm và phát triển thành mạ cao hơn. Máy giảm được từ 50 - 70% lượng giống so với phương pháp sạ lan.
Trong khi đó, máy sạ cụm Yanmar ST10V kết hợp với máy kéo được lắp từ những bộ phận gieo riêng biệt. Mỗi bộ phận gieo bao gồm một phễu chứa lúa giống cho hai cơ cấu gieo bên dưới. Khoảng cách giữa các cụm trên cùng một hàng gieo và số hạt trên mỗi cụm có thể điều chỉnh theo yêu cầu canh tác.
Khung tiêu chuẩn của máy ST10V được thiết kế để lắp được 5 bộ phận gieo (tương ứng 10 hàng gieo) và khoảng cách giữa các bộ phận gieo cũng có thể được điều chỉnh ở ba mức 20, 25, 30 và 40cm. Tùy theo nguồn động lực mà người sử dụng có thể lắp thêm bộ phận gieo để được bề rộng làm việc lớn và năng suất cao hơn. Phía trước các bộ phận gieo là trang đất giúp xóa vết bánh xe máy kéo và làm phẳng mặt đồng. Máy gieo được truyền động từ bánh xe.
Kỹ thuật máy sạ cụm có ưu điểm giảm được lượng lúa giống khoảng 50%. Máy còn giúp giảm được các chi phí sản xuất khác như phân bón, thuốc BVTV, công lao động... và tăng năng suất, hạn chế đổ ngã nên hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa sạ lan, giúp tăng lợi nhuận từ 40 – 80%. Các bộ phận gieo của máy này có thể lắp trên máy cấy và nếu được tích hợp với bộ phận bón vùi phân sẽ giúp giảm đáng kể lượng phân sử dụng và công lao động.
Vụ hè thu 2022, Viện Lúa ĐBSCL thực hiện mô hình tiên tiến cấy vùi phân bằng máy sạ cụm Yanmar TS10V, khoảng cách giữa các hàng 20cm, khoảng cách các cụm 13cm, mật độ gieo 60kg/ha, giống lúa sử dụng trong mô hình là OM18, lúa nứt nanh trước khi đưa vào máy.
Viện Lúa ĐBSCL còn thực hiện mô hình tiên tiến cấy vùi phân bằng máy cấy kết hợp vùi phânYanmar YR70D-F. Máy cấy với 7 hàng cấy, khoảng cách giữa các hàng 25cm, khoảng cách các bụi 14cm, số mạ trung bình/bụi là 5, giống lúa sử dụng trong mô hình là OM18, tuổi mạ khi cấy là 12 ngày tuổi.
Phân bón sử dụng trong mô hình là loại phân phổ biến trên thị trường, phân bón hạt tròn, đều, hạt có đường kính hạt từ 2 đến 5mm, khó vỡ (dùng các đầu ngón tay bóp kiểm tra), hút ẩm của hạt phân thấp (phân chậm tan), ít kết dính hay vón cục khi máy vận hành.
Công thức phân bón sử dụng trong mô hình là 70N + 40 P2O5 + 40 K2O. Phân được vùi sâu 4 - 6cm so với mặt ruộng và cách bụi mạ 3 – 5cm, tổng số 2 lần bón. Lần 1 vùi phân khi cấy, bón 2/3 tổng lượng đạm + tổng lượng lân + 1/2 kali; lần 2 từ 37 - 42 NSC, bón 1/3 tổng lượng đạm + 1/2 tổng lượng phân kali, sử dụng máy đeo vai bón phân.
Cơ giới hóa bằng máy cấy kết hợp vùi phân giảm lượng phân bón 10 - 20N, giảm chi phí và cường độ công lao động, tăng hiệu quả kinh tế so với cấy máy bón phân thông thường.