| Hotline: 0983.970.780

Hối hận thì không, nhưng tiếc thì có

Thứ Bảy 31/08/2019 , 07:15 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lãnh sứ mệnh thiêng liêng và cao cả do dân tộc giao phó là cùng toàn Đảng, toàn dân đấu tranh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

15-23-13_di_chuc_hcm
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Và, khi đi xa, Người không có gì phải hối hận, nhưng Người vẫn tiếc, tiếc không còn phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Đảng và nhân dân Việt Nam đang tiếp tục thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa sự nghiệp đổi mới đất nước đến thành công.
 

Trọn vẹn cả cuộc đời dâng hiến

Có lẽ tổng kết về cuộc đời dâng hiến cho cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách đặc sắc nhất là ở Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu Người sáng 9/9/1969 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trong đó có đoạn: “Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ… Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Một sự tiếc nuối không dành riêng cho bản thân mình mà cho cái bao la của sự nghiệp. Nhân phẩm, tính cách của Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh chính là biểu đạt rõ ràng nhất ở đây.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi năm 1969 có thanh thản không? Một câu hỏi không dễ trả lời. Có thể là thanh thản, nhưng chưa toàn vẹn - tôi nghĩ như thế khi xem lại bút tích bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính do vậy cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh mới thấy tiếc, tiếc cho sức của mình, theo quy luật sinh học, đã cạn để không còn có dịp làm đầy tớ thật trung thành phục vụ nhân dân được nữa.
 

Tiếp nối tinh thần phục vụ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếc không còn được phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Nhưng, tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản quý báu vẫn còn sống mãi với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam đang và sẽ soi đường, chỉ lối, cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam tiến lên phía trước trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - con đường do chính Người đã tìm ra và hướng dân tộc đi tới.

Vào năm 2019 này, năm có ý nghĩa đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Toàn Đảng, toàn dân sẽ được kiểm chứng thêm những kết quả trong quá trình vận hành sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đất nước cán đến các mốc kỷ niệm lớn, trong đó có việc nhìn lại 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – những vấn đề thuộc về nhiệm vụ thời hậu chiến mà Người dặn lại cho hậu thế.

Ở khía cạnh phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, để tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện nay cần chú trọng thêm những vấn đề gì?

15-23-13_hcm_voi_nong_dn
Bác Hồ tham gia sản xuất cùng nông dân.

Trước hết, Đảng phải luôn coi mình là con đẻ của dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan niệm rằng, Đảng từ trong xã hội mà ra, tức là dân lập ra Đảng, Đảng ta là Đảng con nòi xuất thân từ giai cấp lao động, Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Như vậy, giữa Đảng và dân có mối quan hệ huyết thống (AND); quan hệ Đảng – Dân là quan hệ máu thịt.

Trong Di chúc, khi viết về những công việc thời hậu chiến, Người cho rằng: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Hai là, Đảng phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Đảng ra đời và phát triển không vì mục đích tự thân mà vì nhân dân. Đảng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đưa lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tài sản lớn nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền là niềm tin của dân đối với Đảng. Đảng đã được dân tin tưởng, giao cho trách nhiệm cầm quyền.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Do vậy, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Có thể nói rằng, thắt chặt mối quan hệ Đảng - Dân trong giai đoạn hiện nay là một điều kiện tiên quyết bảo đảm cho thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước và cũng là điều kiện để Đảng tồn tại và phát triển. Chừng nào còn vi phạm quyền làm chủ của nhân dân thì chừng đó Đảng không làm tròn trách nhiệm phục vụ của mình.

Ba là, tiến công mạnh mẽ hơn nữa vào cuộc chiến đấu khổng lồ là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cuộc “chiến đấu khổng lồ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong bản Di chúc đã hiện diện ngày càng rõ hơn ở mức độ và tính chất phức tạp của nó. Trong hoàn cảnh đó, 50 năm qua, Việt Nam đã tiến những bước dài về chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Cả nước đã thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ về việc ghi nhớ công lao của các thế hệ cha ông trong các cuộc kháng chiến và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới, hội nhập quốc tế đã đưa Việt Nam thoát khỏi nhóm các nước nghèo để bước vào nhóm các nước phát triển trung bình.

Vẫn còn đó những hạn chế, khuyết điểm. Đó là những khó khăn khách quan, đặc biệt là từ tác động tiêu cực của nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, và cũng cần nhắc lại khó khăn nữa, đó là tác hại vô cùng lâu dài và khắc nghiệt của chiến tranh. Tự hào về sự tăng trưởng của GDP và các thành tựu khác là chính đáng, nhưng thật xót và thật đau khi môi trường tự nhiên và môi trường xã hội bị ô nhiễm nghiêm trọng, khi người dân đang phải ôm biết bao nỗi bức xúc do sự yếu kém, hư hỏng của không ít tổ chức chính trị các cấp và của những “ông quan cách mạng”.

Những tiêu cực đã, đang và sẽ được Đảng và Nhà nước ta kiên quyết xử lý theo đúng kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước làm củng cố và phát triển niềm tin của nhân dân đối với chế độ chính trị. Hành động của những kẻ hư hỏng đang làm hoen ố bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếng kêu thảm thiết của nhiều người dân oan khuất, trong đó phần lớn là tiếng kêu mất đất; tiếng kêu của người dân Thủ Thiêm trong hàng chục năm nay, tiếng kêu đối với những sai phạm ở nhiều trạm thu phí giao thông BOT, v.v. đã nói lên rất nhiều điều đáng phải suy ngẫm thêm về việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay.

Nhìn lại 50 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhìn ở cái thế phát triển bền vững, để xem lại chính bản thân mình, quy chiếu với những lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tiếp tục hành động – hành động cho sự cường thịnh của nước nhà, cho hạnh phúc của con dân đất Việt.

Hành động như thế cũng có thể coi như là một sự khỏa lấp phần nào sự tiếc nuối của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi trong Di chúc.

(Kiến thức gia đình số 35)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm