| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 22/12/2010 , 10:51 (GMT+7)

10:51 - 22/12/2010

Hỡi ôi, tiêu chuẩn... quốc tế

Không những người nuôi cá tra, kể cả cơ quan quản lý Nhà nước, các hội, hiệp hội chuyên ngành cũng như các phương tiện thông tin đại chúng “sốt xình xịch” trước thông tin Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa cá tra vào danh sách đỏ, cẩm nang khuyến cáo người tiêu dùng châu Âu không nên sử dụng loại thủy sản của Việt Nam.

Rồi báo giới cũng mất ngần ấy giấy mực để "tung hô" rằng, sau thời gian dài đàm phán, cam kết, cuối cùng thì WWF lại gỡ cá tra khỏi danh sách này, thay bằng một danh sách khác khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng cá tra. Để đổi lại, các vùng sản xuất cá tra của Việt Nam phải sử dụng bộ tiêu chuẩn ASC của WWF, một bộ tiêu chuẩn dựa chủ yếu vào các tiêu chí CoC, tiêu chuẩn mà cá tra Việt Nam đang áp dụng, của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).

Thật chẳng biết đường nào mà lần!

Tuy nhiên, những người hiểu biết, nói đúng hơn là có trách nhiệm, thì lại có “cái đầu lạnh” hơn. Họ cho rằng, WWF xét cho cùng chỉ là một tổ chức phi chính phủ, nên việc họ ra một bộ tiêu chuẩn như kiểu ASC thực chất không mang tính pháp lý. Vả lại, tiêu chuẩn CoC của FAO đã bao trùm cái gọi là “tiêu chuẩn quốc tế” ASC, thì cớ gì ta lại phải dùng ASC?

Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam đưa ra một so sánh rất hay. Ông cho rằng, việc WWF “bắt” Việt Nam phải thực hiện bộ tiêu chuẩn ASC chẳng khác gì chuyện khi ta đi làm về, bỗng dưng thấy có một tờ rơi quảng cáo dán trên cửa nhà, nội dung là “thông tắc bể phốt”, hoặc “bán bếp ga”, hay đại khái như “có ô-sin cho thuê”…, và có dùng mấy "dịch vụ vỉa hè" này không, là quyền của chủ nhà.

 Nhưng, ông Cương cũng cảnh báo rằng, nếu không dùng ASC, thì biết đâu thời gian tới, WWF lại có thêm một “danh sách đỏ” thứ hai, liệt cá tra vào dạng khuyến cáo không nên sử dụng? Rõ ràng, WWF đang dùng “quyền được khuyến cáo” của mình để “ép” nhiều nước, trong đó có Việt Nam, phải “mua” cái gọi là “tiêu chuẩn quốc tế” của họ.

Phân tích về giá trị của ASC, nhiều chuyên gia cho biết định nghĩa nuôi cá bền vững hoặc sản phẩm bền vững mà WWF đặt ra là sản phẩm làm ra phải thỏa mãn hai tiêu chí: Không được ảnh hưởng hại đến môi trường và sản phẩm không tồn đọng nhiều kháng sinh, chất độc, vi khuẩn. Để làm được điều này, người nuôi phải đầu tư vào công nghệ và thiết bị thu gom xử lý chất thải, xử lý nước và các phương pháp quản lý các chi phí khác. Trong khi người nuôi đang khốn khổ vì giá bán bị cạnh tranh thì lại phải gánh thêm chi phí cho hướng dẫn của ASC.

Vả lại, chính cơ quan quản lý Nhà nước nhiều khi lại nhầm lẫn, hay cố tình nhầm lẫn, về tính pháp lý của các “tiêu chuẩn quốc tế”. Ví như tiêu chuẩn GlobalGap cũng chẳng có tính pháp lý, mà nhiều cơ quan quản lý Nhà nước lại buộc người sản xuất phải tuân theo tiêu chuẩn này. Ông Cương lý giải khúc mắc này là, có thể nhiều cán bộ không biết, hoặc giả bộ không biết, tiêu chuẩn nào là quốc tế, hoặc chứng chỉ độc lập, để “chấm mút” gì chăng?

Cuối cùng, tất cả thiệt hại đều dồn đến vai người sản xuất, hay nói đúng hơn là nông dân!

Bình luận mới nhất