| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 07/09/2019 , 07:05 (GMT+7)

07:05 - 07/09/2019

Hội phụ huynh

Ký ức như son ngày đầu tiên đến trường, hồi ấy bắt đầu từ vỡ lòng rồi sau đó mới lớp 1. Có lẽ người ta đã tính toán khoa học, trẻ không có bước đệm mẫu giáo nên phải vỡ lòng trước đã.

Hình mang tính minh họa.

Tuổi học cũng muộn hơn bây giờ, qui định là 7 tuổi. Ấy là năm 1959, hệ thống trường tư có đến tận xã ấp. Vỡ lòng và lớp 1, trường dân lập liên ấp. Lớp nhì và lớp nhất vẫn thuộc liên ấp, một ngôi trường rộng hơn. Rồi sẽ là cấp học lên, đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ, ngôi trường liên xã hoặc thị trấn. Lên nữa, đệ tam và hai bậc tú tài phải đi học tận thị xã hoặc thành phố lớn.

Buổi giao thời, quê tôi bỗng thuộc vùng xôi đậu. Xóm ấp vẫn hàng trăm năm nửa tối nửa sáng, thầy cô giáo sống bằng ngôi trường và nghề dạy học cha truyền con nối. Hình ảnh thân thương là cô giáo áo dài trắng thơm thơm, thầy giáo già nghiêm khắc với thước bảng. Háo hức, tinh khôi. Mấy cuốn tập mới bao bìa, em bé hay lấy ra ngắm nghía hít hà. Cha mẹ nhất định phải thu xếp để dắt con giao tận tay thầy cô ngày tựu trường. Ví dầu cầu ván đóng đinh, con đi trường học mẹ đi trường đời.

Hội trưởng Hội phụ huynh như cây tre lão. Ở ngôi trường khác là một vị khác, cũng hao hao như vậy. Gẫm thấy, trước hết họ phải tri điền. Và ông hiện diện như thần, một em bé bị đuối nước phải hô hấp, khi một em khác té trặc chân phải bó; khi khác, thầy bệnh hơi nhiều nghe các con, cứ đến trường bác dạy thay mấy buổi; khi nữa, trường dột trường hư vách phải sửa sang; khi nữa, “mồng một Tết cha mồng ba tết thầy nghe các con!” Thân thuộc và chu toàn, tuổi thơ của mỗi người không thể thiếu hình ảnh sáng trắng ấy.

Hội phụ huynh ở những vùng thành thị cho các cấp phổ thông, nhất là cấp cơ sở, vẫn phải là những người đạo cao đức trọng được cử ra, tận tụy, công tâm. Họ có cần thiết không? Thực tế chứng minh họ là chiếc cầu đẹp, kết nối nhiều phía chứ không chỉ có nhà trường và học sinh. Họ biết khá rõ những thầy cô nghèo khó, hoàn cảnh và tâm trạng. Họ cũng tìm cách chuyện trò riêng để những thầy cô lệch đường trong hành vi gò vào lối thẳng. Họ cũng biết khá tường về nhóm phụ huynh của mình, ai có khả năng trở thành hảo tâm, ai nghèo khổ, ai là nguyên do của những học sinh cá biệt… biết để tìm cách giúp nhau cùng làm hậu phương nhuần nhị cho nhà trường.

Nhiều người không biết vùng bị chiến tranh hoành hành có nhà trường và học sinh không, họ tồn tại kiểu gì? Xin thưa, có hết, trong nguyện vọng không để con em mù chữ. Ở đâu có học sinh là sẽ có những vị phụ huynh giỏi giang. Họ nuôi thầy cô giáo, họ xây cất trường, họ làm hệ thống công sự cho con em an toàn dưới đạn bom. Không được học lên để thỏa chí, cấp I và cấp II là cả sự cố gắng của một hệ thống Ban giáo dục chiến khu, thầy cô tự nguyện sống đời chiến binh và các trò nam trò nữ tinh khôi nhiệt huyết. Ở miền Bắc khi ấy là một xã hội khác nhưng đa số đều được học hành và dù vai trò của Hội phụ huynh không quan trọng bằng các đoàn thể.

Vì sao có sự thay đổi mà người viết bài này phải bỏ công cho một bài riêng? Là vì dần dà hai miền đã thống nhất một mô hình sau khi đất nước liền một dải. Trường công toàn bộ, để áp đặt một chương trình và nội dung “Giáo khoa là pháp lệnh”. Hội phụ huynh là cây cảnh. Thấy cưu mang không xuể và trái quy luật quá, bắt đầu “nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Hội phụ huynh mạnh lên nhưng thường là để chất vấn thầy cô về điểm hạng của con. Còn để quyên góp nâng chỗ nọ hoàn thiện chỗ kia, còn để rỉ tai nhau, cô này dạy thêm giỏi, thầy kia thiếu giáo cụ, chúng ta nên lẳng lặng mua giúp, nhé nhé.

Bây giờ thì trường tư Quốc tế mọc lên như nấm, nhãn chính danh và cũng có mác chui. Vẫn dân lập chứ chưa công nhận là tư thục. Gọi hẳn là tư thục để quay về lối cũ à? Hội phụ huynh trường quốc tế xịn mạnh vì gạo bạo vì tiền. Trường dân lập vẫn có màn đầu năm bầu cử Hội phụ huynh và xét đặt lên hạ xuống như thể bầu cử chức sắc địa phương. Và tiền quỹ các vị ơi, tiền khai giảng tiền 20 tháng 10 cho thầy cô các vị ơi. Hội phụ huynh trường công thì vẫn như chúng ta biết, xì tiền và xì tiền, nhấp nhổm và bứt rứt.

Tôi chỉ có một ước nguyện nhỏ xíu, rằng Hội phụ huynh nên bắt đầu bằng kiểm tra hệ thống vệ sinh cho các em. Chỉ nên giúp nhà trường chỗ đó, nâng cấp, trang bị, thuê người lau dọn và thay nhau kiểm tra hàng tuần, hàng tháng, thế thôi. Làm được mỗi một việc đó cho nề nếp, đã là may, khi đã hài lòng, hãy dành sự quan tâm cho việc khác.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm