| Hotline: 0983.970.780

Hồi sinh cho vùng đất ngập tràn rác thải

Thứ Ba 23/06/2020 , 14:52 (GMT+7)

Vẫn là nơi tập kết rác thải nhưng tình trạng ô nhiễm, hôi thối, đầy ruồi muỗi đã không còn, thay vào đó là bạt ngàn những ao, đầm nuôi cá trắm đen, cá vược.

Bãi rác Hùng Rồ - từng là nỗi ám ảnh của người dân vùng đất Lập Lễ, Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Bãi rác Hùng Rồ - từng là nỗi ám ảnh của người dân vùng đất Lập Lễ, Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Vùng đất 'chết' ven bãi rác Hùng Rồ

Bãi rác Hùng Rồ, trên địa bàn xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên nằm ngay cạnh cảng cá Mắt Rồng, ngoài là nơi người dân trong xã tập kết rác thải sinh hoạt còn là nơi chứa ‘rác’ thủy sản từ cảng cá Mắt Rồng và từ các hộ kinh doanh.

Bãi rác này được chính quyền xã Lập Lễ thu hồi ruộng đất và dựng lên cách đây đã gần 20 năm. Ban đầu mỗi ngày lượng rác thải khoảng 5-6 khối/1 ngày, theo thời gian đến thời điểm hiện tại lượng rác thải tăng lên đột biến, khoảng 25 khối/1 ngày.

Anh Đinh Như Thành – 1 hộ dân nuôi trồng thủy sản ngay sát bãi rác Hùng Rồ cho biết, trước đây khu vực này chưa có điện, ô nhiễm từ rác rất lớn, mùi hôi thối bốc lan ra cả 1 vùng rộng lớn, gia đình anh có hơn 2ha đàm cũng bỏ bê không canh tác gì.

“Cách đây hơn 1 năm, chỗ chúng ta đang ngồi đây, nếu ăn cơm phải mắc màn vì quá nhiều ruồi, rồi nước rỉ đen sì từ bãi rác chảy ra nguồn nước khiến khu vực này khó nuôi trồng thủy sản.

Sau khi nhà máy đốt rác này về, môi trường sạch hơn, chúng tôi cũng ké được đường dây điện nên gia đình tôi chuyển ra đây ở và cải tạo lại đầm để nuôi cá trắm đen. Chúng tôi ủng hộ vì đã giải quyết được vấn đề bức xúc bấy lâu nay” – ông Thành nhớ lại.

Trước đây, khi chưa có nhà máy đốt rác, chính quyền địa phương thường sử dụng phương án chôn lấp rác và  hệ lụy là nguồn nước rỉ từ bãi rác gây ô nhiễm cho nguồn nước xung quanh, khu vực này lúc nào cũng trong tình trạng nồng nặc hôi thối, đầy ruồi nhặng. Thậm chí, cách đây hơn 1 năm về trước còn là ‘điểm nóng’ về rác thải, khiến người dân rất bức xúc.

Ông Đinh Văn Ba – Chủ tịch UBND xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên cho biết: Bãi rác Hùng Rồ là nơi tập kết rác cho toàn xã, có từ 2003, rác sau khi đưa về đây được xử lí bằng cách chôn lấp.

Hồi mới có bãi rác, mỗi ngày chỉ 1 xe công nông, còn như hiện nay, mỗi ngày gần 30 khối rác, có nhiều rác thải từ thủy sản nên ruồi nhặng nhiều, nếu không có công nghệ đốt rác thì không có bãi nào có thể chứa nổi.  Khu vực xung quanh nhiều gia đình bỏ hoang đất đai, không canh tác vì ô nhiễm.

Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã tìm hiểu lò đốt rác của Công ty CP Môi trường Green Việt Nam tại thôn 1, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên đang có 1 công trình bên xã Đông Sơn hoạt động rất hiệu quả và thấy ổn nên đã quyết liệt triển khai.

Xung quanh khu vực bãi rác hiện nay người dân đã cải tạo ao nuôi trồng thủy sản, có gia đình còn chuyển ra ở hẳn. Ảnh: Đinh Mười.

Xung quanh khu vực bãi rác hiện nay người dân đã cải tạo ao nuôi trồng thủy sản, có gia đình còn chuyển ra ở hẳn. Ảnh: Đinh Mười.

“Trước đây bãi rác ngấm nước ra nước đen sỳ, bên Phả Lễ họ đã ngăn lại để không cho nước bên này chảy qua.

Theo 1 số quy định thì cấp xã không được xây dựng nhà máy đốt rác, tuy nhiên, rác nhiều như vậy, không thu gom, xử lí thì sống làm sao được. Giờ sau khi làm lò đốt rác thì xung quanh đó bà con nuôi trồng thủy sản, cấy lúa bình thường lấy nước từ nguồn đằng sau nhà máy rác.

Về nhãn quan anh em cảm nhận được, không có khói bụi, không có mùi, nếu có thì người dân có ý kiến ngay. Còn về chuyên môn, các cơ quan chức năng đã về quan trắc, kiểm tra theo quy định.

Quan điểm của lãnh đạo địa phương là tốt thì chúng tôi ủng hộ, từ khi có nhà máy xử lí rác thì chúng tôi và người dân nhẹ hết người” – ông Ba cho biết.

Công nghệ lạ, Trung Quốc cũng đòi mua

Kể chuyện với chúng tôi, ông Bùi Công Doanh - Giám đốc Công ty CP Công nghệ Môi trường Green Việt Nam vẫn nhớ như in khi đi ra bãi rác khảo sát để đặt lò đốt rác, lúc mở cửa xe ô tô mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi, ruồi bay cả đàn vào trong khiến anh và các thành viên trong đoàn được 1 phen nôn thốc, nôn tháo.

Dẫn chúng tôi đi xung quanh khu vực nhà máy đốt rác và các đầm nuôi thủy sản xung quanh bãi rác Hùng Rồ, ông Doanh tự tin chia sẻ: Đây anh xem, khu vực này giờ không còn là các khu đầm bỏ hoang, vùng đất ‘chết’ nữa, cách đây 1 năm thôi, anh em mình không đứng được đây mà nói chuyện đâu. Giờ ngoài việc cải tạo ao nuôi thủy sản, người dân còn xây nhà ở hẳn đây luôn nhé.

Lò đốt rác của Công ty Green Việt Nam tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên có thể đốt được 20 tấn rác/1 ngày. Ảnh: Đinh Mười.

Lò đốt rác của Công ty Green Việt Nam tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên có thể đốt được 20 tấn rác/1 ngày. Ảnh: Đinh Mười.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ e ngại về ảnh hưởng của nhà máy đốt rác với môi trường xung quanh, ông Doanh xua tay nói: Hệ thống đốt rác này là hệ thống phản ứng tuần hoàn nhiệt, do chúng tôi sáng tạo ra trên cơ sở nghiên cứu kĩ thuật, kiểm nghiệm thực tế, đúc rút kinh nghiệm từ các lò đốt rác thải sinh hoạt trong nước và trên thế giới.

Tính ưu việt của lò này là dùng khí tự nhiên tuần hoàn, tự cháy, không dùng nhiên liệu hóa thạch, điện trong quá trình hoạt động lên chi phí vận hành rất thấp. Kích thước nhỏ gọn, yêu cầu về diện tích mặt bằng không lớn, dễ dàng lắp đặt vận hành rất phù hợp với điều kiện xử lý rác thải tại các vùng nông thôn.

Lò đốt ở nhiệt độ cao từ 1.200 độ C tới 1.700 độ C, có thể đốt rác ở độ ẩm >80% (không phải phơi, sấy) trong mọi điều kiện thời tiết và đốt triệt tới 90% khối lượng, đáp ứng được nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt hỗn tạp (không phân loại) ở Việt Nam, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường của Việt Nam theo quy định.

Ông Nguyễn Minh Khánh - Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ môi trường Green Việt Nam khẳng định rác được đốt kiệt đến 95%, không còn có tác hại với môi trường. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Minh Khánh - Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ môi trường Green Việt Nam khẳng định rác được đốt kiệt đến 95%, không còn có tác hại với môi trường. Ảnh: Đinh Mười.

Đốt ở nhiệt độ cao thì rác được đốt kiệt, rác thải ra không có mùi, tro thải ra không có mùi, khí thải độc hại cũng mất đi.

Công nghệ đốt rác của Công ty đã được kiểm tra giám sát, đo đạc quan trắc, đánh giá của các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Viện Công nghệ môi trường và tại các Sở, Ban, Ngành Thành Phố Hải Phòng, Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Green Việt Nam đã chế tạo thành công Lò đốt rác thải sinh hoạt và được ứng dụng, kiểm nghiệm thực tế trong thời gian dài.

"Thực tế đã có nhiều đoàn công tác các tỉnh cũng đến học hỏi, thậm chí bên Trung Quốc có người sang tận đây xin mua lại công nghệ của chúng tôi nhưng chúng tôi không đồng ý.

Hiện tại chúng tôi đang có 2 lò đốt rác, 1 cái ở xã Đông Sơn, 1 cái ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, đang hoạt động hiệu quả và được người dân địa phương, chính quyền địa phương ủng hộ. Như lò rác ở Lập Lễ nếu đốt hết công suất được 20 tấn 1 ngày nhưng hiện tại đang đốt được 7 tấn 1 ngày.

Tôi thấy rất lãng phí khi các địa phương khác trong huyện rác không có chỗ xử lí, còn chúng tôi thì không có rác để đốt và thua lỗ nhiều năm nay, với hệ thống đốt rác này chúng tôi hoàn toàn có thể phục vụ cho nhiều địa phương cùng 1 lúc.

Thậm chí chúng tôi hoàn toàn có thể chế tạo ra các lò đốt rác công suất gấp đôi như thế này để phục vụ nhu cầu xử lí rác thải cho các địa phương nếu họ cần" – ông Doanh nói.

Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng trong 1 lần kiểm tra lò đốt rác của Công ty Green Việt Nam  tại xã Lập Lễ. Ảnh: CTV.

Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng trong 1 lần kiểm tra lò đốt rác của Công ty Green Việt Nam  tại xã Lập Lễ. Ảnh: CTV.

Quan sát nhanh khu vực này, chúng tôi thấy bạt ngàn ao đầm nuôi trồng thủy sản, ngay sát cạnh lò đốt rác của Công ty Green Việt Nam là mấy cái ao nuôi thủy sản khu vực này dấu vết vẫn còn mới, dường như nuôi lứa đầu tiên. Sát phía khu đốt rác là thửa ruộng xanh mướt hoa màu và 1 chiếc ao đang được cải tạo lại ao để nuôi cá.

Hiện nay, huyện Thủy Nguyên mỗi ngày có khoảng 200 tấn rác. Với lượng rác thải nông thôn khổng lồ này, ngoài 1 số được xử lí tại 2 nhà máy đốt rác của Công ty Green Việt Nam và 1 ít xử lí tại 2 lò rác còn lại, 1 phần được thu gom, vận chuyển và xử lý tại Khu liên hợp Quản lý và xử lý chất thải Tràng Cát, Khu xử lý chất thải Đình Vũ, thì phần còn lại dồn ứ lại tại các bãi rác của các xã, gây bức xức cho người dân suốt thời gian qua. Có thể kể đến như ở xã Quảng Thanh, Lưu Kiếm, Chính Mỹ…

Theo 1 số lãnh đạo các xã trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, vấn đề rác thải nông thôn đang rất nhức nhối, Công ty vận chuyển rác họ chấm dứt hợp đồng 1 phần do kinh phí phục vụ cho việc thu gom rác thải quá ít trong khi chi phí lớn, có nơi người dân không chịu đóng tiền rác, không có lãi nên doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng. Nếu có thể được, cứ 2 3 xã làm 1 lò đốt thì cơ bản sẽ giải quyết tốt vấn đề rác nông thôn trước mắt trước khi có nơi xử lí rác thải tập trung trên địa bàn.

“Lò đốt rác sinh hoạt rắn của Công ty CP Công nghệ môi trường Green Việt Nam sử dụng công nghệ đốt chất thải sinh hoạt bằng không khí đối lưu khí tự nhiên, không dùng nhiên liệu, nhiệt độ cao từ 1.200 độ C đến 1.500 độ C là một giải pháp rất phù hợp để đốt rác thải sinh hoạt hỗn hợp nhiều loại (không phân loại) tại Việt Nam” - Viện công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.