| Hotline: 0983.970.780

'Hồi sinh' lúa bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại

Thứ Tư 02/03/2022 , 20:35 (GMT+7)

TUYÊN QUANG Hiện thời tiết đã ấm lên, giúp lúa hồi phục tốt sau rét đậm, rét hại. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn dễ phát sinh các loại sâu bệnh hại.

Vụ đông xuân năm nay, tỉnh Tuyên Quang thực hiện gieo cấy gần 18.500 ha lúa, đến nay tỉnh đã hoàn thành gieo cấy 100% diện tích, đảm bảo trong khung thời vụ. Tuy nhiên, các đợt rét đậm, rét hại kéo dài trong tháng 2/2022 nên nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển.

Nhiều diện tích lúa xuân cấy trà sớm tại tỉnh Tuyên Quang đã hồi xanh phát triển tốt. Ảnh: Đào Thanh.

Nhiều diện tích lúa xuân cấy trà sớm tại tỉnh Tuyên Quang đã hồi xanh phát triển tốt. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, để đảm bảo cây lúa sinh trưởng và phát triển sau đợt rét đậm vừa qua, Chi cục đã phối hợp với các huyện, thị trấn, hướng dẫn và khuyến cáo bà con đối với lúa đã cấy và gieo sạ cần duy trì mực nước tối thiểu 2 - 3 cm liên tục đều trên mặt ruộng để giữ ấm cho cây lúa, tăng cường bón tro bếp, phân lân; tuyệt đối không được bón phân đạm và các loại phân bón lá. Khi nhiệt độ ấm trở lại mới tiến hành chăm sóc, sục bùn kết hợp bón bổ sung phân lân, phân NPK, phân chuồng hoai để kích thích rễ phát triển. Không để ruộng lúa mới cấy bị hạn.

Xã Kim Phú (Thành phố Tuyên Quang) thực hiện gieo cấy 515 ha lúa vụ đông xuân. Rét đậm rét hại tuy cây lúa không bị chết nhưng bị ảnh hưởng chậm lớn khoảng 1 tuần. Mấy ngày gần đây, thời tiết đã bắt đầu ấm hơn, nhiệt độ duy trì từ 18 đến 22 độ C giúp cây lúa trên địa bàn dần hồi xanh trở lại. Nhiều cánh đồng cấy vụ trà sớm đã đẻ nhánh và xanh đồng.

Ông Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phú cho biết, đến nay xã đã gieo cấy xong toàn bộ diện tích 515 ha theo kế hoạch. Hiện nay, bà con đang thực hiện vá lại một số cánh đồng còn trống do gieo chân mạ và một vài diện tích bị ảnh hưởng bởi đợt rét đậm, rét hại vừa qua, dự kiến ngày 2/3 sẽ xong toàn bộ diện tích khoảng 5 ha. Như vậy vụ xuân này, xã sẽ có tổng 520ha/515ha kế hoạch.

Với hơn 5.100 lúa, huyện Sơn Dương là địa phương có diện tích lúa gieo cấy lớn nhất và hoàn thành tiến độ gieo cấy sớm nhất tỉnh Tuyên Quang. Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, đây cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất. Toàn huyện có 6,9ha lúa gieo sạ tại xã Phúc Ứng bị chết; mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày khiến 92,9ha tại các xã Trường Sinh, Quyết Thắng, Cấp Tiến, Vĩnh Lợi, Vân Sơn bị ngập úng cục bộ.

Với những diện tích bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại, nông dân Tuyên Quang đã khẩn trương khắc phục, đảm bảo khung thời vụ tốt nhất. Ảnh: Đào Thanh.

Với những diện tích bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại, nông dân Tuyên Quang đã khẩn trương khắc phục, đảm bảo khung thời vụ tốt nhất. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Hoàng Văn Niên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Dương cho biết, đến thời điểm này thời tiết trên địa bàn đã ấm lên, ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn bà con nhanh chóng khắc phục hậu quả với những diện tích lúa bị thiệt hại đảm bảo khung thời vụ. Với diện tích lúa chết rét tại xã Phúc Ứng, đến nay đã tiến hành gieo sạ được 80% diện tích. Với diện tích lúa bị ảnh hưởng nặng do ngập úng, đã tiến hành cấy dặm lại những chỗ bị ảnh hưởng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Chuyên, thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương vụ xuân năm nay cấy 8 sào lúa giống lúa thuần TBR 225 và TBR 89. Năm nay đầu vụ thời tiết thuận lợi, đủ nước gieo cấy và dưỡng lúa nên cây lúa sinh trưởng và phát triển, tốt hứa hẹn mùa bội thu. Đến đợt rét đậm, rét hại vừa rồi, do cây lúa đã đủ khỏe để chống chịu được rét nên 8 sào lúa của gia đình bà Chuyên gần như không bị ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, phát triển.

Hiện thời tiết trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang dần ấm lên, là giai đoạn thuận lợi cho cây lúa xuân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn để các loại sâu bệnh hại phát sinh, bởi vậy ngành NN-PTNT đưa ra khuyến cáo bà con nông dân cần tăng cường thăm đồng để phòng chống sâu bệnh hại.

Đối với ốc bươu vàng, bà con cần vệ sinh đồng ruộng, khơi rãnh xung quanh ruộng để ốc tập trung vào rãnh và thu bắt ốc bằng tay. Khi mật độ ốc bươu vàng từ 3 - 5 con/m2 trở lên có thể sử dụng một trong các loại thuốc như Pazol 700WP, Catfish 70WP, Goldcup 575WP, Snail Killer 12RB, 800WP...

Đối với bệnh nghẹt rễ vàng lá sinh lý, khi lúa bị bệnh nghẹt rễ ngừng bón đạm, tiến hành tháo nước và bón thêm vôi bột 10 - 15 kg/sào, phân lân nung chảy 10 - 15 kg/sào kết hợp làm cỏ, sục bùn để giải phóng khí độc tích tụ trong đất. Sau khi bón cây lúa đã bén rễ, dần hồi phục nên bổ sung phân bón qua lá giúp cây phục hồi nhanh, sinh trưởng phát triển tốt.

Đối với những cánh đồng nhiễm bệnh đạo ôn lá, cần dừng ngay việc bón đạm, hoặc phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá, giữ mực nước ổn định trên ruộng. Phun thuốc ngay khi bệnh mới phát sinh, có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Ninja 3 35SE, Filia 525SE, Trizole 75 WG, Nativo 750WG hoặc các loại thuốc đặc hiệu trừ bệnh đạo ôn khác được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Ngoài ra bà con cần chú ý một số đối tượng khác như chuột hại, giòi đục nõn, rầy nâu, rầy lưng trắng...

Xem thêm
Mô hình nuôi vịt siêu trứng của nông dân 8x tại An Giang

Từ một trang trại nhỏ ứng dụng thành công mô hình nuôi vịt siêu trứng, anh Võ Hữu Tín đã mở rộng thành 7 trang trại quy mô lớn với tổng đàn hơn 70.000 con.

Buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vô cùng phức tạp, Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm

Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh biên giới Tây Nam quyết liệt ngăn chặn buôn lậu lợn và sản phẩm động vật trái phép, nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.