Tháng 4/2016, Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung) với số phiếu tán thành cao.
Luật Báo chí 2016 gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của luật Báo chí hiện hành.
Trước đó, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, luật Báo chí này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của việc phát triển báo chí; đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin mà luật Báo chí năm 1999 không còn phù hợp, thiếu tính khả thi.
Theo ông, luật Báo chí bảo hộ mạnh mẽ cho cơ quan báo chí, nhà báo. Cơ quan báo chí hoạt động dựa vào luật Báo chí sẽ có những phương thức ứng xử văn minh và tránh sử dụng những phương thức “rừng rú” như tình trạng lạm quyền hiện nay...
9 điểm mới của luật Báo chí 2016
Kết cấu các chương của luật Báo chí lần này đã bỏ chương quản lý nhà nước về báo chí, thay đổi kết cấu chương 3 (Nhiệm vụ quyền hạn của báo chí), chương 4 (Tổ chức báo chí và nhà báo) của luật Báo chí 1999 thành chương 3 (Tổ chức báo chí) và chương 4 (Hoạt động báo chí) trong luật Báo chí mới.
Các phóng viên tác nghiệp bên lề Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12. Ảnh: Phạm Hải
Thứ nhất, luật đã kết cấu chương 2 với 4 điều quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, trong đó quy định công dân có quyền: Sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí...
Thứ hai, về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, luật Báo chí mới đã bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của luật Khoa học và Công nghệ.
Thứ ba, luật Báo chí mới đã bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí, trong đó quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết.
Thứ tư, về quyền tác nghiệp của báo chí, luật Báo chí lần này đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, luật đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Đồng thời, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.
Thứ năm, luật bổ sung, luật hoá những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; trong đó quy định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.
Thứ sáu, về hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí: Luật Báo chí mới quy định mở hơn về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, thể hiện tại điểm c khoản 2 điều 21.
Thứ bảy, về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, tại điều 9 quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn và có bổ sung một số hành vi như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội...
Thứ tám, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, luật Báo chí mới đã bổ sung một số quy định mới về cải chính như: Báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát.
Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm. Đồng thời quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí.
Thứ chín, luật Báo chí mới đã pháp điển hóa quy định tại các nghị định của Chính phủ để đưa vào luật, đồng thời bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí.