Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 26/8/2022, tổng số hóa đơn điện tử đã tiếp nhận và xử lý trên toàn quốc là hơn 1.148 triệu hóa đơn. Trong đó: 325 triệu hóa đơn có mã; 297,3 triệu hóa đơn không mã nhưng gửi đầy đủ dữ liệu; 525,5 triệu hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp; và 263 nghìn hóa đơn theo lần phát sinh.
Để đáp ứng đến ngày 01/7/2022, toàn bộ người nộp thuế chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế đã triển khai chương trình thành hai giai đoạn. Giai đoạn một, từ ngày 21/11/2021, tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ, Hải Phòng. Giai đoạn hai, từ 21/4/2022, tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.
Song song với việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử, ngành thuế còn chú trọng phát triển các dịch vụ thuế số cho người nộp thuế.
Về dịch vụ thuế điện tử, 99% doanh nghiệp trong tổng số 865.388 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước đã sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế còn đẩy mạnh hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế thống nhất từ Tổng cục đến 63 Cục Thuế và 413 Chi cục Thuế, hoạt động thông suốt 24/7. Tính đến ngày 15/8/2022, hệ thống đã tiếp nhận và trả lời 4.304 câu hỏi, đạt tỷ lệ 88%.
Về dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động, Tổng cục Thuế công bố ứng dụng eTax Mobile từ ngày 21/3/2022. Người nộp thuế có thể xác thực thông tin qua hệ thống của ngân hàng.
Việc nộp thuế điện tử trên ứng dụng eTax Mobile hiện được ngành thuế tích hợp với 10 ngân hàng. Đến ngày 15/08/2022, 116.643 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng. Tổng cộng có 60.188 giao dịch qua ngân hàng, với số tiền trên 291 tỷ đồng.
Về cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, ngành thuế chủ động cung cấp các thông tin như mã số thuế, số thuế phát sinh theo tờ khai, mã khoản nộp thuế... hỗ trợ người nộp thuế có thể nộp thuế mọi lúc, mọi nơi. Hiện 30 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công.
Về dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ thủ tục hành chính do cơ quan thuế cung cấp được triển khai ở mức độ 3, 4. Những ứng dụng chủ yếu gồm: số hoá thủ tục hành chính và kết nối các dịch vụ công trong lĩnh vực thuế với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Đến nay, Tổng cục Thuế đã triển khai 103/234 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và tích hợp 97 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Về tích hợp hệ thống thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người nộp thuế có thể sử dụng mã căn cước công dân xác thực số định danh cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Ngành thuế tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế.
Đến ngày 15/8/2022, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận 610 hồ sơ đăng ký thuế lần đầu và 1.094 hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia..
"Việc sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế giúp minh bạch, thống nhất thông tin quản lý và dùng chung dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên đảm bảo việc định danh chính xác được thông tin người nộp thuế", Tổng cục Thuế cho biết.
Nhờ một loạt biện pháp trên, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 8 tháng đầu năm 2022 đạt 1.002.874 tỷ đồng, bằng 85,4% so với dự toán pháp lệnh, và bằng 118,4% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu loại trừ các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, việc thu thuế, phí nội địa tăng 6,9% so cùng kỳ.