Tính đến 16 giờ ngày 30/3, tổng cộng đã thực hiện tiêm vacxin phòng Covid-19 tại 19 tỉnh thành phố cho 48.256 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Cụ thể, Hà NộI (102 người), Hải Dương (249 người), Hải Phòng (117 người), Hòa Bình (72 người), Hưng Yên (10 người), Bắc Giang (79 người), Hà Giang (549 người), Điện Biên (192 người), TP.HCM (470 người).
Trong các ngày 29-30/3, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức tập huấn triển khai vacxin Covid-19 cho Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Y tế dự phòng, Bệnh viện đa khoa tỉnh và đại diện khối quân y của 3 khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam.
Đến nay, toàn bộ 63 tỉnh/thành phố đã được tập huấn để chuẩn bị cho triển khai.
Để tăng cường công tác tiêm chủng vacxin Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả và đạt tỷ lệ cao, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có chỉ thị yêu cầu các Sở Y tế tỉnh, thành phố rà soát, cập nhật danh sách các đối tượng để triển khai tiêm chủng; Huy động tối đa các cơ sở y tế trên địa bàn, cơ sở đào tạo về y tế để tổ chức tiêm vacxin Covid-19.
Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia tiêm chủng để đảm bảo thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, theo dõi sau tiêm chủng, xử trí, cấp cứu kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng bao gồm cả phản ứng phản vệ.
Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng bố trí đầy đủ trang thiết bị, cử cán bộ đầu mối thực hiện giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng để xử lý kịp thời khi có trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Yêu cầu các điểm tiêm chủng niêm yết số điện thoại của đơn vị để người dân liên hệ khi cần thiết.
Tăng cường công tác tuyên truyền về việc tiêm vacxin phòng Covid-19 như các nhóm đối tượng ưu tiên, thông tin về loại vacxin, lợi ích của tiêm chủng và hướng dẫn theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Vận động đối tượng thuộc diện tiêm chủng đến các điểm tiêm chủng để tiêm vacxin Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế.
Sử dụng hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân để thực hiện đăng ký, quản lý đối tượng, theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng, báo cáo kết quả tiêm chủng và cấp giấy chứng nhận tiêm chủng.
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu bố trí thường trực cấp cứu xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng tại đơn vị và tổ chức các đội hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn. Tiếp nhận, xử trí, cấp cứu kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng khi có yêu cầu.
Việt Nam bắt đầu thực hiện chiến dịch Tiêm chủng mở rộng quốc gia vacxin phòng Covid-19 bắt đầu từ ngày 8/3 đến nay nhằm đảm bảo độ bao phủ vacxin cho toàn dân trong thời gian tới để chấm dứt đại dịch Covid-19, trở về trạng thái bình thường mới.