Ngày 5/3, tại Vườn quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã diễn ra giải "Chạy để bảo tồn động, thực vật hoang dã".
Đây là một trong các hoạt động trong khuôn khổ hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học do WWF phối hợp với Bộ NN-PTNT thực hiện, thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, diễn ra tại các tỉnh với chủ đề chính “Chung tay bảo tồn động, thực vật hoang dã" và hưởng ứng chiến dịch hưởng ứng Ngày động, thực vật hoang dã thế giới 3/3.
Giải năm nay thu hút hơn 500 vận động viên trong và ngoài nước tham gia.
Theo Ban tổ chức, sự tham gia của các vận động viên tại giải thi đấu lần đầu tiên này thể hiện sự cam kết và mong muốn của toàn xã hội được góp sức vào những nỗ lực của chính phủ Việt Nam, của các tổ chức trong nước và quốc tế, kêu gọi chấm dứt tình trạng buôn bán và tiêu thụ thịt động vật hoang dã.
Sự kiện cũng tạo ra một phong trào mạnh mẽ nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã thông qua hàng loạt các hoạt động truyền thông cộng đồng và các trò chơi tương tác.
Ban tổ chức đã trao tổng cộng 12 giải (6 giải nam và 6 giải nữ) cho cự ly thi đấu 13 km và 33 km.
Được biết, trong thời gian qua, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc dự án Quản lý Rừng Bền vững và Bảo tồn Đa dạng Sinh học (VFBC), do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID tài trợ, đang làm việc với các đối tác chính phủ và khối tư nhân để xây dựng những cam kết mạnh mẽ nhằm bảo tồn động, thực vật hoang dã.
Cho đến nay, dự án đã vận động tổng cộng 2.100 nhà hàng và cộng đồng địa phương ở vùng đệm của các khu bảo tồn ký cam kết “không tiêu thụ thịt thú rừng”.
Đồng thời, Cục Kiểm lâm, các ban quản lý rừng và nhân viên kiểm lâm và các đội tuần tra đang hợp tác để giảm thiểu các mối đe dọa trong rừng, đặc biệt là loại bỏ các bẫy dây vốn là mối đe dọa chính đối với động vật hoang dã trong nhiều thập kỷ.
“Chúng tôi kêu gọi các cá nhân, cộng đồng và các tổ chức hãy cùng chúng tôi lên tiếng và chung tay hành động chấm dứt tình trạng săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trái phép các sản phẩm từ các loài động, thực vật hoang dã, hướng tới xây dựng lối sống hài hòa với tự nhiên, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học’’, ông Vũ Văn Hưng, Giám đốc Dự án VFBC, Phó trưởng ban Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Chia sẻ tại giải chạy bộ, ông Nicholas Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học do USAID tài trợ cho rằng, dù Ngày động, thực vật hoang dã thế giới chỉ diễn ra duy nhất một ngày trong năm, nhưng tất cả chúng ta cần chung tay bảo tồn động, thực vật hoang dã 364 ngày còn lại nếu chúng ta muốn nhìn thấy động vật hoang dã trong tự nhiên trong tương lai. Một lựa chọn rất đơn giản: cùng chúng tôi ngăn chặn tiêu thụ động thực vật hoang dã bất hợp pháp, hay để chúng biết mất vĩnh viễn.
Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học (BCA) thuộc Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Các hoạt động của hợp phần này được thực hiện trong 5 năm, từ tháng 07/2020 - 06/2025. Hợp phần BCA nhằm duy trì, nâng cao chất lượng rừng và bảo vệ đồng thời duy trì ổn định các loài quần thể hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao.
Mục tiêu của dự án hướng đến 14 khu rừng đặc dụng và 7 khu rừng phòng hộ, liên kết các ban quản lý rừng trên toàn cảnh quan khu vực để duy trì độ che phủ rừng và kết nối các sinh cảnh quan trọng nhằm bảo vệ những loài động vật đặc hữu và nguy cấp ở Việt Nam.