| Hotline: 0983.970.780

Họp báo Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh

Thứ Hai 25/03/2024 , 14:50 (GMT+7)

Từ ngày 31/3-1/4/2024, tại TP. Hạ Long, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức 'Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh'.

Quang cảnh buổi họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo.

Ngày 25/3 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức Họp báo Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau”.

Hiện nay, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã ban hành một số chính sách, chương trình khuyến khích, thúc đẩy nuôi biển. Nhờ vậy, ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi, lồng bè, vật liệu mới), công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…

 

Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh được tổ chức với mục đích thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, tháo gỡ khó khăn trong cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chủ trì, dự kiến thu hút khoảng 300-350 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có đại diện tham tán, đại sứ quán và chuyên gia đến từ các quốc gia có thể mạnh về nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như: Astralia, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Hà Lan, UNDP, FAO, IUCN, FFW, SNV,...

Theo Cục Thủy sản, nghề nuôi biển phải phát triển theo hướng công nghệ cao, giảm phát thải, tăng trưởng xanh đúng như cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Hội nghị cũng sẽ giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đa giá trị, đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tổ chức phát triển bền vững nuôi biển tỉnh Quảng Ninh trong những năm tới.

Buổi họp báo do Báo Nông nghiệp Việt Nam - đơn vị bảo trợ truyền thông của Hội nghị - tổ chức thông tin về nội dung, giới thiệu các hoạt động liên quan, cũng như các cam kết, thông điệp, định hướng và mục tiêu của chương trình.

 
Phóng viên các cơ quan báo chí tham dự họp báo.

Phóng viên các cơ quan báo chí tham dự họp báo.

Tất cảTổng thuật

17 giờ 00 phút

Chung tay lan tỏa truyền thông chính sách ngành nuôi biển

anh Thach 1

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, kỳ vọng về sự lan tỏa truyền thông chính sách nuôi biển bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, cảm ơn các nhà báo, phóng viên đã quan tâm đến Hội nghị. Ông kỳ vọng rằng các cơ quan báo chí, truyền thông cùng lan tỏa truyền thông chính sách nuôi biển bền vững, cổ vũ tư duy phối hợp liên ngành để tạo giá trị gia tăng cho các cộng đồng ven biển.

Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Thạch bày tỏ: “Chúng ta nuôi biển, chúng ta nuôi bờ, chúng ta nuôi và xây dựng một hệ sinh thái kinh tế môi trường biển cho hôm nay và cho thế hệ mai sau. Một lần nữa, xin được cảm ơn các nhà báo đã tham dự buổi họp báo về Hội nghị. Chúng tôi rất mong nhận được những câu hỏi, chia sẻ cũng như sự đồng hành của các bạn”.

16 giờ 30 phút

Ngành nuôi biển cần thiết lập cơ chế và chính sách bảo hiểm phù hợp

nuoi bien

Kết nối các đơn vị trong chuỗi ngành hàng nuôi biển sẽ chặt chẽ hơn nếu biển trở thành tài sản của cộng đồng ngư dân ven biển hoặc doanh nghiệp (Ảnh minh họa).

Trả lời sâu hơn câu hỏi của các nhà báo về chính sách bảo hiểm cho ngành nuôi biển, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, hiện nước ta đã có thí điểm bảo hiểm tôm và cá tra. Về lâu dài, đây sẽ là nền tảng để Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành liên quan tạo điều kiện để doanh nghiệp nuôi biển đăng ký các gói bảo hiểm phù hợp.

Cục trưởng Trần Đình Luân mong muốn Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đóng góp, phối hợp phát triển các quy chuẩn và tiêu chuẩn về lồng bè nuôi, làm cơ sở cho việc thiết lập cơ chế và chính sách bảo hiểm phù hợp. Ông lưu ý rằng việc này cần được thực hiện ngay lập tức vì ngành nuôi biển có thể được coi là một loại đầu tư mạo hiểm với rủi ro cao.

Trao đổi, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nêu ví dụ về tiếp cận của Na Uy cho ngành nuôi biển. Ông Dũng nói: “Tại Na Uy, doanh nghiệp phải đấu thầu khu vực nuôi biển và thậm chí phải đưa biển vào thế chấp tài chính để nuôi biển. Như vậy, có lẽ Việt Nam cần xem xét độ phù hợp của tiếp cận này, qua đó tạo môi trường phát triển cho ngành nuôi biển”.

Ông Dũng cho rằng, kết nối các đơn vị trong chuỗi ngành hàng nuôi biển sẽ chặt chẽ hơn nếu biển trở thành tài sản của cộng đồng ngư dân ven biển hoặc doanh nghiệp.

16 giờ 20 phút

Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

ong minh son 1

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, trả lời câu hỏi của các phóng viên tại họp báo.

Trả lời câu hỏi của nhà báo Đỗ Hương về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết tỉnh làm rất kỹ nội dung này thông qua các nghị quyết như Nghị quyết về phát triển bền vững ngành du lịch, Nghị quyết về phát triển bền vững ngành thủy sản để tránh sự xung đột giữa các ngành.

Ông Sơn cho rằng việc quy hoạch phải đảm bảo ngành nuôi biển không có sự vướng mắc vào các khu vực dành cho du lịch hay  tại khu vực. Ông cũng khẳng định Quảng Ninh đã làm chặt chẽ trong quản lý quy hoạch để chống chồng chéo. Quảng Ninh cũng cho biết tỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản đến từng thôn, tất cả các hộ nuôi biển đều được rà soát. Từ đó, những hộ dự kiến chuyển đổi nghề có thể được giao khu vực biển để chuyển từ khai thác sang nuôi trồng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Chu Khôi, Thời báo Kinh tế, về giống và thức ăn trong ngành nuôi biển, ông Trần Đình Luân cho biết, đối tượng nuôi biển được xác định rõ ràng kể từ Quyết định 1664/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ví dụ, Quảng Ninh có đối tượng hàu và phát triển mô hình kết hợp nuôi hàu và rong biển, hoặc cá chim, cá song, cá hồng.

Về giống, ông Luân cho biết, điểm nghẽn lớn nhất là đưa quy mô sản xuất con giống vào công nghiệp. Theo đó, cần kết hợp khối viện, trường với sự tham gia của doanh nghiệp để nghiên cứu, triển khai con giống ở quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, cần sự hợp tác để nghiên cứu về nguyên liệu thân thiện với môi trường, gắn với phát thải thấp, đảm bảo hệ số chuyển đổi thức ăn thấp nhất thải ra mô trường cũng như lồng ghép các đối tượng trong vòng tuần hoàn, chu kỳ dinh dưỡng….

16 giờ 10 phút

6 khó khăn của ngành nuôi biển

ong nguyen huu dung

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam trả lời câu hỏi của báo chí và nêu một số vấn đề cần giải đáp với chủ tọa họp báo.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đảng Cộng sản về những vướng mắc trong thu hút doanh nghiệp đầu tư nuôi biển, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng giải thích, doanh nghiệp nuôi biển hiện đối mặt với 6 khó khăn chính.

Ông nhận định: “Một trong những khó khăn chính là đến thời điểm này, chưa có địa phương nào giao được vùng biển cho doanh nghiệp và ngư dân quản lý. Đây là rào cản lớn, khiến cho doanh nghiệp khó có thể đầu tư vào lĩnh vực này do vấn đề liên quan đến giấy phép và pháp lý. Nhiều doanh nghiệp đã phải đối mặt với khó khăn kéo dài nhiều năm”.

Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam thông tin thêm, Hiệp hội đã tiếp nhận hàng chục khuyến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp với mong muốn giải quyết những trở ngại này. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự kết nối hiệu quả giữa các Bộ, ngành về chính sách nuôi biển.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chuyên môn cho ngành nuôi biển còn hạn chế do chưa có ngành đào tạo chuyên sâu về nuôi biển. Bộ NN-PTNT cũng chưa có chương trình khuyến ngư cho người dân ven biển tiếp cận công nghệ cao. Thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi biển cũng gây ra tình trạng không có đơn vị nào đăng ký cho trại nuôi biển. Mặt khác, thiếu bảo hiểm và rủi ro cao nên nhiều doanh nghiệp do dự, chưa dấn thân cho ngành nuôi biển bền vững.

Theo ông Dũng, việc thu hút đầu tư cho ngành nuôi biển còn đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành cũng như giải pháp chính sách linh hoạt và hiệu quả từ các cấp quản lý địa phương.

16 giờ 00 phút

Tích hợp nuôi trồng thủy sản với các ngành kinh tế khác

ong luan

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), trả lời câu hỏi của các nhà báo.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về hội nghị, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, Hội nghị nuôi biển là một sự kiện lớn, quy tụ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp.

Theo ông Luân, đây là một hội nghị giúp mở ra góc nhìn từ tỉnh Quảng Ninh - địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nuôi biển, nhờ quyết tâm điều chỉnh, quy hoạch nghề nuôi biển theo hướng mang lại đời sống tốt hơn cho người nông dân và bảo vệ vùng biển xanh, phát triển nghề cá. Đây cũng là cơ hội để các bên tham gia học hỏi kinh nghiệm, công nghệ nuôi biển mới từ các doanh nghiệp và các tổ chức quốc quốc tế. Từ đó, có những suy nghĩ, hướng tiếp cận mới để định hướng và chỉ đạo sản xuất.

Ông Luân cho rằng không gian phát triển nuôi nuôi trồng thủy sản không nên bị bó hẹp bởi những quy hoạch “đã tô đậm” mà cần vượt ra ranh giới, tích hợp cùng với các ngành kinh tế khác như du lịch. Bên cạnh đó, nghề nuôi biển cũng hướng tới các hoạt động giảm phát thải, tăng trưởng xanh, theo cam kết của Việt Nam trên trường quốc tế.

15 giờ 50 phút

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp quản lý biển

Nhập chú thích ảnh

Mục tiêu cao nhất của Quảng Ninh là phát triển bền vững ngành nuôi biển (Ảnh minh họa).

Trả lời câu hỏi báo chí về việc phân vùng nuôi biển và giao cho các doanh nghiệp quản lý, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh khẳng định, mục tiêu cao nhất của địa phương này là phát triển bền vững ngành nuôi biển.

Ông Sơn nhấn mạnh, mục tiêu của Quảng Ninh là thu hút đầu tư và tạo ra sản phẩm mới cho du lịch biển, tận dụng tài nguyên phong phú mà tỉnh sở hữu. Quảng Ninh đã xác định lợi thế của tỉnh trong phát triển ngành nuôi biển, với chủ trương tránh mâu thuẫn với ngành du lịch mà thay vào đó tạo ra giá trị gia tăng.

Về phân vùng nuôi biển, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã thực hiện và giao vùng biển trong thời hạn 30 năm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp quản lý, năm qua, Quảng Ninh tập trung lực lượng xử lý môi trường biển. Khu vực biển hiện nay được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và áp dụng quy chuẩn hoạt động nuôi biển cao hơn.

Ngoài ra, tỉnh cũng tiến hành nghiên cứu cơ chế và chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương, dựa trên các quy định của Chính phủ, Trung ương.

15 giờ 40 phút

8 trọng tâm thúc đẩy ngành nuôi biển Quảng Ninh

ong minh son

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, chia sẻ về tiềm năng nuôi biển của tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, 40.000ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh…

Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, đến nay, ngành nuôi trồng thủy sản trên biển của Quảng Ninh đạt được những kết quả nhất định. Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 42.292ha; trong đó: nuôi nội địa đạt 32.092ha, nuôi biển đạt 10.200ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 175.324,6 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 81.608,5 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 93.716,1 tấn. Giá trị sản xuất đạt 6.943,9 triệu đồng, giá trị tăng thêm đạt 3.929,6 triệu đồng chiếm gần 50% giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh nuôi biển, tỉnh Quảng Ninh tập trung sẽ tập trung Ban hành Đề án phát triển bền vững nuôi biển; Hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi biển; Đầu tư, đồng bộ hạ tầng nuôi biển; Chính sách khuyến khích, vận động, hỗ trợ các hộ dân để chuyển đổi sang nuôi biển quy mô lớn và áp dụng khoa học kỹ thuật cao; Tổ chức giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân có khả năng để khai thác nguồn lợi từ biển; Tăng cường năng lực cho công tác quản lý và đào tạo nhân lực có tay nghề; Phát triển nuôi biển gắn với các ngành kinh tế khác như du lịch để phát huy và khai thác đa giá trị; Thu hút các nhà đầu tư lớn dẫn dắt chuỗi giá trị của ngành hàng thủy sản.

Ông Nguyễn Minh Sơn cho biết, ngày 31/3 - 1/4 tới, UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh”, nhân kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 – 1/4/2024). Sự kiện nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh; nhận diện tình hình nuôi biển trên Thế giới và trong nước hiện nay; triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh mong muốn giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đa giá trị; đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức phát triển bền vững nuôi biển tỉnh Quảng Ninh trong những năm tới.

Sự kiện cũng nhằm công bố khu vực biển để thu hút đầu tư nuôi biển và ký cam kết MOU hợp tác phát triển nuôi biển với một số nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế. Nhận diện được những tồn tại, vướng mắc trong thủ tục pháp lý của nhà nước trong việc triển khai nuôi trồng thủy sản trên biển, bàn giải pháp tháo gỡ. Hội nghị cũng tổ chức triển lãm, giới thiệu những thành tựu công nghệ, thiết bị nuôi biển, những sản phẩm OCOP và sản phẩm thủy sản tỉnh Quảng Ninh.

15 giờ 30 phút

Xây dựng hệ sinh thái kinh tế môi trường biển bền vững

anh Thach

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu khai mạc họp báo.

Phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam khẳng định: “Có thể nói, đây là một trong những hội nghị quy mô và tầm cỡ nhất về nuôi biển từ trước tới nay tại Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên, cầu nối thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư hệ thống hạ tầng logistics phục vụ nuôi biển công nghiệp trong thời gian tới”.

Với thông điệp Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát động: “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau”, Ban Tổ chức Hội nghị mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông cùng lan tỏa ý nghĩa của Hội nghị, qua đó khẳng định cam kết, vai trò của Việt Nam với quốc tế trong việc gìn giữ hệ sinh thái biển, đảm bảo hài hòa sinh kế của người dân.

Việt Nam là quốc gia có 3 mặt giáp biển, thiên nhiên ưu đãi nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển và nuôi biển đã được Chính phủ, Bộ NN-PTNT xác định là một trong những mũi nhọn ưu tiên và đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 1664 ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, phát triển nuôi biển tại nước ta còn gặp nhiều hạn chế về cơ chế chính sách; khoa học công nghệ; liên kết sản xuất; nguồn lực đầu tư và vấn đề cấp mã số vùng nuôi phục vụ phát triển nuôi biển bền vững.

Với mong muốn có cách nhìn toàn diện hơn về nuôi biển, từ tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức và tìm kiếm giải pháp, Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh mong muốn là cầu nối để các bên liên quan cùng nhau đánh giá, nhìn nhận thực trạng tổng quan nuôi biển tại Việt Nam, mục tiêu cao nhất là góp phần phát triển ngành hàng nuôi biển bền vững.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 4 chương trình hành động thúc đẩy nông nghiệp bền vững

Tại Diễn đàn Hợp tác Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 4 chương trình hành động, giải quyết thách thức toàn cầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.