| Hotline: 0983.970.780

1 giấy phép nuôi biển vướng 6 bộ, ngành

[Bài 1] 7 năm trời vật vã xin giấy phép nuôi biển

Thứ Hai 25/03/2024 , 07:30 (GMT+7)

'Khát vọng lớn, quyết tâm cao, tuy nhiên những rào cản cơ chế chính sách đang giống như chiếc vòng kim cô siết chặt giấc mơ nuôi biển của chúng tôi vậy', Hải Bình nói.

LTS:

Trong thế kỷ của biển và đại dương, Việt Nam mang khát vọng trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Để khát vọng đó thành hiện thực, các chiến lược, đề án của Trung ương đã xác định nuôi biển chính là một trong những chiến lược, giải pháp và là xu thế tất yếu nhằm phát huy lợi thế quốc gia rừng vàng - biển bạc.

Tuy nhiên thực tiễn nuôi biển ở các địa phương hiện nay đang gặp phải nhiều rào cản về pháp lý, chồng chéo về quy hoạch, cơ chế chính sách khiến khát vọng mở biển đang gặp khó.

Loạt bài này của Báo Nông nghiệp Việt Nam là những ghi chép, phản ánh chân thực ở Quảng Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang… những trung tâm nuôi biển của quốc gia với hi vọng góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, đưa nuôi biển Việt Nam trở thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao.

Xin giấy phép nuôi biển - đụng đâu vướng đó

7 năm rồi, chị Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group (Công ty CP Tập đoàn nhựa Super Trường Phát) cứ nhắc đi nhắc lại mãi quãng thời gian ấy trên chiếc thuyền máy đưa chúng tôi ra vùng nuôi biển quanh đảo Phất Cờ, thuộc xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Nghề nuôi biển ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Kiên Trung. 

Nghề nuôi biển ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Kiên Trung. 

Dáng người nhỏ nhắn, nói như thể kêu gào giữa bao la sóng biển, thật không nhiều người có thể hình dung là làm sao người phụ nữ này lại có thể kiên gan với vùng biển này đến vậy.

Bài liên quan

Ngoài đó, ven đảo Phất Cờ, giữa vịnh Bái Tử Long, tự bao đời nay đã là vùng đánh bắt chài lưới, sau này tôm cá ngoài biển ít dần, chi phí đi biển cao nên dân dần chuyển sang nuôi biển. Cả một vùng nuôi trồng rộng lớn, dân hết nuôi tu hài, ốc hương lại chuyển sang nuôi cá song, nuôi ngao…

Như thể đã thành quy luật vậy. Giá lên thì đổ xô vào nuôi, cắm hết nhà cửa vay mượn ngân hàng để nuôi. Một vài vụ đầu trúng lớn sau đó thì rớt giá, vỡ nợ, nhà cửa mất mà thuyền bè lắm lúc cũng không giữ được. Mấy năm gần đây phát triển mạnh nghề nuôi hàu.

Từ quy trình sản xuất, liên kết, thị trường đã bài bản hơn so với trước nhưng dù sao vẫn cứ là bấp bênh. Giữa vịnh Bái Tử Long, hàng trăm trang trại hàu nổi lềnh bềnh trên mặt nước, những dây trông xa như hàng ngàn vạn con tàu chiến vẫn thường thấy trong những bộ phim cổ trang, dã sử.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã có quy hoạch nhiều vùng biển ở Bản Sen, Hạ Long, Thắng Lợi, Minh Châu… của huyện Vân Đồn trở thành vùng nuôi biển trọng điểm. Tổng toàn huyện có khoảng hơn 23,8 nghìn ha diện tích mặt nước được xác định có tiềm năng nuôi biển, trong đó vùng trong phạm vi 3 hải lý là hơn 11 nghìn ha, vùng ngoài 6 hải lý hơn 3 nghìn ha. Chiến lược nuôi biển tập trung vào 2 đối tượng nuôi chính là nhuyễn thể và cá biển. Xác định nuôi biển là ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt với những địa phương nhiều lợi thế như Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch vùng nuôi và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, những vướng mắc, rào cản về pháp lý đang là rào cản lớn khiến giấc mơ mở biển vẫn chưa thành.

Theo tiếng gọi của các cấp các ngành tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Thị Hải Bình và Tập đoàn STP đến với vùng biển Vân Đồn từ năm 2017. Cũng ngay trong năm đó HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ được thành lập. Chung khát vọng, mục tiêu, họ đã liên kết với nhau để triển khai mô hình nuôi biển bền vững.

Nhờ sự hậu thuẫn về công nghệ, nguồn vốn, quy trình kỹ thuật từ STP, HTX Phất Cờ là đơn vị đầu tiên ở Quảng Ninh thay thế giàn, bè, phao nuôi trồng thủy sản truyền thống bằng tre, bằng xốp để chuyển sang sử dụng vật liệu HDPE thân thiện với môi trường. Cũng là HTX đầu tiên xây dựng trang trại nổi trên diện tích 8 ha, có nhà điều hành, lồng phục vụ khách tham quan, lồng nuôi trồng thủy sản xen canh, đa canh…

Chị Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc STP Group. Ảnh: Kiên Trung. 

Chị Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc STP Group. Ảnh: Kiên Trung. 

Từ những người nuôi biển bấp bênh, luôn bất an khi phải đối mặt với hàng loạt rủi ro về pháp lý, dịch bệnh, môi trường, thị trường… dần dà những thành viên trong HTX Phất Cờ cùng với STP xây dựng thành công mô hình nuôi rong sụn xen canh với hàu Thái Bình Dương.

Giám đốc Nguyễn Sỹ Bính cùng những thành viên HTX Phất Cờ chia sẻ, mỗi năm nuôi trồng 3 vụ rong sụn với sản lượng đạt 70-100 tấn/ha/năm. Phía STP hỗ trợ, ưu đãi bà con về vật tư, giá thể, hỗ trợ giống và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Trong trường hợp thị trường giá cao hơn 10% so với cam kết, bà con có thể tự do mua bán, nhờ đó mỗi thành viên hợp tác xã thu hơn 1 tỷ đồng/xã viên/năm, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng.

Trang trại nuôi biển và trải nghiệm. Ảnh: Kiên Trung. 

Trang trại nuôi biển và trải nghiệm. Ảnh: Kiên Trung. 

Phất Cờ còn xây dựng mô hình kết hợp nuôi trồng thủy sản với trải nghiệm du lịch cộng đồng và nhanh chóng trở thành HTX kiểu mẫu ở tỉnh Quảng Ninh. Từ năm 2020 đã xây dựng thành công chuỗi liên kết khép kín từ nuôi trồng, chế biến đến thị trường với hàu sữa. Năm 2022 thành công chuỗi xen canh hàu sữa với rong sụn…

Một viễn cảnh xem chừng rất tươi đẹp, ấy thế mà Nguyễn Thị Hải Bình lại tâm tư: Không khéo Phất Cờ thành “trở cờ” vì loạt khó khăn vướng mắc đang gặp phải.

Nuôi xen canh rong sụn và hàu Thái Bình Dương mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Kiên Trung. 

Nuôi xen canh rong sụn và hàu Thái Bình Dương mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Kiên Trung. 

Thực hiện Quy hoạch nuôi biển và các chính sách thu hút đầu tư nuôi biển của tỉnh Quảng Ninh, STP Group là một trong những doanh nghiệp tiên phong lập hồ sơ dự án trình các cấp xin được cấp phép giao biển trong vùng quy hoạch ở Vân Đồn, Cẩm Phả và Hạ Long.

Từ những thành công với mô hình nuôi xen canh rong sụn và hàu sữa, mô hình nuôi cá ở vịnh Bái Tử Long, Nguyễn Thị Hải Bình mang mục tiêu sẽ nhân rộng các chuỗi liên kết và phát triển nuôi biển theo quy mô công nghiệp. 318 ha ở Cẩm Phả, 120 ha ở Hạ Long và 96 ha ở Vân Đồn, người phụ nữ có dáng nhỏ nhắn này tin tưởng với tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và khoa học kỹ thuật STP đang có chắc chắn sẽ thành công. Thế nhưng 7 năm trời ròng rã ngược xuôi vẫn chưa thể ra được giấy phép bởi “vướng đủ đường”.

“Quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh đã chỉ rõ từng khu vực nuôi biển và phân định thẩm quyền giao biển từ huyện, tỉnh đến các bộ ngành. Chúng tôi cũng đã lập hồ sơ và đi xin ý kiến từng cơ quan một theo quy định, tuy nhiên đến nay vẫn như con dã tràng xe cát, chưa có kết quả gì”, Tổng Giám đốc STP nói như muốn khóc.

7 năm bám biển Vân Đồn vẫn chưa xin được giấy phép nuôi biển. Ảnh: Kiên Trung. 

7 năm bám biển Vân Đồn vẫn chưa xin được giấy phép nuôi biển. Ảnh: Kiên Trung. 

Cũng cần nói thêm, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong thực hiện Nghị định 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Cùng với đó là loạt chính sách thu hút đầu tư, thành lập ban chỉ đạo, các tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm đánh thức tiềm năng nuôi biển. Tuy nhiên việc cấp giấy phép nuôi biển theo quy định còn quá nhiều khó khăn, đặc biệt là ở những vùng nuôi mang tính đặc thù.

“Ở các dự án STP đang thực hiện, dù thẩm quyền cấp là của UBND tỉnh nhưng ít nhất phải xin ý kiến của các bộ, ngành gồm có: Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ NN-PTNT, Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…

Khó khăn nhất ở chỗ đến Bộ NN-PTNT thì yêu cầu ý kiến Bộ TN-MT, đi sang Bộ TN-MT thì lại yêu cầu giấy phép, ý kiến chấp thuận của các bộ, ngành khác. Chưa kể  một số khu vực quy hoạch thực hiện dự án nằm ngoài 6 hải lý, thuộc vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới thì thẩm quyền phải lên cả Thủ tướng nên rất khó khăn cho các nhà đầu tư”, Tổng Giám đốc STP kêu khó.

“Vòng kim cô” nuôi biển

Song song với thực hiện các dự án nuôi biển ở Quảng Ninh, STP Group cũng lập hồ sơ trình xin dự án nuôi biển ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận… Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hải Bình ví von: Nếu mang các bộ hồ sơ xin cấp phép nuôi biển cân lên chắc phải gấp mấy lần cân nặng của tôi chứ chả ít. Nuôi biển là lĩnh vực đặc thù, mặc dù nhìn thấy cơ hội, tiềm năng lớn nhưng cùng với đó là một loạt vấn đề như suất đầu tư lớn, công tác thẩm định các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường, mật độ, năng suất, sản lượng đến kết cấu lồng bè nuôi… cùng với sự chồng chéo, phức tạp của các quy định đang ngăn cản khát vọng mở biển của các nhà đầu tư.

Chưa có giấy phép nuôi biển thì cả doanh nghiệp lần hợp tác xã, người dân sẽ không có cơ sở pháp lý để đầu tư. Ảnh: Kiên Trung. 

Chưa có giấy phép nuôi biển thì cả doanh nghiệp lần hợp tác xã, người dân sẽ không có cơ sở pháp lý để đầu tư. Ảnh: Kiên Trung. 

Về các khoản đầu tư vào nuôi biển, chị Bình chia sẻ: Chỉ tính riêng tiền đổ vào Vân Đồn để hỗ trợ người dân chuyển đổi vật liệu nuôi biển, giống, khoa học kỹ thuật, cải tạo môi trường để xây dựng thành công các chuỗi liên kết nuôi xen canh rong sụn và hàu đã lên đến mấy chục tỷ đồng rồi. Chưa kể các khoản đầu tư hạ tầng, lồng bè để kết hợp với du lịch, các khoản rủi ro do dịch bệnh, thị trường các nhà đầu tư đều phải gánh chịu hết.

Lo lắng nhất là chuỗi liên kết bao nhiêu năm gầy dựng có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Lý do là vì chưa có giấy phép nuôi biển thì cả doanh nghiệp lần hợp tác xã, người dân sẽ không có cơ sở pháp lý để đầu tư. Ngoài ra các doanh nghiệp chế biến, các doanh nghiệp tiêu thụ cũng không dám đặt hàng mặc dù thị trường đang có rất nhiều lợi thế.

Quy hoạch nuôi biển ở tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Kiên Trung. 

Quy hoạch nuôi biển ở tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Kiên Trung. 

Cả huyện Vân Đồn đến nay đã có hơn 65 hợp tác xã thủy sản, trong đó nhiều hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp để cùng nhau sản xuất theo đơn đặt hàng của thị trường xuất khẩu. Từ kích cỡ, chủng loại, sản lượng, mùa vụ, mã số vùng nuôi… đều có lợi thế rất lớn. Tuy nhiên cơ sở pháp lý đang còn bấp bênh, thiếu giấy phép nuôi biển giống như vòng kim cô siết chặt cộng đồng nuôi biển ở Vân Đồn vậy.

Tính ra cả tỉnh Quảng Ninh, với bờ biển dài 250 km chạy dọc từ Móng Cái đến Quảng Yên, diện tích vùng nuôi biển hơn 45.000 ha, vùng đất mỏ xác định nuôi biển là ngành kinh tế mũi nhọn. Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định Quảng Ninh sẽ là trung tâm nuôi biển của quốc gia. Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cũng đã công bố tài liệu thu hút đầu tư nuôi biển. Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà đến Vân Đồn, Cô Tô, Quảng Yên… Tổng diện tích thu hút vào khoảng 13,4 nghìn ha, nhưng đến nay vẫn chưa một nhà đầu tư nào được cấp giấy phép cả.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm