| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác Nam - Nam thúc đẩy chuỗi giá trị lúa gạo toàn cầu

Thứ Tư 13/12/2023 , 10:16 (GMT+7)

Sáng 13/12, trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 đã diễn ra Hội thảo Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới.

Ông Aziz Arya, Chuyên viên Phụ trách Hợp tác Nam - Nam và Hợp tác Ba bên tại Văn phòng FAO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ tại Hội thảo Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới.

Ông Aziz Arya, Chuyên viên Phụ trách Hợp tác Nam - Nam và Hợp tác Ba bên tại Văn phòng FAO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ tại Hội thảo Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới.

Tại Hội thảo Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới, ông Aziz Arya, Chuyên viên Phụ trách Hợp tác Nam - Nam và Hợp tác Ba bên tại Văn phòng FAO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra tổng quan về tình hình hiện tại, những thách thức mà ngành công nghiệp đang đối mặt cũng như vai trò của Hợp tác Nam - Nam, Hợp tác Ba bên trong thúc đẩy chuỗi giá trị lúa gạo toàn cầu.

Ông Arya lưu ý rằng gạo chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị thực phẩm toàn cầu, là nguồn lương thực chủ yếu cho hơn 3,5 tỷ người, chiếm khoảng 20% nguồn cung năng lượng toàn cầu. Trong khu vực châu Á, tiêu thụ gạo chiếm tới 70% lượng calo hấp thụ mỗi ngày. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp này đang đối mặt với những thách thức đáng kể.

Trong khi chuỗi giá trị lúa gạo đang phát triển, ngành hàng này đối mặt với những vấn đề như thay đổi nhân khẩu học làm tăng nhu cầu về thực phẩm đa dạng và chất lượng cao. Biến đổi khí hậu cũng gây ra tác động lớn đến nguồn nước, đất đai, và tăng cường tình trạng thảm họa tự nhiên và sự gia tăng của các loại bệnh sâu bệnh.

Ông Arya mô tả khoảng cách công nghệ giữa các quốc gia và khu vực ngày càng lớn, gây ra khó khăn trong việc phân phối tài nguyên một cách hiệu quả và bền vững. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng đầu tư vào nghiên cứu và khuyến nông vẫn còn hạn chế, và biến động trên thị trường và chuỗi cung ứng không hiệu quả.

Để vượt qua những thách thức này, ông Arya đề xuất một số biện pháp chính sách trong các khâu sản xuất, chế biến, thị trường và thương mại, và tiêu thụ. Ông nhấn mạnh về sự quan trọng của khuyến nông và nghiên cứu về giống lúa, đất trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, đại diện FAO cũng đề xuất tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư hợp tác công tư trong lĩnh vực chế biến. Việc xúc tiến đầu tư hạ tầng cơ sở và tạo điều kiện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cũng cần được thúc đẩy.

Trong phần chia sẻ về hiệu quả của Hợp tác Nam - Nam và Hợp tác Ba bên trong chuỗi giá trị lúa gạo, ông Arya nhấn mạnh rằng chương trình này đạt được hiệu quả tích cực ở mọi giai đoạn trong chuỗi cung ứng. Ví dụ, tại giai đoạn sản xuất, Hợp tác Nam - Nam có thể cải thiện chuỗi cung ứng đầu vào, hệ thống hạt giống và kết nối các tổ chức cung cấp dịch vụ cho nông dân. Chương trình cũng hỗ trợ việc thúc đẩy hợp tác công tư trong giai đoạn chế biến và tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận công nghệ. Ngoài ra, ông nêu rõ rằng chương trình còn giúp chia sẻ kỹ thuật trong giai đoạn phân phối và tiêu thụ, thúc đẩy tiếp cận nguồn vốn và tích hợp ngang dọc hạ tầng thị trường từ nông trường đến thị trường, bán lẻ, bán buôn, và xuất khẩu.

Đại diện các tổ chức quốc tế tham quan tại chương trình trình diễn cơ giới hóa nông nghiệp, một phần của Festival lúa gạo.

Đại diện các tổ chức quốc tế tham quan tại chương trình trình diễn cơ giới hóa nông nghiệp, một phần của Festival lúa gạo.

Trước đó, tại Hội thảo Đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi: Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực”, các chuyên gia nông nghiệp cũng chia sẻ về tiềm năng "cách mạng hóa" lúa gạo thông qua cơ chế Hợp tác Nam - Nam, Hợp tác Ba Bên.

Giám đốc IRRI khu vực châu Á Jongsoo Shin khẳng định: “Hợp tác Nam - Nam có tiềm năng cách mạng hóa sản xuất lúa gạo ở châu Á và châu Phi. Từ góc nhìn tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế, chúng tôi kêu gọi các quốc gia trao đổi kiến thức, nguồn lực, cách thực hành nông nghiệp tân tiến nhất. Nỗ lực hợp tác sẽ cải thiện an ninh lương thực toàn cầu, xây dựng tương lai bền vững hơn cho hàng triệu người nông dân trồng lúa”.

Ông Oemar Idoe, Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức GIZ (Đức), đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong hợp tác Nam - Nam, những chia sẻ của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với các nước châu Phi.

Theo ông Oemar Idoe, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc về sản xuất lúa gạo, có những những kinh nghiệm lớn về lĩnh vực này có thể chia sẻ với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước châu Phi trong quan hệ hợp tác Nam - Nam. Đây là sự cần thiết bởi vai trò của Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về sản xuất lúa gạo; các nước châu Phi học hỏi được nhiều từ những chia sẻ của Việt Nam trong các mối quan hệ, hợp tác về phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.