| Hotline: 0983.970.780

Hội thảo Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực

Thứ Ba 12/12/2023 , 13:26 (GMT+7)

Hậu Giang Chiều 12/12, Bộ NN-PTNT, FAO và IRRI đồng tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi: Hợp tác Nam – Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực.

Hội thảo chiều 12/12 có sự tham gia của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bí thư Nghiêm Xuân Thành cùng nhiều lãnh đạo Trung ương, địa phương.

Hội thảo chiều 12/12 có sự tham gia của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bí thư Nghiêm Xuân Thành cùng nhiều lãnh đạo Trung ương, địa phương.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, được tổ chức từ ngày 11 đến 15/12 năm 2023 tại tỉnh Hậu Giang. Mục tiêu của Hội thảo nhằm thúc đẩy đối thoại về quy mô, phương thức, hiệu quả hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và một số quốc gia châu Phi thông qua chia sẻ kinh nghiệm về hợp tác Nam – Nam trong phát triển thương mại lúa gạo, kết nối chuỗi giá trị thực phẩm nông sản và an ninh lương thực toàn cầu.

Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, Phó Giám đốc GIZ Việt Nam Oemar Idoe cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố; đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện cơ quan nông nghiệp của một số quốc gia châu Phi.

Hội thảo Đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi, Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực.

Hội thảo Đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi, Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực.

Sự kiện này là cơ hội để các bên trao đổi thực tiễn hợp tác, xác định các phương thức hữu hiệu về trao đổi kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm phát triển hệ thống thực phẩm và chuyển đổi nông nghiệp giữa Việt Nam và một số nước Châu Phi.

Nội dung chính của hội thảo là thảo luận về cơ chế thúc đẩy sự hợp tác về khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện của châu Phi; tăng cường kết nối chuỗi giá trị nông sản thực phẩm Nam - Nam; thúc đẩy hợp tác Nam - Nam cho thương mại lúa gạo và an ninh lương thực toàn cầu; hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và các nước châu Phi trong nỗ lực chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm và chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển lúa gạo bền vững trong Hợp tác Nam - Nam từ Dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh- GIC”.

Phiên đối thoại theo chuyên đề và thảo luận sẽ mang tới những góc nhìn đa chiều về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, bao gồm thách thức, cơ hội cũng như vai trò của Hợp tác Nam – Nam trong việc thu hẹp các khoảng trống kiến thức kỹ thuật.

Kết thúc Hội thảo là lễ ký kết giữa Bộ NN-PTNT và đại diện FAO tại Sierra Leone về Hợp tác Dự án Nam - Nam; lễ ký kết Ý định thư giữa Bộ NN-PTNT và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) về phối hợp khoa học, kỹ thuật và thể chế trong Hợp tác Nam - Nam nhằm Hỗ trợ Chuyển đổi Hệ thống lương thực, thực phẩm.

Các đại biểu dự cuộc Tọa đàm về hợp tác Việt Nam - châu Phi hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực.

Các đại biểu dự cuộc Tọa đàm về hợp tác Việt Nam - châu Phi hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực.

 
Rất đông các đại biểu quốc tế tham gia hội thảo.

Rất đông các đại biểu quốc tế tham gia hội thảo.

Tất cảTổng thuật

16 giờ 50 phút

Kinh nghiệm thu hút giới trẻ làm nông nghiệp

dai dien chau phi

Bà Barbra Muzata đặt câu hỏi về sự tham gia của giới trẻ trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Tại phần tọa đàm, bà Barbra Muzata, một đại biểu của châu Phi, đặt vấn đề với các chuyên gia: Giới trẻ châu Phi không quan tâm nhiều đến hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bà đề nghị các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thu hút giới trẻ, làm thế nào để giữ chân giới trẻ gắn bó với nông nghiệp?

PGS.TS Bùi Bá Bổng cho biết, đây cũng là tình trạng ở Việt Nam, giới trẻ Việt Nam hiện nay cũng đang có xu hướng không quan tâm tới nông nghiệp và thường tìm sang cách lĩnh vực, ngành nghề khác. Ông cho biết, độ tuổi trung bình của nông dân Việt Nam hiện nay là trên 60 tuổi. Nhiều quốc gia khác cũng đang tìm giải pháp để giữ chân, thu hút giới trẻ tham gia lĩnh vực nông nghiệp.

PGS.TS Bùi Bá Bổng cho biết, giải pháp số 1, trước tiên là cần hiện đại hóa nông nghiệp. “Giới trẻ không thể làm nông nghiệp giống như ông bà, bố mẹ trước đây đã làm. Sản xuất nông nghiệp bây giờ đâu phải thò chân xuống ruộng đâu. Nếu ta có công nghệ tốt và có những doanh nghiệp nông dân, nói cách khác là nông dân kinh doanh, có thu nhập nhiều hơn thì họ sẽ hứng thú hơn. Nếu cứ làm như xưa thì giới trẻ sẽ không bao giờ đến với nông nghiệp. Đó cũng là định hướng Chính phủ Việt Nam”, ông Bổng cho biết.

Ông Bổng chia sẻ thêm: “Ở góc độ thực tế tôi có cách tiếp cận khác. Khu vực phía Bắc của Việt Nam, nông dân chủ yếu là phụ nữ. Còn ở miền Nam, nơi có 90% gạo xuất khẩu thì nông dân lại trẻ hơn. Điều quan trọng là chúng ta phải khích lệ họ trở thành doanh nhân, khích lệ họ trở thành những doanh nghiệp nhỏ về lúa gạo, phải hợp tác, phải có sự liên kết nếu như ai cũng muốn bắt đầu khởi nghiệp bằng nông nghiệp.

Làm lúa là phải quy mô lớn và mọi người phải chung nhau, chia sẻ về nguồn lực. Cần thay đổi tư duy, làm nông nghiệp; không cần phải cứ sáng là phải dầm chân xuống ruộng đâu? Ngay buổi trình diễn cơ giới hóa gieo sạ tại Hậu Giang sáng nay (12/12) cho thấy, có những cánh đồng không có dấu chân dưới ruộng".

“Phải có những cánh đồng mẫu lớn, dựa vào công nghệ để vận hành, canh tác… Như vậy, giới trẻ sẽ ở lại thôi, mà không chỉ giới trẻ, năng suất lao động sẽ tăng”, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Cùng giải đáp câu hỏi này, PGS.TS Lê Phước Minh (Viện trưởng Viện Trung Đông – châu Phi) nói: 40 – 50 năm trước đây, Việt Nam rất nghèo. Khi đó Chính phủ Việt Nam đã xây dựng 4 nội dung quan trọng để thay đổi khu vực nông thôn, giữ nhân lực ở lại ngành nông nghiệp. Thứ nhất, điện; thứ hai, đường; thứ ba, trường. Trẻ không thể tồn tại tốt nếu không được đi học. Thứ 4, đó là y tế - trạm. Nếu thiếu bất kỳ 1 trong 4 yếu tố này ở khu vực nông thôn thì giới trẻ sẽ không ở nhà đâu.

16 giờ 45 phút

Việt Nam đồng lòng thực hiện các chương trình nông nghiệp

gs vo tong xuan

Anh hùng lao động, GS.TS Võ Tòng Xuân.

Thảo luận tại phiên tọa đàm, Anh hùng lao động, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết một trong những khác biệt giữa nông nghiệp Việt Nam và châu Phi là hệ thống thủy lợi. Ông đề nghị diễn giả cho biết một số giải pháp từ lục địa này.

Ông Mandla Nkomo, Giám đốc Sáng kiến Nông học Xuất sắc của CGIAR, một đại biểu từ châu Phi thừa nhận, thành công của Việt Nam trong hơn 30 năm qua xuất phát từ những cam kết mạnh mẽ ở cấp Chính phủ.

“Các cấp chính quyền của Việt Nam đều đồng lòng thực hiện các chương trình đảm bảo an ninh lương thực. Mới nhất là đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Việt Nam huy động mọi nguồn lực tài chính, công nghệ, cũng như hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để đạt các mục tiêu đã đặt ra”, ông Nkomo bày tỏ.

Theo chuyên gia CGIAR, đây là điều mà nhiều quốc gia chưa nhìn nhận được, nói chính xác hơn là chưa có những quy hoạch chuẩn xác. Từ đó, đề ra chiến lược và đề án hợp lý, giúp người nông dân hưởng lợi.Trách nhiệm của CGIAR là phát huy hết tiềm năng của các bên liên quan, từ Chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Trong thời gian tới, tổ chức sẽ ưu tiên dành nhiều nguồn lực, chương trình hơn tới châu Phi.

16 giờ 30 phút

vien vn chau phi

PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Trung Đông – châu Phi.

Tham gia tọa đàm, PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Trung Đông – châu Phi cho biết, Việt Nam là một cường quốc xuất khẩu gạo, đứng thứ 3 trên thế gới và kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất lúa gạo của Việt Nam có nhiều nước muốn học hỏi.

"Từ một quốc gia thiếu đói, vì sao Việt Nam thành công trong tự túc lương thực và trở thành nước xuất khẩu?", PGS.TS Lê Phước Minh đặt câu hỏi.

Viện trưởng Viện Trung Đông – châu Phi chia sẻ, mấy chục năm trước, Viện đã tập trung vào nguồn nhân lực, cử các nhà khoa học trẻ của Việt Nam tới các quốc gia khác để học tập và về phổ biến, đào tạo cho nông dân.

"Tôi đã thăm và làm việc ở nhiều quốc gia trong Hợp tác Nam – Nam. Tôi đã đi nhiều quốc gia châu Phi nhưng thấy có ít nước cử người đi học như Việt Nam trước đây", PGS.TS Lê Phước Minh nói.

Nêu dẫn chứng cụ thể, lãnh đạo Viện Trung Đông – châu Phi cho biết: Năm 2014, Modambich ký kết thỏa thuận với Bộ GD-ĐT Việt Nam, theo đó hằng năm cử 10 sinh viên sang học về nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế mỗi năm chỉ có ít hơn 10 người. Ngài Đại sứ Modambich chia sẻ, Modambich có 32 triệu ha nhưng chỉ sử dụng có 6 triệu ha, vì không có nguồn nhân lực để thực hiện.

"Tôi có gợi ý, tại sao Modambich không cử hàng trăm sinh viên hoặc có thể nhiều hơn?", PGS.TS Lê Phước Minh tâm tư. "Chúng tôi xem lại lịch sử Hợp tác Nam – Nam thì có vẻ không thành công lắm. Sau 5 năm chúng tôi chuyển các dự án sang các nước châu Phi, khi hết tiền thì các chuyên gia lại quay trở về, như vậy thì không thể bền vững được".

16 giờ 20 phút

Cần lấy nông dân làm gốc để phát triển ngành hàng lúa gạo

ong thuan loc troi

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, nhấn mạnh cần lấy nông dân làm gốc để phát triển ngành hàng lúa gạo.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời – một trong những công ty hàng đầu về dịch vụ nông nghiệp và sản xuất lúa tại Việt Nam nhấn mạnh cần lấy nông dân làm gốc để phát triển ngành hàng lúa gạo.

Doanh nghiệp với xuất phát từ nông dân, bắt đầu hình thành từ cách đây 30 năm với 23 thành viên, với số vốn chỉ từ 1.000 USD. Nhưng đến nay đã lớn mạnh thành một tập đoàn hàng đầu về lúa gạo, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang châu Phi. Như vậy, ông Thuận cho rằng những khó khăn mà Lộc Trời đã trải qua cũng có thể chia sẻ và trao đổi với phía châu Phi.

Liên quan đến lúa gạo, ông Thuận cho rằng nội dung trọng tâm của tăng trưởng hay gốc của tăng trưởng phải bắt đầu từ người nông dân. Trước đây, khi người dân hoạt động độc lập, chỉ đi theo đồng loạt, cùng canh tác một loại khiến sản lượng nhiều những lại gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, dẫn đến thua lỗ, thiệt hại.

z4966921926265_9b24ef686e21d5932b60c3b2b50bf234

Nông dân châu Phi học tập kinh nghiệm trồng lúa nước.

Dẫn thực tế, Việt Nam từng mất 4 triệu tấn lúa mỗi năm, tương đương với nhu cầu tiêu thụ của một quốc gia châu Phi, ông Thuận nói: "Như vậy với vai trò của nông dân, chúng tôi thấy cần thiết phải đề xuất Bộ NN-PTNT về sự cần thiết của các bên liên quan trong điều chỉnh canh tác, cần sự tham gia của người nông dân để có kế hoạch, và cơ chế thu hoạch. Khi canh tác lúa tại ĐBSCL có thể thu hoạch hằng ngày, với cơ chế này, có thể chạy tối đa công suất. Đây có thể là giải pháp cho châu Phi".

15 giờ 35 phút

Grow Asia ấn tượng với đề án 1 triệu ha lúa

ba melissa Chua

Bà Amy Melissa Chua, Giám đốc Quan hệ đối tác Grow Asia, ấn tượng bởi đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vừa được Chính phủ Việt Nam thông qua.

Bà Amy Melissa Chua, Giám đốc Quan hệ đối tác Grow Asia chia sẻ, Hợp tác Nam – Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của tổ chức. Hiện các chương trình của Grow Asia đang triển khai ở 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam, tập trung vào việc hỗ trợ chuyển đổi hệ thống thực phẩm bền vững.

Nhiệm vụ của Grow Asia là thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan, xây dựng mạng lưới giúp phát triển các hoạt động nông nghiệp bền vững và toàn diện trong khu vực. Với cá nhân Amy, bà có kinh nghiệm cộng tác và thúc đẩy quan hệ đối tác hiệu quả với các quốc gia Nam bán cầu.

Hiện tại, lãnh đạo Grow Asia đang cung cấp chức năng giám sát khu vực cho các tổ chức tại Campuchia, Philippines và Việt Nam. Ngoài ra, bà còn hướng dẫn và xây dựng năng lực của nhóm Quan hệ đối tác ở cấp khu vực, đồng thời đảm bảo rằng các phương pháp hay nhất và kiến thức toàn cầu được chia sẻ.

Vừa qua, nhân dịp dự COP 28, Grow Asia cho rằng, đây là giai đoạn thích hợp để chuyển từ đối thoại sang hành động cụ thể. Một trong số đó là kết nối và ký thỏa thuận với các tổ chức phi chính phủ của các nước châu Phi. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng mạng lưới liên kết giữa các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp.

Nhân dịp tham dự Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, bà Amy ấn tượng bởi đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vừa được Chính phủ Việt Nam thông qua. Bà tin rằng, đây là một trong những bước đệm để Việt Nam thực hiện và cụ thể hóa các cam kết trong Hợp tác Nam – Nam.

15 giờ 25 phút

Nền tảng nông học bền vững CGIAR nâng cao tri thức cho nhà nông

dai dien CGIAR

Ông Mandla Nkomo, Giám đốc Sáng kiến Nông học Xuất sắc của CGIAR (Liên minh tư vấn nông nghiệp quốc tế).

Theo ông Mandla Nkomo, Giám đốc Sáng kiến Nông học Xuất sắc của CGIAR (Liên minh tư vấn nông nghiệp quốc tế), đứng trước những thách thức chồng chéo tại châu Phi, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trẻ nhận thấy cơ hội chuyển đổi hệ thống.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, 91 đại biểu CGIAR học hỏi cách chuyển đổi nông nghiệp hiệu quả. “Được biết, Việt Nam khi mới phát triển lúa gạo đã dựa nhiều vào các giống lúa từ IRRI, cũng như trao đổi công nghệ với các quốc gia khác. CGIAR và Tổ chức nghiên cứu lúa gạo châu Phi - AfricaRice nhìn vào câu chuyện thành công của nước bạn. Sự chia sẻ của Việt Nam phần nào đã giúp chúng tôi trả lời những câu hỏi lớn”, ông Nkomo nói.

Trong số đó, Sáng kiến Xuất sắc về Nông học (EiA) tập trung hỗ trợ các nông hộ nhỏ. Sáng kiến với 15 viện thành viên nhận được sự quan tâm, đầu tư của các tổ chức quốc tế. Với sứ mệnh lớn để giúp nông hộ nhỏ thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu, EiA phác thảo những lộ trình đầy hứa hẹn để châu Phi phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần tăng trưởng kinh tế.

EiA đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng cao năng suất, lợi nhuận cho nông dân, cải thiện sức khỏe của đất, đồng thời giảm thiểu tác động của khí hậu. Giám đốc Nkomo giải thích khái niệm về nông học: “Chúng tôi không tập trung quá nhiều vào nghiên cứu hay phát triển công nghệ. Các viện thành viên của CGIAR đã và đang đảm nhiệm rất tốt vai trò đó. Sáng kiến Nông học Xuất sắc trọng tâm vào nâng cao tri thức nhà nông”.

Ví dụ điển hình là Nền tảng lúa gạo bền vững (Sustainable rice platform) được triển khai tại Senegal. Chỉ trong vài năm, dự án đã đào tạo phương pháp canh tác lúa bền vững, bón phân hiệu quả cho 575 nông dân, trong đó có 162 phụ nữ.

“Chúng tôi nhận ra chính sách là quan trọng để chuyển đổi từ nước này tới nước khác, hướng tới sự phát triển đồng đều”, Giám đốc EiA nhấn mạnh, mong muốn kiến thức nông học sẽ được lan tỏa nhiều hơn đến nông dân toàn cầu.

15 giờ 15 phút

Giải pháp phát triển ngành nông nghiệp lúa gạo của các nước châu Phi

ong bui ba bong

PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, chia sẻ về đường hướng để các quốc gia châu Phi có thể tự chủ về lúa gạo trong thời gian tới.

Phiên thứ 2 của Hội nghị Đối thoại Chính sách Việt Nam – châu Phi: Hợp tác Nam – Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực, diễn ra tọa đàm để tìm các giải pháp từ đó mang lại hiệu quả bền vững trong Hợp tác Nam - Nam.

PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT; Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam 2023 – 2028; Chuyên gia cao cấp về lĩnh vực nông nghiệp là khách mời đầu tiên của Tọa đàm.

Trả lời câu hỏi: Là người có thời gian rất dài gắn bó với công tác nghiên cứu nông nghiệp, quản lý ngành nông nghiệp của Việt Nam và là chuyên gia của một số tổ chức quốc tế như FAO, IRRI,... xin ông chia sẻ các vấn đề chính hiện nay cần được hỗ trợ/đóng góp của các nước trong Hợp tác Nam - Nam cho ngành hàng lúa gạo?

PGS.TS Bùi Bá Bổng nói: Rất vinh dự cho tôi và mọi người trong phiên trao đổi này. Chúng ta biết rằng các quốc gia châu Phi có tiềm năng rất lớn để cải tạo công tác sản xuất lúa gạo. Tôi cho rằng các nước châu Phi sẽ sớm tự chủ được vấn đề lúa gạo. Hiện tại, các quốc gia châu Phi đã và đang nhập khẩu rất nhiều gạo từ Việt Nam, khoảng 18 triệu tấn/năm.

Các nước châu Phi đang gặp rất nhiều khó khăn do những cuộc khủng hoảng về lúa gạo. Việt Nam trong 1 quá trình dài đã hỗ trợ các quốc gia này làm sao có thể cải thiện công tác quản lý, phát triển ngành hàng lúa gạo. Việt Nam có chuyên môn, kỹ thuật, chính sách nhưng hạn chế về tài chính. Như thế, để Hợp tác Nam – Nam khả thi thì cần thiết một bên thứ 3, rất may mắn chúng ta có sự hỗ trợ của Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO); Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức quốc tế khác. Nếu chúng ta có nhiều hỗ trợ tài chính, nhiều các thể chế tài chính, chúng ta sẽ mở rộng và tăng cường trong Hợp tác Nam – Nam, từ đó hỗ trợ được nhiều hơn các quốc gia châu Phi.

Theo PGS.TS Bùi Bá Bổng, với quan điểm, góc nhìn của cá nhân, đường hướng để các quốc gia châu Phi có thể tự chủ về lúa gạo trong thời gian tới, cách thức, bài học kinh nghiệm có thể chia sẻ, đó là các vấn đề trọng yếu: thủy lợi - giống tốt cung cấp cho nông dân - cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến; cuối cùng là sự gắn kết với thị trường.

z4966921841078_f9250af632868ac0fa3a9612d516f24b

Nông dân châu Phi học kinh nghiệm trồng lúa nước.

Về giống lúa, Việt Nam có nhiều giống lúa chất lượng cao, năng suất và ngắn ngày. Nếu châu Phi có nhiều giống lúa phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng…, có thể ứng đối với biến đổi khí hậu, ứng đối với các tiêu cực nqhư hạn mặn, hạn hán… Nếu các quốc gia châu Phi đi theo con đường đó sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn đề, thậm chí sẽ sớm được xuất khẩu gạo.

Ông Bùi Bá Bổng cũng nhấn mạnh, Việt Nam kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các tổ chức thứ 3 để thúc đẩy Hợp tác Nam – Nam mạnh mẽ hơn, hiệu quả và thực chất hơn.

14 giờ 30 phút

Việt Nam luôn giữ vai trò tiên phong trong Hợp tác Nam - Nam

ong Mau

Ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT.

Tham luận tại Hội thảo, ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT, nói: Việt Nam tự hào với một nền nông nghiệp sáng tạo, dễ áp dụng, hiệu quả cao, đã giúp Việt Nam từ quốc gia thiếu lương thực trở thành nước đảm bảo an ninh lương thực, nằm trong số những nước dẫn đầu trên thế giới về xuất khẩu gạo và một số nông sản khác

Với trách nhiệm của mình trên trường quốc tế, Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án tại các quốc gia đang phát triển với sứ mệnh chuyển giao khoa học - công nghệ - kỹ thuật nông nghiệp để hỗ trợ các quốc gia đó trong việc phát triển ngành nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và tiến tới xuất khẩu

Việt Nam có thể giúp các quốc gia châu Phi xây dựng các dự án, quy hoạch tổng thể đất nông nghiệp, quy hoạch chi tiết về sử dụng đất, hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật về nông nghiệp. Tổ chức các khóa đào tạo tại Việt Nam hoặc tại nước chủ nhà để nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông, cho cán bộ quản lý, các nhà hoạch định chính sách.

Để các dự án nông nghiệp hợp tác hiệu quả, đảm bảo sự thành công, Việt Nam kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế cùng xây dựng và triển khai các dự án hợp tác ba bên trong khuôn khổ hợp tác Nam – Nam bằng cách hỗ trợ nguồn tài chính, Việt Nam sẽ là bên cung cấp kỹ thuật, công nghệ, chuyên gia, giống, vật tư nông nghiệp cần thiết và kỹ năng quản lý các dự án nông nghiệp và nước thứ ba sẽ là quốc gia hưởng lợi.

Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, ngành nông nghiệp Việt Nam đã chủ động xây dựng “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam cam kết không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà biến ngành nông nghiệp từ ngành gây ra nhiều phát thải trở thành ngành đóng góp vào việc giảm phát thải, tính được tín chỉ carbon để có thể có thêm thu nhập cho nông dân.

Ngành NN-PTNT Việt Nam cũng cam kết đồng hành với các nước đang phát triển, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, giúp các quốc gia châu Phi đảm bảo an ninh lương thực một cách bền vững, đóng góp vào giảm phát thải và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. “Chúng tôi giúp đỡ với tinh thần vô tư, trong sáng, hết mình cho đến khi các nước bạn làm chủ được khoa học kỹ thuật thì chúng tôi mới về nhà!”, ông Phạm Ngọc Mậu nhấn mạnh.

Cũng trong bài phát biểu của mình, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT cho biết, Hợp tác Nam - Nam ở Việt Nam đã trải qua rất nhiều thời kỳ biến động.

Hợp tác Nam - Nam là một thuật ngữ được các học giả và các nhà hoạch định chính sách sử dụng trong lịch sử để mô tả việc trao đổi tài nguyên, kỹ thuật và tri thức giữa các nước đang phát triển, còn được biết đến là các nước ở Nam bán cầu. Sáng kiến về hợp tác này chỉ bắt đầu tác động đến lĩnh vực phát triển vào cuối thập niên 1990.

Trên bình diện quốc tế, Hợp tác Nam - Nam đã thành công trong việc tăng cường quyền tự chủ trong các chương trình viện trợ của các nước phát triển và tạo ra thay đổi trong cán cân quyền lực quốc tế. Đây cũng là hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển.

Theo ông Phạm Ngọc Mậu, Việt Nam luôn giữ vai trò tiên phong trong Hợp tác Nam - Nam, cụ thể là những trợ giúp về giống, kỹ thuật và nhân lực để hỗ trợ các nước châu Phi đảm bảo an ninh lương thực và tiến tới tự chủ về lĩnh vực này.

“Việt Nam đang được coi là hình mẫu về phát triển nông nghiệp với chi phí thấp, hiệu quả cao, các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Việt Nam gồm cà phê, hạt điều, hạt tiêu, rau quả nhiệt đới, thủy sản và lúa gạo”, ông Mậu chia sẻ.

Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục thực hiện các chương trình nâng cao năng lực bám sát nhu cầu cụ thể của các quốc gia hưởng lợi, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và học thuật cho các cơ sở giáo dục nông nghiệp chính quy, thành lập các phòng thí nghiệm chung hoặc trung tâm trình diễn ở các nước hưởng lợi.

14 giờ 20 phút

Giá nông sản biến đổi theo hướng khó đoán định

ong Bean

Ông Ralph Bean, Tham tán Công sứ Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Ông Ralph Bean, Tham tán Công sứ Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ, chia sẻ về thúc đẩy hợp tác Nam - Nam cho thương mại lúa gạo và an ninh lương thực toàn cầu tại hội thảo.

Dẫn thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, ông Bean cho biết, năm 2022 là năm chứng kiến áp lực trong chuỗi cung ứng toàn cầu hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh trong bối cảnh Covid-19 do đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nhiều bên liên quan bị tác động, bất ổn địa chính trị cùng các yếu tố khác liên quan đến thị trường.

Lấy ví dụ về giá phân bón, một mặt hàng quan trọng đối với nông nghiệp, ông Bean phân tích rằng do Nga và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu mặt hàng này, kết hợp với xung đột địa chính trị trên thế giới, khiến giá phân bón tăng khoảng 5 lần, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm.

Trong khi đó, số liệu thống kê đã chỉ rõ ảnh hưởng của thị trường phân bón quốc tế, giá phân bón sụt giảm trong giai đoạn 2020-2021, nhưng lại duy trì ở mức cao khi xảy ra xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine và hạn chế xuất khẩu của Nga cũng như Trung Quốc diễn ra. Giá năng lượng gồm giá dầu thô và khí tự nhiên bắt đầu giảm từ tháng 8/2022 và đến nay lại bị đẩy lên mức cao.

Tất cả những yếu tố trên đã tác động mạnh mẽ đến chi phí nông nghiệp. Giá nông sản cũng biến đổi theo hướng khó đoán định. Lấy năm 2010 làm mốc, giá dầu và khô đậu tăng hơn 1,7 lần vào đầu năm 2022. Dù có xu hướng giảm từ sau lần đạt đỉnh, giá khô đậu vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung của các nước đang phát triển.

Ngành lúa gạo đang chứng kiến mức độ tiêu dùng, nhu cầu của người dân tăng cao, đặc biệt tại khu vực cận Sahara, châu Phi, Đông Nam Á. Xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2023 được dự báo ở mức 53,3 triệu, giảm 2,8 triệu so với năm ngoái. Một phần là do Ấn Độ ban hành lệnh cấm gạo trắng không đồ/không basmati vào cuối tháng 7.

xk gao

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang tác động lớn tới thị trường gạo toàn cầu.

Ngoài ra, nguồn cung có thể xuất khẩu từ Thái Lan và Việt Nam còn hạn chế và các nước láng giềng Pakistan và Miến Điện có sản lượng thấp hơn trong niên vụ 2022/23.

Vào năm 2024, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự đoán thương mại toàn cầu sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp. Điều này phần lớn là do những tác động chính sách ở Ấn Độ, nhưng cũng do nguồn cung thắt chặt hơn ở Việt Nam và Thái Lan. Mức giảm này đối với các nhà xuất khẩu hàng đầu sẽ được bù đắp một phần nhờ xuất khẩu nhiều hơn từ Miến Điện, Trung Quốc, Mỹ và Pakistan. Đồng thời, USDA cho rằng lượng nhập khẩu của các nước châu Phi, Indonesia và Trung Quốc sẽ ít hơn.

Xu thế chỉ rõ sự khác biệt, bất đối xứng trong cung và cầu. Như vậy, giải pháp tìm kiếm an ninh lương thực trên toàn thế giới là điều cần thiết để hạn chế những tác động của biến động thị trường, các vấn đề khủng hoảng địa chính trị. Do đó, sự hợp tác giữa các quốc gia đóng vai trò quan trọng trong giải quyết vấn đề đảm bảo tính ổn định của thị trường và đảm bảo an ninh lương thực.

14 giờ 10 phút

FAO đề xuất hợp tác với các quốc gia

ong ariz arya

Ông Aziz Arya, Chuyên viên phụ trách hợp tác Nam – Nam và hợp tác tam giác, Văn phòng FAO khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Các nước nên hợp tác với FAO, vì gần như ở nước nào FAO cũng có văn phòng nên rất dễ triển khai các nội hợp tác. Trong quá trình hợp tác, FAO thường quan tâm đến sinh kế của người dân, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Hợp tác Nam – Nam là chia sẻ giữa các đối tác về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật. Hợp tác giữa các bên liên quan để bảo bảo an ninh lương thực trên toàn thế giới. FAO sẽ chia sẻ thể chế chuyên môn giữa các quốc gia với nhau, những điều mà quốc gia học tập thấy ở quốc gia chia sẻ về những cách làm hay và có thể học tập, chẳng hạn như về chính sách, phá, luật, khoa học, kỹ thuật…

Trong hợp tác Nam – Nam chúng ta cần phải lưu ý xác định được nhu cầu của nước tham gia, sau đó mới xác định kỹ thuật, chuyên môn nào là tối ưu khi thực hiện. Hợp tác về chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo giữa Việt Nam với một số quốc gia châu Phi đã được FAO kết nối thực hiện khá thành công. Hợp tác có khá nhiều lĩnh vực, không chỉ có lúa gạo, mà còn có các cây trồng khác về lương thực.

Thành công của dự án hợp tác là khi các nhà khoa học hỗ trợ chuyển đi nhưng các kỹ thuật mà họ chuyển giao vẫn còn và tiếp tục được thực hiện ở quốc gia tiếp nhận.

14 giờ 00 phút

Hệ sinh thái lúa gạo bền vững trên cơ sở hợp tác Nam - Nam

giam doc irri

Giám đốc Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) Jongsoo Shin cho biết, chia sẻ kiến thức và chuyên môn là một trong những mục tiêu chính của hợp tác Nam - Nam.

Tiến sĩ Jongsoo Shin - Giám đốc Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) khu vực châu Á trình bày về các thách thức mà ngành nông nghiệp toàn cầu đang phải đối mặt.

Đối với châu Phi, sản lượng lúa thấp, hạn chế tiếp cận công nghệ tiên tiến, quản lý sau thu hoạch gặp khó khăn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Trong khi đó, các vùng trồng lúa châu Á phải giải quyết vấn đề sản lượng lúa gạo tăng chậm do suy thoái đất và tài nguyên nước.

“Hợp tác Nam - Nam có tiềm năng cách mạng hóa sản xuất lúa gạo ở châu Á và châu Phi. Từ góc nhìn tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế, chúng tôi kêu gọi các quốc gia trao đổi kiến thức, nguồn lực, cách thực hành nông nghiệp tân tiến nhất. Nỗ lực hợp tác sẽ cải thiện an ninh lương thực toàn cầu, xây dựng tương lai bền vững hơn cho hàng triệu người nông dân trồng lúa”, Giám đốc IRRI khẳng định.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, nếu các nhà khoa học phát triển công nghệ mà không đối thoại chặt chẽ với người nông dân, thì người châu Á, châu Phi đều không thể tiếp cận được kỹ thuật tiên tiến. Do đó, chia sẻ kiến thức và chuyên môn là một trong những mục tiêu chính của Hợp tác Nam - Nam. Thông qua trao đổi trực tiếp trên đồng ruộng, chương trình tập huấn, đối tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nông dân sẽ hiểu rõ hơn, tại sao họ cần chuyển đổi phương pháp canh tác.

z4966922036018_c7da97ae6cc17b37bf952e9451ee7035

Thông qua trao đổi trực tiếp trên đồng ruộng, chương trình tập huấn, đối tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nông dân sẽ hiểu rõ hơn, tại sao họ cần chuyển đổi phương pháp canh tác.

Bên cạnh đó, hợp tác với tổ chức quốc tế sẽ giúp các quốc gia đang phát triển huy động vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo phân phối nguồn giống công bằng. Giám đốc Shin kể câu chuyện thành công về ý tưởng “hạt giống xuyên biên giới”. Ông chia sẻ: “Trong khuôn khổ hợp tác với IRRI, các quốc gia ký kết thành lập cơ quan đầu mối, phối hợp cung cấp giống cây trồng cho những khu vực khác. Ví dụ, Nepal hiện đang gieo trồng 3 giống lúa từ Ấn Độ; Philippines cung cấp giống lúa GI thấp cho các quốc gia tham gia dự án”.

Nhằm mở rộng hệ sinh thái lúa gạo bền vững, Giám đốc IRRI châu Á đề xuất nhà quản lý các nước tăng cường điều phối giữa các bên liên quan; tận dụng nền tảng kỹ thuật số, chia sẻ kiến thức và dịch vụ khuyến nông; thúc đẩy thương mại và đầu tư Nam - Nam trong ngành lúa gạo.

13 giờ 50 phút

'Các nước châu Phi học hỏi được nhiều từ những chia sẻ của Việt Nam'

dai dien GIZ

Ông Oemar Idoe – Phó Giám đốc GIZ tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Oemar Idoe – Phó Giám đốc GIZ tại Việt Nam - chia sẻ: “Tôi vô cùng vinh dự được tham dự Hội nghị và Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc về sản xuất lúa gạo, có những những kinh nghiệm lớn về lĩnh vực này có thể chia sẻ với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước châu Phi trong quan hệ hợp tác Nam – Nam. Đây là sự cần thiết cần bởi vai trò của Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về sản xuất lúa gạo; các nước châu Phi học hỏi được nhiều từ những chia sẻ của Việt Nam trong các mối quan hệ, hợp tác về phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực".

Cũng theo ông Oemar Idoe, nước Đức có mối quan hệ lâu dài với Việt Nam về các lĩnh vực biến đổi khí hậu, giáo dục, dạy nghề, nông nghiệp…, trong đó thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu luôn là ưu tiên hàng đầu. "Tôi xin nhấn mạnh một trong những hợp tác quan trọng đang diễn ra đó là sự hỗ trợ, chia sẻ các giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp xanh, phát thải thấp", Phó Giám đốc GIZ tại Việt Nam khẳng định.

Trong hợp tác Nam – Nam, có hơn 30 quốc gia đến chia sẻ những bài học kinh nghiệm với GIZ, đó là những chia sẻ để hướng tới phát triển bền vững. Là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, đóng góp cho vấn đề an ninh lương thực thế giới, Việt Nam còn nhiều chia sẻ với các quốc gia châu Phi. Ông Oemar Idoe tin tưởng vào Việt Nam, đặc biệt là sự kiện Đề án 1 triệu ha lúa phát triển bền vững đã được phát động triển khai thực hiện ngay trong sáng 12/12.

13 giờ 40 phút

'Hợp tác Nam - Nam giúp đảm bảo các mục phát triển bền vững'

bo truong le minh hoan

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng và cam kết mở rộng hợp tác Nam - Nam để hỗ trợ các quốc gia châu Phi bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định sự liên kết giữa các nước đang phát triển có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, khó đoán định và chịu tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng lương thực, đói nghèo và xung đột. Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Việt Nam đã và đang hướng đến là nhà sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm Minh bạch – Trách nhiệm – Bền vững, một nền nông nghiệp xanh, ít phát thải với mục tiêu hướng đến mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Với những kinh nghiệm của mình cùng với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng và cam kết mở rộng hợp tác Nam - Nam để hỗ trợ các quốc gia châu Phi bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thịnh vượng.

Vào tháng 4/2023, Việt Nam đã phối hợp FAO, IRRI cùng nhiều đơn vị quốc tế tổ chức thành công Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững của Mạng lưới một hành tinh. Qua hội nghị, đại diện các nước, tổ chức quốc tế đều đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và đóng góp của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh lương thực, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm.

Việc tổ chức hội thảo chiều 12/12, trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, được xem là bước đi tiếp theo nhằm khẳng định nỗ lực của Việt Nam và các đối tác quốc tế trong việc thúc đẩy hợp tác Nam – Nam, hỗ trợ chuyển đổi lương thực bền vững cho cả Việt Nam và châu Phi.

"Tôi tin rằng Hội thảo sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác Nam - Nam chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước châu Phi, cũng như hợp tác ba bên giữa Việt Nam - đối tác quốc tế - châu Phi vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững của các bên và thế giới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn nhủ.

Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi: Hợp tác Nam – Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực là sự kiện mở đầu cho chuỗi 4 hội thảo do Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023.

Trong ngày 13/12, 3 hội thảo kế tiếp sẽ được tổ chức gồm: Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm bền vững; Hội thảo Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới; Hội thảo Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về lúa gạo.

13 giờ 30 phút

'Đánh dấu bước hợp tác quan trọng của Việt Nam và các tổ chức quốc tế'

bi thu hau giang

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành tin tưởng Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 sẽ đánh dấu bước hợp tác quan trọng của Việt Nam và các tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, Hậu Giang có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nguồn nước ngọt dồi dào với hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, chiều dài hơn 2.300km, trong đó có tuyến kênh Xáng Xà No có bề dày lịch sử hơn 120 năm nối sông Hậu và biển Tây, đây là tuyến vận tải lúa gạo đầu tiên của miền Nam Việt Nam. Diện tích đất trồng lúa toàn tỉnh là 79.000ha, chiếm 56,2% diện tích đất nông nghiệp, hằng năm gieo trồng 2 - 3 vụ lúa, sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu tấn lúa, đóng góp trên 54% giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản.

Bí thư Thành cảm ơn Bộ NN-PTNT cùng các tổ chức quốc tế chọn Hậu Giang làm nơi tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Ông coi đây là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, cơ chế thúc đẩy về hợp tác Nam – Nam trong phát triển khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện của châu Phi; phát triển thương mại lúa gạo, kết nối chuỗi giá trị thực phẩm nông sản và an ninh lương thực toàn cầu.

“Tôi tin tưởng rằng, sự kiện này sẽ đánh dấu bước hợp tác quan trọng của Việt Nam và các tổ chức quốc tế về phối hợp khoa học, kỹ thuật và thể chế trong Hợp tác Nam - Nam nhằm hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Đây cũng là thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, trong đó có Hậu Giang luôn chung tay phát triển nền nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực toàn cầu”, ông Thành nhấn mạnh.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Cứu hộ vượn đen má hung cực kỳ quý hiếm

Vườn quốc gia Cúc Phương vừa cứu hộ an toàn 1 cá thể vượn cực kỳ quý hiếm từ người dân tại Hải Phòng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quảng Trị Marathon 2024: Các phương tiện di chuyển thông dụng

Vận động viên tham gia Giải Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa sẽ không quá khó khăn lựa chọn các phương tiện di chuyển khám phá vùng đất này.