| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã liên kết 1.000 hộ nông dân làm giàu

Thứ Ba 03/11/2020 , 08:28 (GMT+7)

Nhờ nhạy bén về thị trường, anh Trần Hoài Việt, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh đã liên kết 1.000 hộ nông dân bắt tay làm giàu từ cây dược liệu đinh lăng…

“Bén duyên” cây đinh lăng

Anh Việt chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên trên miền quê nghèo xã Gia Lộc huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), cả thời tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng, chứng kiến bao cảnh nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng thu nhập không đáng là bao. Từ đó anh nung nấu quyết tâm làm sao để giúp bà con làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Đoàn viên thanh niên trên địa bàn học hỏi ý tưởng khởi nghiệp và liên kết cùng HTX trồng đinh lăng. Ảnh: Minh Sáng

Đoàn viên thanh niên trên địa bàn học hỏi ý tưởng khởi nghiệp và liên kết cùng HTX trồng đinh lăng. Ảnh: Minh Sáng

Gần 15 năm trước, khi đang là cán bộ đoàn của xã, trong lần tình cờ được nghe câu chuyện của Lương y Nguyễn Công Đức (nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM) trăn trở về việc: Đinh lăng là một cây dễ trồng, ít công chăm sóc, có mặt khắp nơi, là dược liệu bào chế được nhiều thứ thuốc đặc trị đau lưng, mỏi gối, tê thấp, nhuận tràng giúp ăn, ngủ ngon, thanh nhiệt, cải thiện tình trạng suy nhược cơ thể, tăng cường sức khỏe… nhưng người Việt ta vẫn chưa biết khai thác, sử dụng để phát huy hết giá trị tiềm năng của nó. Từ đó, trong đầu anh lóe lên ý tưởng khởi nghiệp từ loại cây được xem là “sâm của người nghèo” này.

Vườn ươm cây giống của HTX để cung ứng cho bà con trong vùng dự án. Ảnh: Minh Sáng

Vườn ươm cây giống của HTX để cung ứng cho bà con trong vùng dự án. Ảnh: Minh Sáng

Nói là làm, năm 2012, anh vận động các bạn đoàn viên thanh niên trong xã có cùng chí hướng xây dựng kế hoạch khởi nghiệp trồng và chế biến các sản phẩm từ cây đinh lăng. Sau đó không lâu, tổ hợp tác đinh lăng chính thức ra đời với 15 thành viên đánh dấu sự khởi đầu cho một tiến trình dài không ít gian nan, vất vả.  Nhưng nhờ vào những sách lược, định hướng đúng đắn, anh đã cùng anh em thành viên tổ hợp tác đã gặt hái hết thành công này tới thành công khác. Chỉ với 1,5 ha đất ban đầu, đến nay hợp tác xã (HTX) Thiên Đường (tiền thân tổ hợp tác đinh lăng) đã liên kết với 259 HTX, 1.000 hộ gia đình tại 39/63 tỉnh thành để xây dựng vùng nguyên liệu gần 1.000 ha phục vụ chế biến các sản phẩm cung ứng thị trường với doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.

Hành trình khởi nghiệp

Kể lại hành trình khởi nghiệp, anh Việt cho biết, ban đầu, mặc dù diện tích trồng đinh lăng còn giới hạn, sản lượng khai thác chưa nhiều, thế nhưng để tiêu thụ được các sản phẩm đinh lăng thô ở thời điểm đó không hề dễ dàng bởi có rất ít đơn vị đứng ra thu mua. Không đành lòng nhìn thấy hàng tấn lá đinh lăng gần đến tuổi khai thác phải đổ sông, đổ biển, nhớ lại lời kể của các cụ, các bà về việc lá đinh lăng sau khi bỏ vào gối sẽ có công dụng giúp cho trẻ không bị đổ mồ hôi trộm và ngủ được sâu giấc, anh Việt đã đi khắp nơi học hỏi về cách chế biến lá đinh lăng để làm gối.

Nhà máy trà sâm đinh lăng đóng chai của HTX trước khi đi vào vận hành. Ảnh: Minh Sáng

Nhà máy trà sâm đinh lăng đóng chai của HTX trước khi đi vào vận hành. Ảnh: Minh Sáng

Theo anh Việt, gối đinh lăng là loại có bề ngoài không khác gì so với các loại gối khác, chỉ duy nhất khác ở ruột gối bên trong. Ruột của gối đinh lăng được làm từ lá đinh lăng phơi khô trộn với bông theo tỉ lệ cân đối và hợp lý. Việc tính tỷ lệ chia ra phải cân bằng, nếu lượng lá quá nhiều sẽ gây mùi hắc, lượng lá quá ít thì không đảm bảo được chất lượng.

Với phương châm “lấy công làm lời”, lúc bấy giờ tổ hợp tác chia làm 2 nhóm, nhóm sản xuất và nhóm tìm kiếm thị trường. Theo đó đối với nhóm sản xuất, ban ngày nhóm sẽ tuyển chọn những chiếc lá đinh lăng có chất lượng tốt nhất, chỉ có những lá ở những cây sống ít nhất từ 2 năm trở lên mới được chọn lựa bởi lá ở những cây có tuổi thọ càng cao thì mùi hương càng thơm lâu và dược tính cao.

Sau đó lá được phơi khô, đêm đến thực hiện các khâu sấy, theo đông y còn gọi là sao vàng hạ thổ, đây là khâu quan trọng nhất của làm gối vì sấy quá khô vì lá sẽ bị giòn, quá ướt dễ bị mốc ẩm. Cuối cùng là khâu nhồi ruột gối, đây là sự kết hợp các nguyên liệu có sự tính toán kỹ lưỡng, tạo ra sản phẩm khi dùng nằm êm ái, thoải mái, dễ chịu, độ bền cao và mang lại sức khỏe người tiêu dùng.

HTX đưa sản phẩm trà sâm đinh lăng đóng chai tham gia các hội chợ kết nối cung cầu do các bộ ngành và các tỉnh thành tổ chức. Ảnh: Minh Sáng

HTX đưa sản phẩm trà sâm đinh lăng đóng chai tham gia các hội chợ kết nối cung cầu do các bộ ngành và các tỉnh thành tổ chức. Ảnh: Minh Sáng

Đối với nhóm thị trường, sau khi có sản phẩm đầu tay, với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, xác định các tiệm chăn, ga, gối, đệm tại TP.HCM là ưu tiên hàng đầu để nhóm tiếp cận, thuyết phục các cửa hàng nhập hàng của tổ hợp tác. Nhóm vừa cử người hỗ trợ bán hàng, đồng thời tổ chức đăng ban-nơ quảng cáo và phát tờ rơi, tung sản phẩm lên mạng xã hội. Chỉ trong thời ngắn đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng và gây chú ý với các cửa hàng nội thất sang trọng, các siêu thị uy tín. Trong vòng 2 năm, tổ hợp tác đã kết nối với hàng trăm đại lý lớn nhỏ phân phối độc quyền sản phẩm gối đinh lăng.

Đa dạng hóa sản phẩm

Từ phương thức sản xuất, kinh doanh trên, năm 2014, khi đã làm chủ thị trường gối, nhằm tận dụng triệt để các nguyên liệu của cây đinh lăng từ lá đến thân, nhánh, củ, rễ,… tổ hợp tác quyết định thành lập HTX lấy tên gọi là Thiên Đường, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm, mở ra một hướng phát triển mới cho cây đinh lăng. Theo đó, bên cạnh gối đinh lăng, các sản phẩm trà túi lọc, rượu đinh lăng ra đời, với giá thành phải chăng, các sản phẩm trên đã đến được ngăn bàn của các bà nội trợ và trên bàn tiếp khách của cánh đàn ông.

Đặc biệt, với sự cải tiến khoa học kỹ thuật, đưa trang thiết bị hiện đại vào sản xuất, vừa qua HTX còn cho ra đời sản phẩm trà sâm đinh lăng đóng chai, đây là kết tinh những thành quả hơn 10 năm của thành viên HTX dày công vun đắp. Sản phẩm này có sự khác biệt so với nhiều loại thức uống khác trên thị trường là không sử dụng đường trong sản xuất mà chỉ sử dụng cỏ ngọt và 100% cây đinh lăng nguyên liệu được canh tác hữu cơ.

Khai trương một trong những đại lý độc quyền phân phối sản phẩm trà sâm đinh lăng đóng chai của HTX. Ảnh: Minh Sáng

Khai trương một trong những đại lý độc quyền phân phối sản phẩm trà sâm đinh lăng đóng chai của HTX. Ảnh: Minh Sáng

Với công suất 2.000 chai/giờ, hiện HTX cung ứng sản phẩm cho trên 300 đại lý thuộc 35 tỉnh thành trên cả nước, sau khi trừ chi phí đem lại lợi nhuận cho đơn vị hàng tỷ đồng/tháng.“HTX mất hơn 6 năm xây dựng các đề tài nghiên cứu, hàng trăm thử nghiệm, cũng như xây dựng một quy trình chuẩn đầu-cuối nghiêm ngặt từ cây giống, phân bón, phương pháp canh tác hữu cơ cho đến nhà máy, dây chuyền sản xuất hiện đại”, anh Việt chia sẻ.

Với tầm nhìn xa hơn, HTX tiếp tục xây dựng thêm nhà máy sản xuất trà sâm đinh lăng đóng chai với công xuất thiết kế 10.000 chai/giờ tại khu công nghiệp Vĩnh Cữu tỉnh Đồng Nai, đồng thời bổ sung thêm 5 dòng sản phẩm mới vào kinh doanh như: cao đinh lăng đóng gói, sữa bột hòa tan nhân sâm đinh lăng, sữa tắm đinh lăng, dầu gội đinh lăng, kẹo sâm đinh lăng,… để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu đi nước ngoài.

Giúp nông dân cùng làm giàu

Theo anh Việt, đinh lăng là loại cây rất thích hợp với bóng râm, các loại cây như cao su, cây bơ, điều, chuối, tiêu và các loại cây ăn trái có bóng râm và dưới tán hoàn toàn có thể trồng xen cây đinh lăng phía dưới. Từ việc kinh doanh thuận lợi, đồng nghĩa với nhu cầu về nguyên liệu để phục vụ sản xuất chế biến ngày càng cao. Theo đó, để tạo nguồn nguyên liệu, thời gian qua, HTX đã thực hiện dự án liên kết trồng nguyên liệu với người nông dân.

Hội nông dân các tỉnh thành bạn đến thăm quan, trao đổi kinh nghiệm học hỏi mô hình trồng đinh lăng dưới tán cao su. Ảnh: Minh Sáng

Hội nông dân các tỉnh thành bạn đến thăm quan, trao đổi kinh nghiệm học hỏi mô hình trồng đinh lăng dưới tán cao su. Ảnh: Minh Sáng

Để chuỗi liên kết được bền vững, không bị đứt gãy, HTX cung ứng giống, phân bón, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc đinh lăng theo hướng hữu cơ, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu đơn giá ổn định suốt 5 năm. Theo đó, lá tươi được HTX thu mua với giá 4.000 đồng/kg, cành tươi 25.000 đồng/kg, củ rễ tươi 30.000 đồng/kg. Từ đó, đã mang lại thu nhập tốt cho bà con nông dân từ 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm sau khi trừ chi phí.

Hiện nay, không chỉ trên địa bàn tỉnh Tây  Ninh, HTX còn liên kết với  bà con ở các  khu vực như Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên. Việc phát triển vùng nguyên liệu trên nhiều tỉnh thành không chỉ bảo đảm đầu vào cho quá trình sản xuất mà còn góp phần quan trọng vào quá trình xanh hóa những vùng đất khô cằn, bị thoái hóa do trồng cây công nghiệp lâu năm.

“Định hướng trong thời gian tới, HTX tập trung phát triển các đại lý lên thành HTX, còn HTX Thiên Đường sẽ phát triển thành Liên hiệp HTX sản xuất dịch vụ và thương mại nông nghiệp Thiên Đường, tạo điều kiện thuận lợi trong việc liên kết sản xuất và mở rộng thị trường” anh Việt tiết lộ.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.