| Hotline: 0983.970.780

Huế phải tạo 'sự thay đổi về chất' trong phát triển kinh tế - xã hội

Chủ Nhật 29/12/2024 , 19:51 (GMT+7)

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thừa Thiên - Huế phải quyết tâm thực hiện 'bước nhảy', tạo sự thay đổi về chất trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại buổi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Ngọc Minh Phan.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại buổi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Ngọc Minh Phan.

Chiều 29/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế.

Ngân sách Nhà nước đã tạo “cú hích” trong đầu tư hạ tầng

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thừa Thiên - Huế từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2024, Thừa Thiên - Huế đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội, có 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,15%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 33%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh đạt trên 34 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 96% kế hoạch, xếp trong nhóm cao cả nước. Thu nội địa đạt 11.336 tỷ đồng trên tổng số thu ngân sách nhà nước 12.765 tỷ đồng.

Đặc biệt, tổng lượt khách du lịch đến Huế đạt trên 4 triệu lượt khách. Festival Huế tiếp tục khẳng định vị thế và thương hiệu của thành phố lễ hội.

Đời sống của người dân được nâng cao, an sinh xã hội được quan tâm, nhất là ở địa bàn miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%. Lĩnh vực văn hoá - giáo dục được quan tâm đầu tư phát triển; quốc phong an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế mở rộng và đi vào chiều sâu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 38 của Quốc hội, với 6 nhóm chính sách đặc thù liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước đã tạo “cú hích” trong đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn Thừa Thiên - Huế.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã họi với đoàn công tác. Ảnh: Ngọc Minh Phan.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã họi với đoàn công tác. Ảnh: Ngọc Minh Phan.

Đặc biệt, toàn tỉnh đã rất nỗ lực, phối hợp các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023-2025. 

"Đây không chỉ là một quyết sách quan trọng mang tầm quốc gia, mà còn là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực, kiên trì phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế trong chặng đường gần 30 năm qua”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thẳng thắn nhìn nhận vị trí của mình trên bản đồ phát triển

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, tồn tại mà Huế đang phải đối mặt.

Đó là quy mô kinh tế nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tốc độ tăng trưởng của Huế còn khiêm tốn so với các địa phương chưa lên thành phố; du lịch, dịch vụ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Việc triển khai Nghị quyết 38 còn khiêm tốn, chưa thực sự tạo động lực phát triển đột phá cho tỉnh. 

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thừa Thiên - Huế tập trung thực hiện các phương hướng nhiệm vụ năm 2025, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh phát triển kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững; thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Thừa Thiên - Huế phải tạo 'sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất'

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Thừa Thiên - Huế phải tạo “sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất”

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dù đã lên thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng tỉnh cần thẳng thắn nhìn nhận thực chất vị trí của mình trên bản đồ phát triển của cả nước để có giải pháp quyết liệt hơn, nhất là trong xây dựng văn kiện Đại hội và mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm kỳ tới.

Thừa Thiên - Huế phải đặt mục tiêu 2 con số, đồng thời xác định rõ các động lực tăng trưởng chính và làm như thế nào để đạt được mục tiêu đặt ra.

Địa phương cần tận dụng được các chính sách mang tính chiến lược để xây dựng Nghị quyết triển khai theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; bắt nhịp được vào sự chuyển đổi lớn, phát triển mới của đất nước hiện nay.

Thực hiện hiệu quả Quy hoạch chung đô thị thành phố Huế, hoàn thiện quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế một cách bài bản, đồng bộ, trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, nhưng vẫn giữ hồn cốt, bản sắc riêng của vùng đất cố đô.

Đầu tư phát triển, khai thác hiệu quả thế mạnh, xây dựng thành phố Huế thành trung tâm lớn về: giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, khoa học - công nghệ, y tế.

Diện mạo đô thị Huế có nhiều thay đổi trong thời gian qua nhưng vẫn giữ hồn cốt, bản sắc riêng của vùng đất cố đô. Ảnh: Công Điền.

Diện mạo đô thị Huế có nhiều thay đổi trong thời gian qua nhưng vẫn giữ hồn cốt, bản sắc riêng của vùng đất cố đô. Ảnh: Công Điền.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên - Huế cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối thông suốt, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chuyển đổi số.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tỉnh vừa đồng thời thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; vừa phải nhanh chóng kiện toàn hệ thống chính quyền các cấp sau khi lên Trung ương và sắp xếp đơn vị hành chính, đảm bảo sự thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước.

“Thời gian gấp rút, công việc nặng nề, nhưng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần của Trung ương, bảo đảm bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Tỉnh phải có giải pháp quyết liệt để xử lý vấn đề trụ sở, tài sản dôi dư, và có chính sách đối với cán bộ sau sắp xếp để tạo đồng thuận trong quá trình thực hiện”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chỉ đạo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Huế hôm nay đã tích lũy đủ về lượng thì phải quyết tâm thực hiện “bước nhảy”, phải tạo sự thay đổi về chất trong phát triển kinh tế - xã hội

Xem thêm
Kế hoạch hành động Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ NN-PTNN vừa ban hành quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030.

Kon Tum điều tra vụ tai nạn lao động khiến 5 người tử vong

Ngày 31/12, UBND tỉnh Kon Tum đã có chỉ đạo điều tra, xử lý vụ tai nạn lao động tại dự án Thủy điện Đăk Mi 1 (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum).

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.