Theo đó, UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia cho 2 hiện vật sau:
Thứ nhất là Bệ tượng Phật đá hoa sen chùa Hương Lãng ở xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, cao 175cm, rộng 350cm, dài 280cm. Hiện vật được làm từ chất liệu đá xanh, có niên đại từ cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII.
Bệ tượng Phật đá hoa sen chùa Hương Lãng ở xã Minh Hải, huyện Văn Lâm |
Bệ tượng là hiện vật gốc độc bản, có hình thức thể hiện độc đáo, được tạo tác bởi nhiều phiến đá ghép lại với nhau bằng phương pháp thủ công; kỹ thuật đục đẽo, chạm khắc tinh xảo, chau chuốt tạo thành một bệ tượng Phật đá có hình tượng linh vật sư tử đội tòa sen, được đánh giá là lớn nhất cả nước cùng thời. Bệ đá hoa sen lưu nguyên vẹn những đặc trưng điển hình của mỹ thuật tạo hình thời Lý, thể hiện sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý trong tiến trình lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Hiện vật thứ 2 là bia “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh” được lưu giữ tại chùa Cảnh Lâm ở xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ. Bia được là từ đá xanh nguyên khối có niên đại từ thời Lý, khoảng năm 1157 (thời vua Lý Anh Tông). Bia có chiều cao 142cm, rộng 83cm, dầy 16cm.
Bia “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh” là 1 trong số 18 tác phẩm di văn kim thạch thời Lý được Lê Quý Đôn ghi chép trong tác phẩm “Kiến văn tiểu lục”. Bia do Nguyễn Công Diễm, gia khách của Thái úy Đỗ Anh Vũ khắc sau khi ngôi chùa được xây dựng xong.
Với Niên đại năm 1157, tấm bia là tài liệu quý, phần nào cho thấy diễn biến của nghệ thuật trang trí điêu khắc đá Việt Nam, góp phần lấp khoảng trống trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam vào khoảng thời gian gần như trống vắng hoàn toàn các di tích nghệ thuật thời Lý kể từ sau bia chùa Linh Xứng (Thanh Hóa).