| Hotline: 0983.970.780

Huy động xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm 31/10/2024 , 19:11 (GMT+7)

Những năm qua, Bắc Kạn đã huy động nhiều nguồn lực xây dựng nông thôn mới, chú trọng phát huy vai trò của nhân dân, từ thực tiễn xuất hiện nhiều tấm gương điển hình.

Người dân thôn Nà Mu (xã An Thắng) hiến đất, tham gia ngày công lao động để mở đường. Ảnh: Sơn Lâm.

Người dân thôn Nà Mu (xã An Thắng) hiến đất, tham gia ngày công lao động để mở đường. Ảnh: Sơn Lâm.

Pác Nặm là huyện khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất để cải thiện đời sống nhân dân.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Pác Nặm tập trung sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách, bên cạnh đó tuyên truyền người dân, doanh nghiệp cùng vào cuộc. Nổi bật là phong trào hiến đất để thực hiện các công trình, dự án.

Khu vực đồi sim tại thôn Nà Mu (xã An Thắng) rộng hàng chục ha, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Những đồi sim ở đây có phong cảnh đẹp, khí hậu trong lành, phù hợp với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Vài tháng trước người dân trong thôn đã hiến đất để mở đường qua khu đồi này, tuyến đường rộng 3m đã hoàn thành.

Với vị trí thuận lợi, cảnh quan đẹp nên xã An Thắng đã lựa chọn khu vực đồi sim ở thôn Nà Mu để quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng. Chính quyền địa phương đã đứng ra vận động các hộ dân hiến đất.

Với quyết tâm cao, cấp ủy, chính quyền xã An Thắng phối hợp với thôn vận động được 7 hộ dân ở thôn Nà Mu hiến 12,5ha đất rừng vừa để mở đường, vừa quy hoạch thành khu hành chính và phát triển du lịch.

Người dân thôn Nà Mu hiến hơn 12ha đất rừng để phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Sơn Lâm. 

Người dân thôn Nà Mu hiến hơn 12ha đất rừng để phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Sơn Lâm. 

Ông Lý Kiều On (thôn Nà Mu) cho biết, lúc đầu hiến đất cũng tiếc lắm nhưng bây giờ có đường to đi rất thuận lợi nên bà con rất phấn khởi. Nếu tới đây phát triển được du lịch, bà con sẽ có thêm động lực để vươn lên phát triển kinh tế.

Gia đình ông Lý Văn Lưu cũng là một trong những hộ hiến nhiều đất, không những vậy bản thân ông cũng là người rất tích cực trong việc vận động các hộ xung quanh hiến đất.

“Lúc đầu một số hộ bảo hiến như thế nhiều quá, nhưng sau khi tuyên truyền nhận thấy việc hiến đất về lâu dài sẽ giúp đi lại, vận chuyển nông, lâm sản dễ dàng hơn nên bà con đều đồng lòng hưởng ứng”, ông Lưu chia sẻ.

Ông Cà Văn Thuật, Bí thư Đảng ủy xã An Thắng (huyện Pác Nặm) cho biết, trên diện tích đất các hộ đã hiến, xã đã đưa vào quy hoạch xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2025, có nguồn vốn xã sẽ đầu tư thêm các hạng mục để phát triển du lịch. Làm được như vậy sẽ mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Thôn Pác Thiên, xã Nguyên Phúc (huyện Bạch Thông) cách trung tâm xã 5km, nhiều năm nay, việc đi lại của người dân hết sức khó khăn, đặc biệt là khu Nà Mị bởi con đường này rất nhỏ. Năm 2023, Nhà nước có chủ trương xây dựng và mở rộng tuyến đường Pác Thiên - Nà Mị nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc phục vụ dân sinh và vận chuyển hàng hóa cho người dân trên địa bàn.

Để thực hiện tuyến đường này, người dân thôn Pác Thiên đã hiến 7.500m2 đất, trong đó nổi bật là gia đình ông Đoàn Văn Thái hiến 2.400m2.

Ông Đoàn Văn Thái chia sẻ, là hộ nghèo, tuổi đã cao lại hay đau ốm, nhưng khi có chủ trương mở rộng tuyến đường thôn Pác Thiên - Nà Mị, bản thân đã nhận thức nếu đường giao thông nông thôn được mở rộng thì con em đi học thuận lợi, nông sản bán được giá cao và nhiều lợi ích khác. Chính vì vậy, tôi đã bàn bạc cùng gia đình nhất trí hiến 2.400 m2 đất để làm đường.

Tại Bắc Kạn, hiến đất, tham gia ngày công lao động xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp. Hầu hết các công trình làm đường nông thôn, mương nội đồng đều có sự đóng góp của người dân. Đặc biệt tỉnh Bắc Kạn đang thực hiện các dự án làm đường lâm nghiệp, tất cả mặt bằng đều do người dân hiến đất.

Nông thôn ở Bắc Kạn ngày càng đổi thay. Ảnh: Sơn Lâm. 

Nông thôn ở Bắc Kạn ngày càng đổi thay. Ảnh: Sơn Lâm. 

Năm 2024, tỉnh Bắc Kạn huy động gần 6.300 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách trung ương cấp gần 122 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 99,5 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 1.000 tỷ đồng, vốn tín dụng gần 5.000 tỷ đồng. Riêng nguồn lực từ nhân dân, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bắc Kạn đã huy động được gần 1,6 tỷ đồng (chủ yếu là ngày công lao động và hiện vật quy đổi).

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.