| Hotline: 0983.970.780

Huyện Bình Liêu phát triển du lịch cộng đồng từ giá trị văn hóa dân tộc

Thứ Năm 05/12/2024 , 11:24 (GMT+7)

Việc gắn kết các giá trị di sản với phát triển du lịch cộng đồng, huyện Bình Liêu đang tạo được dấu ấn riêng và trở thành một điểm đến thu hút du khách.

Huyện miền núi Bình Liêu thu hút du khách quốc tế đến trải nghiệm văn hóa dân tộc. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Huyện miền núi Bình Liêu thu hút du khách quốc tế đến trải nghiệm văn hóa dân tộc. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Bình Liêu là huyện miền núi biên giới nằm ở phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh. Miền rẻo cao Bình Liêu sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, cùng với đó là kho tàng văn hóa giàu có, đa dạng của cộng đồng dân cư với trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ruộng bậc thang là cảnh quan đặc trưng ở Bình Liêu. Trải qua quá trình lâu dài, từ tập quán canh tác lúa ở vùng núi cao, người dân Bình Liêu đã phát triển hệ thống ruộng bậc thang đồ sộ, vừa nổi bật, vừa đan xen, hài hòa với khung cảnh núi rừng hùng vĩ, tạo nên bức tranh thiên nhiên dịu dàng, thơ mộng, rực rỡ và nhiều sức sống.

Trên những thửa ruộng bậc thang trĩu hạt, sắc áo dân tộc ẩn hiện tạo nên một bức họa đồng quê yên bình mà xao xuyến. Xiêu lòng trước vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa ở Bình Liêu mà không biết từ bao giờ, mỗi độ cuối thu đầu đông, du khách lại đổ dồn về Bình Liêu trong hành trình săn tìm cái đẹp.

Sức hút của cảnh quan di sản ruộng bậc thang đưa Bình Liêu dần trở thành điểm đến du lịch mùa thu đông đặc sắc của Quảng Ninh. Huyện miền núi Bình Liêu trở thành cái tên được nhắc đến mỗi độ cuối thu đầu đông.

Ông Đàm Huy Long (Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Go Today) cho biết: "Cảnh quan thiên nhiên còn rất hoang sơ, tôi đánh giá là rất đẹp. Nổi bật lên là hệ thống ruộng bậc thang. Một số địa điểm khác chỉ có một mùa trong năm thôi nhưng Bình Liêu vượt trội hơn là có 2 mùa trong năm khoảng tháng 5-6 và tháng 10-11".

Với việc được công nhận là danh thắng cấp tỉnh năm 2020, ruộng bậc thang thuộc xã Lục Hồn chính thức trở thành điểm đến văn hóa du lịch nổi trội, không chỉ của huyện Bình Liêu mà còn là của tỉnh Quảng Ninh.

Ruộng bậc thang là nơi du khách đến để chụp ảnh check in và là không gian để du khách trải nghiệm việc gặt lúa, tham gia các trò chơi dân gian, xem trình diễn thời trang dân tộc, chụp những bức ảnh đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người Bình Liêu. Ruộng bậc thang cũng là không gian chính diễn ra các hoạt động diễn xướng dân gian, trình diễn văn nghệ dân tộc, nơi Bình Liêu quảng bá nét văn hóa dân tộc đặc sắc.

Những thửa ruộng bậc thang đã trở thành biểu tượng du lịch tại huyện Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Thành.

Những thửa ruộng bậc thang đã trở thành biểu tượng du lịch tại huyện Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Thành.

Từ ruộng bậc thang, huyện Bình Liêu đã xây dựng được thương hiệu du lịch Hội mùa vàng. Những năm gần đây, cứ mỗi độ thu về, người dân địa phương và du khách đều trông ngóng chương trình khai hội. Không chỉ được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, mang bản sắc riêng mà còn để đánh dấu cho sự bắt đầu của chuỗi các hoạt động du lịch sôi nổi kéo dài đến hết năm.

Chương trình khai mạc tuần văn hóa du lịch Bình Liêu năm 2024 lựa chọn chủ đề Bình Liêu mùa hội về, tiếp tục là bữa tiệc văn hóa đa sắc màu, giới thiệu và quảng bá hình ảnh Bình Liêu, thiên đường du lịch thời điểm cuối năm của Quảng Ninh.  

Nét mới của chương trình năm nay là màn tái hiện lễ rước sắc phong trong lễ hội Đình Lục Nà. Tiết mục đặc sắc là sự hòa trộn giữa yếu tố văn hóa tín ngưỡng linh thiêng với phẩm chất kiên trung anh dũng của người dân ở nơi biên cương Bình Liêu.

Chương trình khai mạc tuần văn hóa du lịch, bên cạnh hình tượng trung tâm là bông lúa và ruộng bậc thang còn tôn vinh, quảng bá những di sản văn hóa vô giá của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Bình Liêu, giúp bồi đắp tình yêu, niềm tự hào với văn hóa trong mỗi người dân và nâng cao ý thức của mỗi người dân về việc bảo tồn văn hóa và đưa văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. 

Bình Liêu đặt mục tiêu đón 250.000 lượt khách trong năm 2024. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bình Liêu đặt mục tiêu đón 250.000 lượt khách trong năm 2024. Ảnh: Nguyễn Thành.

Thành công và tiếng vang từ các chương trình tuần văn hóa du lịch hằng năm đã giúp người dân Bình Liêu, nhất là các hộ kinh doanh du lịch và lưu trú có một mùa vàng du lịch đón khách.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bí thư huyện Bình Liêu, chia sẻ, địa phương đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, hướng dẫn, vận động người dân tham gia phát triển các sản phẩm du lịch mới gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cùng với đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, nghiệp vụ du lịch cho người dân.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, thực hiện các thủ tục, hướng dẫn, gỡ khó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai các sản phẩm du lịch đảm bảo quy định của pháp luật… Qua đó, tiếp tục đưa du lịch Bình Liêu phát triển mạnh mẽ, góp phần hoàn thành mục tiêu đón 250.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 243 tỷ đồng trong năm 2024.

Năm 2024, huyện Bình Liêu đưa vào phục vụ du khách sản phẩm mới là du lịch đi bộ xuyên rừng tại xã Đồng Văn, với quá nửa hành trình đi qua ruộng bậc thang. Sản phẩm du lịch kết nối ruộng lúa với rừng hồi, rừng quế của Bình Liêu, cung cấp một phương thức du lịch trải nghiệm khác biệt và một cái nhìn cận cảnh hơn về vẻ đẹp cảnh quan du lịch.

Đây cũng là loại hình du lịch được du khách phương tây, Hàn Quốc, Nhật Bản yêu thích vì vừa giúp rèn luyện sức khỏe, ít gây tác động đến môi trường lại mang đến cảm xúc chân thực và gần gũi với thiên nhiên và văn hóa của điểm đến.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tánh Linh tận dụng thế mạnh đặc sản để xây dựng sản phẩm OCOP

Huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã tận dụng những nông sản đặc trưng, thế mạnh như gạo, sầu riêng, yến sào…để xây dựng sản phẩm OCOP có giá trị.