| Hotline: 0983.970.780

Huyện nghèo biên giới lan tỏa phong trào hiến đất làm đường

Thứ Tư 19/06/2024 , 10:10 (GMT+7)

Phong trào hiến đất làm đường đang trở thành điểm sáng giúp huyện biên giới Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Có 10 hộ dân làng Yang Blo tham hiến đất làm đường liên xã nhánh 2 từ xã Ia Krái đi xã Ia Khai. Ảnh: Tuấn Anh.

Có 10 hộ dân làng Yang Blo tham hiến đất làm đường liên xã nhánh 2 từ xã Ia Krái đi xã Ia Khai. Ảnh: Tuấn Anh.

Đóng góp xây dựng quê hương

Những năm qua, huyện biên giới la Grai (tỉnh Gia Lai) đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông. Theo đó, các tuyến đường cũ nhỏ hẹp, khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn đã dần được thay thế bằng những con đường khang trang, sạch đẹp.

Trước đó, để xây dựng được các tuyến đường này, vấn đề khó khăn nhất là khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Phần lớn các tuyến đường đi qua đều dính đến đất đai, nhà cửa của người dân nên tiền đền bù rất lớn. Để tiết kiệm ngân sách nhà nước, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động để vận đông người dân hiến đất làm đường. Mới nhất, năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ia Grai đã có nghị quyết số 15 về hiến đất xây dựng đường giao thông. Huyện uỷ Ia Grai đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, vận động hiến đất làm đường. Trong đó, nhiều giải pháp đã được đề ra để vận động người dân, nhờ đó lan tỏa phong trào trên khắp địa phương.

Ghi nhận tại tuyến đường xuyên làng Nú (xã la Khai) có chiều dài 900m, rộng 8m, hiện được xây dựng khang trang, rộng rãi, xe chở nông sản chạy bon bon trên đường. Ít ai biết rằng, trước đây con đường này rộng chỉ có 1,5m, đi lại vô vùng khó khăn. Đáng quý hơn, để xây dựng tuyến đường này, 15 hộ dân đã tham gia hiến hơn 360m2 đất và hàng trăm cây điều. Là 1 trong số những hộ dân hiến đất làm đường, ông Rơ châm Hmonh (làng Nú) đã tự nguyện hiến khoảng 90m2 đất và 39 cây điều.

Ông Rơ châm Hmonh (làng Nú) hiến 90m2 đất và 39 cây điều để làm đường qua làng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Rơ châm Hmonh (làng Nú) hiến 90m2 đất và 39 cây điều để làm đường qua làng. Ảnh: Tuấn Anh.

Nói về quyết định hiến tài sản của gia đình để mở rộng đường, ông Hmonh cho biết: “Đất đai, cây điều là tài sản lớn của gia đình. Nó giá trị thật nhưng có nhiều thứ còn giá trị hơn, đó là sự đóng góp xây dựng quê hương. Mình quan niệm xây dựng mở rộng đường sẽ giúp nhiều người dân trong vùng có lợi. Vì thế, mình muốn hi sinh lợi ích cá nhân để cả cộng đồng được hưởng lợi. Khi địa phương vận động hiến đất làm đường, mình xung phong ngay. Bây giờ thấy con đường được nâng cấp to, đẹp, bà con đi lại an toàn, mình vui vì quyết định hiến đất là đúng đắn”.

Tương tự, tại đường liên xã nhánh 2 từ xã Ia Krái đi xã Ia Khai (huyện Ia Grai) đang được triển khai thi công. Trong đó, tại đoạn qua thôn làng Yang Blo (xã Ia Khai), hiện người dân đã tham gia hiến đất và cây cối. Ông Ksor Quen, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Yang Blo vui mừng cho biết: “Tại đoạn qua thôn, đã có 10 hộ tham gia hiến đất, cây trồng. Bây giờ, người dân chỉ muốn đẩy nhanh thi công đường để bà con thuận tiện giao thương, đi lại, buôn bán”.

Trong khi đó, trên địa bàn xã Ia O đang triển khai dự án đường nội đồng thuộc làng Lân và Dăng. Theo đó, 26 thửa đất của người dân bị ảnh hưởng. Theo ông Siu Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Ia O cho biết, ngay sau khi xác định được diện tích đất cần phải giải tỏa mặt bằng, xã đã vận động các hộ dân tự nguyện hiến một phần đất và các tài sản như cây điều, cà phê, cao su để nhà thầu dọn dẹp mặt bằng thi công.

Giá trị hiến đất hàng tỷ đồng

Ngoài các tuyến đường trên, trên địa bàn xã Ia Khai đã có rất nhiều tuyến đường được xây dựng nhờ sự đóng góp đất đai, tài sản của dân. Bà Nguyễn Mai Lương, Chủ tịch UBND xã Ia Khai cho biết: “Người dân trên địa bàn có ý thức trong việc xây dựng quê hương, đất nước. Dù đời sống còn khó khăn nhưng người dân thường xuyên tham gia hiến đất làm đường. Từ năm 2023 đến nay, có khoảng 100 hộ dân hiến đất để làm đường nông thôn. Việc hiến đất làm đường sẽ giúp giao thông nông thôn ngày càng phát triển, góp phần xây dựng xã về đích nông thôn mới”.

Đường liên xã nhánh 2 từ xã Ia Krái đi xã Ia Khai (huyện Ia Grai) đang thi công, người dân sẵn sàng hiến cây cối. Ảnh: Tuấn Anh.

Đường liên xã nhánh 2 từ xã Ia Krái đi xã Ia Khai (huyện Ia Grai) đang thi công, người dân sẵn sàng hiến cây cối. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngược về xã Ia Krái, người dân đồng bào cũng sẵn sàng hiến đất làm đường. Ông Nguyễn Đức Tấn, Chủ tịch UBND xã Ia Krái cho biết, trong thời gian qua, khi xây dựng đoạn đường qua làng Myah, có 5 hộ hiến đất với hơn 3.000m2. Mở rộng tuyến đường làng Căm, đã có 50 hộ hiến đất với khoảng 2.000m2.

“Nhờ bà con hiến đất, đã giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước và các con đường triển khai nhanh hơn. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động dân làng Tung Breng hiến đất làm đường liên xã Ia Krai đi Ia Khai”.

Theo Ban Dân vận Huyện Ia Grai, chỉ riêng trong năm 2024, tại các xã Ia Grăng, Ia Tô, Ia Khai, Ia Pếch và thị trấn Ia Kha, có khoảng 240 hộ dân hiến đất và tài sản trên đất để làm 4 tuyến đường với tổng giá trị hiến là khoảng 6,2 tỷ đồng.

Ông Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Ia Grai cho biết, người dân trên địa bàn hiến đất làm đường đã trở thành phong trào từ nhiều năm nay. Đặc biệt, từ năm 2023, để tăng cường vận động dân tham gia hiến đất làm được, huyện đã ban hành Nghị quyết 15 về hiến đất xây dựng đường giao thông và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, vận động người dân hiến đất. Trong đó, huyện đã đề ra nhiều giải pháp để vận động dân hiến đất làm đường. Đáng chú ý, huyện sẽ có trách nhiệm chỉnh lý miễn phí phần biến động đất dân đã hiến trên bìa đỏ. Điều này đã giúp dân yên tâm hiến đất, cùng chung tay xây dựng những tuyến đường khang trang, sạch đẹp.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Phát triển sản phẩm OCOP từ nông sản chủ lực

Đắk Lắk đã tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực đặc sản của địa phương như: cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca…để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.