Sự kiện này được tổ chức sau hơn 3 tháng, kể từ ngày Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 833/QĐ-TTg, công nhận huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đạt chuẩn NTM năm 2020.
Thuỷ Nguyên nằm ở cửa ngõ phía Bắc của thành phố Hải Phòng, có 35 xã, 2 thị trấn với tổng diện tích tự nhiên là 26.186,7ha, dân số 334.545 người.
Từ năm 2011, cùng với cả nước, huyện Thủy Nguyên bước vào thực hiện thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng NTM với tư cách là địa phương có nhiều xã nhất TP Hải Phòng.
Những năm đầu tiên xây dựng NTM, tình hình kinh tế khó khăn, nguồn đầu tư công được thắt chặt trong khi, các kế hoạch và yêu cầu về phát triển hạ tầng NTM đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn.
Theo thống kê, thời điểm đó, hầu hết các xã có xuất phát điểm còn thấp, bình quân toàn huyện mới đạt 6,8/19 tiêu chí/xã, trong đó, xã đạt cao nhất là 12 tiêu chí và xã đạt thấp nhất là 2 tiêu chí.
Song song với đó, tình hình chuyển dịch cơ cấu sản xuất - kinh tế - lao động còn chậm, thiếu đồng bộ, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 38,9%, thu nhập bình quân đầu người 16,99 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo là 5,06%.
Ông Nguyễn Huy Hoàng – Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, để xác định lộ trình xây dựng NTM phù hợp với điều kiện thực tế, huyện đã hướng dẫn các xã rà soát chi tiết mức độ đạt chuẩn từng tiêu chí, đưa ra những nội dung cần hoàn thành, từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện, phương án huy động nguồn lực hợp lý, hiệu quả.
Trong xây dựng NTM, chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng” được quán triệt sâu sắc, thể hiện và thực hiện thông qua vai trò tham gia ý kiến vào quy hoạch, kế hoạch, đề án NTM, tham gia góp công, góp của, thực hiện giám sát và cho ý kiến về sự hài lòng đối với kết quả xây dựng NTM.
Theo đó, toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân đã tích cực tham gia hiến đất, đóng góp ngày công, trí tuệ cùng các cấp ủy, chính quyền tham gia xây dựng NTM.
Chỉ tính riêng trong “Chương trình hỗ trợ xi măng của thành phố”, từ năm 2013 đến nay, với hơn 92.000 tấn xi măng được thành phố hỗ trợ, nhân dân Thủy Nguyên đã đóng góp trên 1.741 tỷ đồng để xây dựng được 696,6km đường giao thông.
Qua 10 năm triển khai, bộ mặt nông thôn huyện Thủy Nguyên đã được đổi mới khá toàn diện, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những chuyển biến vượt bậc, hiện đại hóa theo hướng đồng bộ, khang trang.
Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, thương mại nông thôn được tập trung đầu tư,... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, xây dựng NTM đã thực sự trở thành phong trào có ý nghĩa nhân văn được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ.
“Hiệu quả từ NTM đã tạo sự khởi sắc rõ rệt, khơi dậy được những lợi thế, tiềm năng của các địa phương và phát huy vai trò chủ thể của người dân, nhất là ở vùng nông thôn”, ông Hoàng khẳng định.
Sau khi hoàn thành xây dựng NTM, từ năm 2020 đến nay, huyện Thủy Nguyên tiếp tục có 15 xã được lựa chọn để xây dựng NTM kiểu mẫu với tổng vốn đầu tư hơn 1.836 tỷ đồng để xây dựng 209 tuyến đường giao thông, 12 công trình trường học, 8 công trình nhà văn hóa thôn, 13 công trình về môi trường.
Huyện Thủy Nguyên đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, 100% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đây là bước đệm và là tiền đề quan trọng để xây dựng Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng.