| Hotline: 0983.970.780

Ma trận yến sào

III.Sẽ siết chặt buôn bán sản phẩm yến sào

Thứ Hai 04/07/2022 , 09:28 (GMT+7)

Tỉnh Khánh Hòa sẽ tăng cường kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội để kinh doanh yến sào giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Ngọc Sơn, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Khánh Hòa trước thực trạng rao bán sản phẩm yến sào không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trên mạng xã hội mà Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh.

Ông Phạm Ngọc Sơn, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Ông Phạm Ngọc Sơn, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Khánh Hòa. Ảnh: KS.

 Buôn bán yến không rõ nguồn gốc là vi phạm pháp luật

Trước câu hỏi của PV về việc rao bán sản phẩm yến sào trên mạng xã hội, không có nguồn gốc xuất xứ có vi phạm pháp luật hay không? Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Sơn cho rằng: Khoản 13 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ: “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 quy định những hành vi bị nghiêm cấm: “Xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng”.

Sản phẩm yến rao bán trên mạng xã hội ghi chung chung, không rõ nguồn gốc. Ảnh: ĐL. 

Sản phẩm yến rao bán trên mạng xã hội ghi chung chung, không rõ nguồn gốc. Ảnh: ĐL. 

Do đó, không riêng đối với mặt hàng yến sào, mà đối với tất cả các loại hàng hóa kinh doanh, mua bán dưới bất kỳ hình thức nào không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng đều vi phạm pháp luật và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo ông Sơn, thời gian qua, qua đường dây nóng đơn vị chưa nhận được thông tin phản ánh của người dân về chất lượng và vi phạm đối với mặt hàng yến sào trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số trang mạng xã hội (Facebook và Zalo...) đăng bán yến sào mang thương hiệu yến sào Nha Trang, yến sào Khánh Hòa không có địa chỉ, địa điểm kinh doanh rõ ràng hoặc lấy địa chỉ ở Khánh Hòa nhưng qua thẩm tra xác minh không có hoặc không phải ở Khánh Hòa.

Trong khi đó hiện chúng ta chưa có văn bản pháp luật cụ thể để quy định thực hiện việc xác định chất lượng mặt hàng yến sào, cơ quan nào đánh giá chất lượng yến sào (yến đảo, yến nhà và yến nhập khẩu). Từ đó, các cơ quan chức năng nói chung và Quản lý thị trường nói riêng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý mặt hàng này.

 Sẽ tăng cường xử lý vi phạm

Để sớm phát hiện và xử lý việc kinh doanh buôn bán yến sào không rõ nguồn xuất xứ, nhái thương hiệu, gian lân thương mại, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Khánh Hòa, cho biết, sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình; kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng yến sào. Cũng như tăng cường kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội (facebook, zalo…) để kinh doanh yến sào giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Người tiêu dùng nên mua yến ở các cơ sở uy tín để tránh mua hàng giả, kém chất lượng. Ảnh: Đăng Lâm.

Người tiêu dùng nên mua yến ở các cơ sở uy tín để tránh mua hàng giả, kém chất lượng. Ảnh: Đăng Lâm.

Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát tờ rơi, vận động các cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; thông báo đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận tin báo, phản ánh của các tổ chức, cá nhân và người dân về các hành vi vi phạm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường Khánh Hòa khuyến cáo người tiêu dùng khi có nhu cầu mua yến sào và các sản phẩm chế biến từ yến sào nên đến tận nơi, chọn những cơ sở kinh doanh, website thương mại điện tử có uy tín, có thương hiệu, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trên sản phẩm có nhãn ghi đầy đủ nội dung theo quy định.

Khi mua hàng nên yêu cầu người bán hàng xuất hóa đơn, chứng từ hoặc giữ lại bao bì sản phẩm để giúp cơ quan chức năng quản lý tốt, xử lý khi vi phạm cũng như đổi, trả sản phẩm khi gặp vấn đề về chất lượng.

Theo Cục Quản lý thị trường Khánh Hòa, vừa qua đơn vị phát hiện và tạm giữ lô hàng gồm 180 kg yến nguyên liệu và 150 kg bột thạch (bột dụ yến) là chất phụ gia thực phẩm của phương tiện vận tải đang giao nhận hàng tại thôn Trung Nam, xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa). Qua làm việc lực lượng chức năng xác minh lô hàng trên thuộc sở hữu của Công ty TNHH Xuất - Nhập khẩu và Sản xuất NT. Đơn vị đã xem xét, trình Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định xử phạt 126 triệu đồng đối với Công ty TNHH Xuất - Nhập khẩu và Sản xuất NT về hành vi: Kinh doanh hàng hóa nguyên liệu yến là thực phẩm theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; Kinh doanh hàng hóa Bột thạch là chất phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.